Chủ Nhật, 22/12/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Chuyển đổi số trong báo chí - truyền thông

Chủ nhật, 19/09/2021
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )
* Xu hướng chung: Theo xu hướng chung hiện có hai hướng triển khai chuyển đổi số trong báo chí và truyền thông. 
 
Thứ nhất là lấy công nghệ làm trung tâm, theo đó, chuyển đổi số là việc sử dụng công nghệ, kỹ thuật để thay đổi cách con người làm việc, giao thương, giao tiếp và các hoạt động khác trong cuộc sống. Xuất phát từ nền tảng công nghệ và kỹ thuật, những người tham gia chuyển đổi số chú trọng đầu tư vào lắp đặt các thiết bị, hệ thống máy tính, internet tốc độ cao, kết nối internet vạn vật, xử lý và lưu trữ dữ liệu trên đám mây, phát triển phần mềm và hệ thống tự động. Ví dụ, nhiều cơ quan, công sở, tòa soạn báo chí đang làm việc qua mạng, từ xa, trên những nền tảng cho phép hội họp; dùng máy chấm công, nhận diện bằng gương mặt hay giọng nói ở những công sở, xí nghiệp; đều là những biểu hiện của chuyển đổi số bằng thay đổi công nghệ. Cách này có ưu điểm là dùng công nghệ để hỗ trợ nhiều loại hình hoạt động trước đây làm thủ công, giúp kết nối nhiều người; nhưng nhược điểm là thu về quá nhiều thông tin mà không xử lý hết, gây lãng phí tài nguyên. 
 

Thứ hai là lấy thông tin làm trung tâm, theo đó, chuyển đổi số là việc xử lý thông tin thu được từ môi trường diễn ra các hoạt động để làm cơ sở đưa ra quyết định. Có thể quan sát thấy ngày càng nhiều những ví dụ của chuyển đổi số theo cách thứ hai, lấy thông tin làm trung tâm. Nhiều báo điện tử đưa ra câu hỏi cho bạn đọc “Có cho phép báo truy cập vào cookies của bạn hay không?”. Cookies là tệp tin lưu lại thông tin bạn đọc sử dụng thiết bị gì, truy cập trang web nào, tìm kiếm thông tin gì, sở thích đọc tin, vị trí của bạn đọc... Khi bạn đọc chọn câu trả lời “có”, cho phép báo điện tử được sở hữu thông tin này, đồng nghĩa với việc tờ báo được khai thác mỏ dữ liệu lớn vào những mục đích mang lại lợi nhuận, ví dụ cho hiển thị quảng cáo phù hợp với bạn đọc. Người sử dụng mạng xã hội Facebook đã nhiều lần bất ngờ khi Facebook cho xuất hiện quảng cáo đúng mặt hàng, đúng thời điểm họ cần. Khi được khai thác đúng đắn, hợp lý, phù hợp với luật pháp và quy ước đạo đức, dữ liệu lớn là một loại tài sản mới của các cơ quan báo chí-truyền thông, bên cạnh những tài sản truyền thống, hữu hình như trụ sở, trang thiết bị, vốn tài chính, vốn nhân lực.
 
* Cơ hội và thách thức 
 
Chính phủ ta đã và đang kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn, nhất là dữ liệu về dân số, y tế, giáo dục, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân. Như vậy, tạo tiền đề rất rõ ràng và thuận lợi cho công cuộc chuyển đổi số, cả về mặt hạ tầng công nghệ và xử lý thông tin dữ liệu. 
 
 
Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn thách thức trong chuyển đổi số báo chí-truyền thông. Thách thức đầu tiên đến từ mức độ sẵn sàng chuyển đổi số. Không phải cơ quan báo chí-truyền thông nào cũng đủ nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng, trang thiết bị hiện đại. Thách thức thứ hai là nguồn nhân lực cho chuyển đổi số. Có chiến lược đào tạo và trọng dụng nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông, kèm theo chiến lược bồi dưỡng kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Thách thức thứ ba, được đánh giá là thử thách cốt lõi trong ngành báo chí, đó là năng lực chuyển đổi số trong sáng tạo nội dung báo chí. Tác giả phải nhấn mạnh tầm quan trọng của những thay đổi số trong việc sản xuất ra nội dung sản phẩm báo chí. Yêu cầu của báo chí tự động là phải có nguồn dữ liệu lớn được kiểm chứng, do vậy, cần tạo cơ chế để các cơ quan báo chí được kết nối với kho dữ liệu quốc gia. Nội dung báo chí cũng có thể tận dụng kho dữ liệu vô cùng phong phú, mở, và sẵn có trên internet mà ai cũng có thể truy cập được, ví dụ ảnh vệ tinh, hình ảnh bản đồ Google. Tuy nhiên, nhà báo phải kiểm soát chặt chẽ đầu vào số liệu, biết cách lập trình, "dạy máy", biết hợp tác liên ngành. Tất cả những điều này hiện đang là thách thức lớn đối với người làm báo, người quản lý báo chí, cũng như giáo dục và đào tạo báo chí. Báo chí Việt Nam có thực sự chuyển đổi số hay không phụ thuộc vào mức độ thay đổi cách thức sản xuất nội dung báo chí, chứ không phải chỉ dừng lại ở một số thử nghiệm về kênh phân phối (paywall, chatbot) không ảnh hưởng nhiều đến nội dung báo chí như hiện nay.
 
Nhận diện ba thách thức trong quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí - truyền thông, từ đó có những giải pháp tháo gỡ là điều hết sức cần thiết. Quan trọng hơn, từng cơ quan báo chí-truyền thông, từng cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí-truyền thông cần có nhận thức đúng đắn về chuyển đổi số, đề ra lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế để trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí và truyền thông đóng vai trò quan trọng. Sứ mệnh của báo chí, truyền thông là tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; chủ động, tích cực đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, làm sạch không gian mạng; phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, đồng thời lan tỏa năng lượng tích cực, xây dựng niềm tin xã hội.
 
Minh Quang

 
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?