Bộ TT&TT đã ghi nhận những rủi ro về nội dung trên các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới nêu trên như: xuất hiện các nội dung xuyên tạc lịch sử (tại loạt phim tài liệu Vietnam War), xuyên tạc về chủ quyền Việt Nam (tại bộ phim Madam Secretary); mô tả hình ảnh bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm (phim Bánh đa tầng, phim Polar: Sát thủ tái xuất, phim After Porn End, phim 365 Days....). Điểm chung của nội dung trên các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới này là đều đang được cung cấp trên quan điểm, nhận thức của các doanh nghiệp nước ngoài, không được biên tập phù hợp truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam; trái quan điểm chính trị; chuyển ngữ tiếng Việt sử dụng từ ngữ thô tục, “phá hoại” tính trong sáng của tiếng Việt; chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình.
FPT một trong những doanh nghiệp được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, cung cấp dịch vụ truyền hình có thu tiền thuê bao định kỳ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, buộc các doanh nghiệp phải có Giấy phép. Nội dung trên dịch vụ truyền hình phải tuân thủ các yêu cầu về biên tập, kiểm soát nội dung trước khi cung cấp đến người dùng/thuê bao theo quy định pháp luật về báo chí, điện ảnh.
Đứng trước thực tế này, thực hiện công tác quản lý nhà nước, Bộ TT&TT đang triển khai các giải pháp đồng bộ vừa khẩn trương hoàn thiện các quy định quản lý đối với dịch vụ phát thanh, truyền hình, vừa tăng cường công tác hậu kiểm đảm bảo ngăn chặn hiệu quả các nội dung trái pháp luật trong trước mắt và lâu dài.
Tuy nhiên, qua theo dõi thông tin báo chí, Bộ TT&TT nhận thấy, thời gian qua, một số cơ quan báo chí đã có một số chương trình, bài viết quảng bá, giới thiệu các dịch vụ truyền hình cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Đáng chú ý, trong các chương trình, bài viết này có một số nội dung thông tin chi tiết, mô tả dịch vụ, giới thiệu các nội dung mới sắp được cung cấp trên dịch vụ và huớng dẫn người dùng sử dụng dịch vụ.
Vì vậy, để đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình một cách hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng của thị trường dịch vụ phát thanh, truyền hình; đồng thời để nâng cao trách nhiệm xã hội của các cơ quan báo chí trong vai trò là cơ quan định hướng dư luận, định hướng tư tưởng, thẩm mỹ, văn hóa độc giả, khán thính giả, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục, bảo vệ thể chế chính trị của Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các cơ quan báo chí: Cân nhắc về việc đăng tải, phát sóng các tin bài, chương trình có nội dung phổ biến, quảng bá cho các dịch vụ truyền hình của doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam; Quan tâm thông tin, quảng bá cho các dịch vụ phát thanh, truyền hình của các doanh nghiệp trong nước đã có Giấy phép.
Danh sách các dịch vụ đã được cấp phép được cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử
http://www.abei.gov.vn của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông.