Thứ sáu, 19/04/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Yên Khánh: Tập trung cao cho sản xuất vụ mùa

Thứ năm, 25/06/2020

Yên Khánh: Tập trung cao cho sản xuất vụ mùa

Làm đất chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa tại huyện Yên Khánh. Ảnh: Trường Giang


Ông Nguyễn Văn Hùng (xã Khánh Nhạc) cho biết: Sau khi thu hoạch xong lúa đông xuân, bà con nông dân đã chuyển trọng tâm sang sản xuất vụ mùa. Cũng như mọi năm, công tác chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất được bà con nông dân triển khai sớm, nước lấy tập trung và đã đủ, công tác làm đất thuận lợi. Tuy nhiên, những ngày gần đây nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến công tác làm đất của các chủ máy; họ đều phải thực hiện theo phương châm sáng đi sớm về sớm, chiều đi muộn về muộn; hầu hết các chủ máy đều bố trí làm đêm cho mát và ban ngày nghỉ tránh nắng. Năm nay gia đình ông Hùng cấy 7 sào lúa nếp và lúa chất lượng cao; dự kiến khoảng cuối tháng 6, gia đình ông sẽ bước vào thời kỳ gieo cấy lúa mùa. Lãnh đạo xã Khánh Nhạc cho biết: Vụ mùa 2020, xã dự kiến gieo cấy khoảng 590 ha lúa, chủ yếu là giống lúa chất lượng cao. Sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa, hệ thống kênh mương tưới tiêu được bố trí hợp lý, phù hợp... nên việc đưa nước vào đồng ruộng cũng như khi cần rút nước được thực hiện nhanh chóng và kịp thời. Trên địa bàn xã có gần 20 máy làm đất, trong đó có nhiều máy loại trung (công suất 70-80 mã lực). Trước đó, các HTX đã chủ động ký hợp đồng và phân rõ từng vùng cho các chủ máy. Đến ngày 17/6, 100% diện tích ruộng của các HTX đã được cày ngả; dự kiến khâu bừa cấy sẽ hoàn thành xong vào cuối tháng 6, để nông dân đồng loạt xuống đồng gieo cấy lúa mùa vào đầu tháng 7.

Tại cánh đồng thuộc xã Khánh Hải, không khí lao động sản xuất cũng rất khẩn trương. Bà Nguyễn Thị Hòa cho biết: Đến thời điểm này, sản xuất vụ mùa khá thuận lợi. Lúa xuân được thu hoạch nhanh, gọn tạo điều kiện cho HTX lấy nước đủ, làm đất nhanh. Trên cơ sở các máy làm đất có trên địa bàn, HTX đã chủ động lên phương án và kế hoạch cụ thể với việc phân rõ khu ruộng cho từng chủ máy đảm nhiệm. Ông Đoàn Văn Quốc, Chủ tịch HĐQT HTX Đông Mai chia sẻ: Vụ mùa này, HTX dự kiến gieo cấy khoảng 159 ha, trong đó có 2/3 diện tích sau khi thu hoạch xong lúa mùa sẽ trồng cây vụ đông. Do vậy, HTX tập trung làm đất sớm, nhanh, áp dụng biện pháp gieo thẳng là chính với các giống lúa thuần ngắn ngày. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Diệp, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện chia sẻ: Vụ mùa 2020, huyện Yên Khánh dự kiến gieo cấy 7.720,6 ha lúa với cơ cấu chủ yếu là các giống lúa thuần (LT2, Bắc Thơm số 7, DQ11, QR1, Thơm RVT, Hoa ưu 109, TBR45, Nếp 97) có 7.441 ha, chiếm 95%; giống lúa lai (Thục Hưng 6, Đại Dương 1) có 280 ha, chiếm 5%. Năng suất lúa mùa năm 2020 phấn đấu đạt bình quân 56,05 tạ/ha; giá trị sản xuất đạt 367.033 triệu đồng. Về trà lúa, chủ yếu gieo cấy ở trà mùa sớm với khoảng 95% diện tích nhằm rút ngắn thời gian sản xuất vụ mùa để có nguồn quỹ đất phát triển vụ đông. Duy trì các khu đồng sản xuất lúa giống chất lượng cao ở các xã Khánh Thành, Khánh Trung, Khánh Cường và tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp vào địa bàn sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm, bao tiêu sản phẩm cho hộ nông dân. Mở rộng các mô hình khảo nghiệm, trình diễn các giống lúa mới nhằm chọn, tạo ra được những giống lúa có năng suất, chất lượng, thích ứng rộng để khuyến cáo đưa vào sản xuất đại trà trong các vụ tới. Đến ngày 17/6, các địa phương trong huyện đã lấy đủ nước phục vụ cho vụ mùa; thực hiện cày đất đạt 100% diện tích, đang thực hiện bừa cấy và phấn đấu gieo cấy xong lúa mùa trước ngày 5/7, sớm hơn so với quy định chung của ngành 20 ngày. 

Đồng chí Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cũng chia sẻ: Yên Khánh đang hướng đến nền sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững, nên biện pháp cấy lúa theo kiểu truyền thống hoặc mô hình "Mạ khay-máy cấy" được khuyến khích, khuyến cáo sử dụng và có khoảng 260 ha ở các xã Khánh Thành, Khánh Trung, Khánh Công đăng ký thực hiện. Sau khi hoàn thành gieo cấy lúa mùa, các địa phương trong huyện chuyển trọng tâm sang chăm sóc lúa. Khai thác mọi nguồn phân hữu cơ (phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh); sử dụng các loại phân bón NPK tổng hợp loại chuyên dùng cho lúa, bón theo hướng dẫn của nhà sản xuất với từng loại phân, từng loại đất, từng giống lúa; bón phân theo phương châm "nặng đầu, nhẹ cuối", bón cân đối đạm, lân, kali; bón đủ phân kali cho lúa, nhất là giai đoạn đón đòng. Các địa phương thực hiện nghiêm túc các biện pháp về quản lý dịch hại, lúa cỏ ngay từ đầu vụ, tránh lây lan ra các vùng khác trên địa bàn huyện; tổ chức thăm đồng thường xuyên, dự tính, dự báo sâu bệnh, chỉ đạo nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả theo nguyên tắc "4 đúng", chú ý đến các dịch bệnh nguy hiểm dễ xảy ra ở vụ mùa (bệnh bạc lá, bệnh lùn sọc đen phương Nam...) để có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, mưa bão để chủ động điều tiết nước hợp lý theo phương án phòng, chống thiên tai đã được phê duyệt.

 

Đinh Chúc 

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4490544

Trực tuyến: 59

Hôm nay: 8250

Hôm qua: 7507