Gần đây nhất, ngày 9/12/2020 Sở Thông tin và truyền thông ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với đối tượng Phạm Thị Kim Loan, địa chỉ Phố 1, phường Vân Giang, Thành phố Ninh Bình với hành vi thóa mạ, bịa đặt, bôi nhọ, xúc phạm danh dự của nhà hàng xóm bên cạnh với số tiền 10 triệu đồng.
Trong đợt dịch bệnh Covid, xử phạt đối tượng Quách Văn Công sinh năm 1985, trú tại xã Đồng Phong, huyện Nho Quan 26.500.000 đồng với hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên trang Facebook cá nhân.
Có thể thấy rằng, thông tin xấu độc, thông tin bịa đặt, thông tin bôi nhọ nhân phẩm danh dự, bóp méo sự thật không còn là câu chuyện xa vời hoặc đó đây trên mạng xã hội mà nó hiện hữu và xảy ra rất thường ngày ngay trong phố xóm, ở thành phố ta, huyện ta và tỉnh ta.
Dễ dàng nhận thấy rằng, bên cạnh những mặt tích cực thì mạng xã hội cũng là nơi để lại nhiều hệ lụy, nhất là thông tin xấu độc ngày càng có diễn biến phức tạp. Thông tin xấu độc là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, chưa được kiểm chứng, gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức, gây bức xúc trong dự luận xã hội; vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục; quan trọng hơn là thông tin xuyên tạc lịch sử chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ như trang Facebook Trần Quốc Khánh “Trần Quốc Khánh” và trang Fanpage “Tiếng Nói Công Dân” ở Kim Sơn) .
Và một thực tế hiển hiện đó là, những điều tốt đẹp, nhân văn thì mạng xã hội rất ít quan tâm, phần nhiều chỉ chú ý vào các thông tin vô bổ, thông tin xấu, độc để câu view, câu like nhằm thỏa mãn trí tò mò, thu lợi hoặc phục vụ mục đích cá nhân. Điều này khiến cho bức tranh xã hội trở nên lệch lạc, xa lạ với thực tiễn cuộc sống đang diễn ra của đất nước.
Với những vấn đề như vậy, công tác quản lý Nhà nước về báo chí và mạng xã hội đứng trước rất nhiều khó khăn và thách thức.
Xác định rất rõ yêu cầu nhiệm vụ của mình, trong thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý. Đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định về Quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Ban hành văn bản tăng cường quản lý nội dung thông tin trên các trang fanpage facebook; vận động chủ tài khoản Facebook gỡ bỏ 56 tin, bài có nội dung không đúng quy định; đấu tranh, ngăn chặn, đề nghị gỡ bỏ 34 tin, bài, thông tin được đăng tải, chia sẻ sai quy định, không đúng sự thật ban hành Văn bản mật số về việc cảnh báo về một số hoạt động của tổ chức “Các nhà báo không biên giới”; Thường xuyên theo dõi, rà soát hoạt động của gần 2000 trang thông tin điện tử có chủ sở hữu là người Ninh Bình. Phối hợp với Cục Phát thanh, Truyền hình & Thông tin điện tử và Trung tâm Internet Việt Nam phối hợp xử lý, chấn chỉnh 21 trang, chấm dứt hoạt động của 5 trang thông vi phạm.
Bên cạnh đó, trong năm 2020 phối hợp với Công an tỉnh xác minh 53 đối tượng, giáo dục, răn đe và yêu cầu gỡ bỏ bài viết, cam kết không tái phạm trong việc đăng các thông tin sai lệch, không chính xác, gây hoang mang cho nhân dân, tiến hành xử phạt hành chính 22 đối tượng, với tổng số tiền là 155.500.000đ.
Mặc dù vậy, số lượng các vụ việc được phát hiện xử lý còn hạn chế; lực lượng cán bộ quản lý của Sở Thông tin và Truyền thông còn ít, kinh nghiệm xử lý giải quyết chưa nhiều trong khi tính chất, mức độ vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp hơn; công cụ hỗ trợ việc rà soát chưa có, chủ yếu làm bằng phương pháp thủ công. Nguồn xử lý chủ yếu căn cứ vào đơn tố cáo của cá nhân, tổ chức hoặc cơ quan công an chuyển sang xử phạt hành chính.
Trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh công nghệ và không gian số phát triển, việc tham gia thông tin trên mạng xã hội là một xu thế tất yếu do vậy, các thế lực thù địch phản động sẽ không ngừng lợi dụng mạng xã hội là một trong những phương thức để hoạt động, phát tán các thông tin xấu độc, các luận điệu xuyên tạc, sai trái. Để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình, thời gian tới Sở Thông tin và Truyền thông tập trung vào một số nội dung sau:
Phối hợp với Cục báo chí, khai thác và sử dụng nền tảng phân tích thông tin dư luận trên mạng xã hội, qua đó kịp thời năm bắt, xử lý thông tin xấu độc trên không gian mạng để kịp thời tham mưu với Ban chỉ đạo, UBND tỉnh. Tập trung triển khai Trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC) theo mô hình 04 lớp. Triển khai thực hiện Quy chế hoạt động của Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh Ninh Bình.
Tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các cơ quan báo chí, cơ quan thông tin tuyên truyền, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, bám sát định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống thông tin xấu, độc trên báo chí, internet và mạng xã hội.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị và với Công an tỉnh tăng cường công thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm những hành vi, đối tượng vi phạm.
Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị Ban chỉ đạo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng cơ chế cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho các cơ quan báo chí, cơ quan thông tin tuyên truyền để làm cơ sở đấu tranh với những thông tin, luận điệu xuyên tạc; Đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường hơn nữa việc kết hợp công tác tuyên truyền khẳng định thành tựu quan trọng của đất nước, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vừa có nhiều tin bài phản ánh, vạch trần âm mưu thủ đoạn, quan điểm sai trái để các tầng lớp nhân dân nhận diện rõ các thông tin xấu độc, các luận điệu xuyên tạc, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Thảo Nguyên