Thứ Bảy, 20/04/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Tích tụ ruộng đất làm giàu từ cây lúa

Thứ năm, 09/07/2020

 Trong khi ở một số địa phương, nhiều hộ gia đình nông dân không mặn mà với đồng ruộng thì ở huyện Hoa Lư vẫn có một người không quản ngại khó khăn thuê lại từng thửa ruộng bỏ hoang đầu tư để cấy lúa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là anh Trịnh Viết Chiến, xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư.

Tích tụ ruộng đất làm giàu từ cây lúa

Anh Trịnh Viết Chiến (áo cộc tay sáng màu) hướng dẫn vận hành hệ thống gieo mạ khay.

9h sáng một ngày rất nắng cuối tháng 6, trong khi những nơi khác nông dân đang nghỉ ngơi, chờ đến vụ tiếp theo thì trên cánh đồng xóm Kim Phú, xã Ninh Khang không khí sản xuất lại rất nhộn nhịp. 

Anh Trịnh Viết Chiến cùng cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nhân viên kỹ thuật của Công ty Kubota và hơn 10 nhân công đang gấp rút sản xuất những khay mạ đầu tiên, phục vụ cho vụ mùa sắp tới. 

Anh Chiến cho biết: tôi vừa đầu tư hơn 500 triệu đồng để mua hệ thống giàn gieo mạ, máy cấy. Nếu làm thành công, nó sẽ giúp cơ giới hóa gần như toàn bộ quá trình sản xuất lúa gạo của gia đình. 

Gương mặt đẫm mồ hôi, anh Chiến kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện khởi nghiệp của mình: sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, hơn ai hết anh quý trọng đồng đất của quê hương, thấu hiểu được sự vất vả của người nông dân. Chính sản xuất nhỏ lẻ, manh mún là nguyên nhân dẫn đến chi phí cho sản xuất nông nghiệp tăng cao. 

Mỗi hộ chỉ cấy 2 - 3 sào, các thửa ruộng lại bị chia nhỏ ở nhiều xứ đồng khác nhau, lao động trẻ khỏe thì đi làm ở các công ty, xí nghiệp, ở quê chỉ còn người già, trẻ em, cây lúa không được quan tâm chăm sóc, năng suất thấp, thu nhập từ lúa chẳng đáng là bao, vì thế nhiều hộ đã bỏ ruộng. 

Nhìn thấy cánh đồng màu mỡ ngày nào bỗng chốc hoang hóa, cỏ mọc um tùm, không khỏi xót xa, anh ngỏ ý muốn thuê lại thì chính quyền và người dân địa phương đều nhất trí.

Mặc dù làm nông nghiệp từ nhỏ nhưng việc bỗng dưng sở hữu hàng chục mẫu ruộng trong tay thì lại là chuyện lớn. Phải làm gì với một cánh đồng mênh mông, toàn cỏ lau, cỏ lác mọc cao quá đầu người là câu hỏi làm anh Chiến trăn trở nhiều đêm. Cả cánh đồng rộng lớn, không thể dùng sức người để sản xuất. 

Tuy lâu nay gia đình đã làm dịch vụ làm đất cho bà con nhưng các máy móc anh sở hữu cũng chỉ là máy cày, máy bừa đơn giản. Thế là anh bắt đầu đi tham quan học hỏi ở các nơi, đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua sắm thêm máy móc thiết bị mới như: máy phun thuốc trừ sâu, máy bón phân. 

Ngoài ra, anh còn liên hệ với các cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp & PTNT để nhờ hàng tuần về kiểm tra và tư vấn về kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa, nhờ vậy năng suất lúa của gia đình luôn ở mức cao và ổn định. Làm ăn có lãi, có vốn tích lũy, nên cứ nghe chỗ nào bỏ ruộng là anh Chiến lại tìm cách thuê lại. 

Đến nay, anh đã sở hữu tất cả 80 mẫu ruộng, tập trung chủ yếu ở 2 xã Ninh Mỹ, Ninh Khang của huyện Hoa Lư. Vụ đông xuân vừa qua, 80 mẫu lúa của gia đình anh cho năng suất 2,3 tạ/sào, sản lượng trên 180 tấn. Anh ký hợp đồng với Công ty Hà Phát bao tiêu toàn bộ sản phẩm lúa với mức giá 7.000 đồng/kg thóc tươi, vì thế đầu ra rất ổn định, sau khi trừ chi phí gia đình lãi được gần 700 triệu đồng. 

"Làm lúa vẫn có thể giàu được. Vấn đề chủ yếu là mình phải tích tụ được ruộng đất đủ lớn, áp dụng đồng bộ các khâu sản xuất, từ việc chọn giống lúa năng suất, chất lượng cao để canh tác, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, phòng trừ dịch bệnh theo chương trình IPM… Từ đó giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành trong sản xuất, tạo ra sản lượng lúa lớn, chất lượng và thu lãi cao.

Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục thuê thêm ruộng. Đồng thời đưa máy cấy vào sản xuất, để hướng sang dòng sản phẩm lúa hữu cơ, từ đó tìm kiếm đầu ra ổn định với giá cả tốt hơn", anh Chiến chia sẻ về dự định sắp tới.

Hà Phương (Theo baoninhbinh.org.vn)

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4494434

Trực tuyến: 37

Hôm nay: 3319

Hôm qua: 8821