Thứ sáu, 29/03/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình

Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa

Chủ nhật, 18/10/2020

Chúng tôi về huyện Yên Khánh, tìm về mảnh đất Khánh Trung nơi triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ đầu tiên của tỉnh. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Khánh Trung Phạm Ngọc Duân hồ hởi đón chúng tôi ngay bên cánh đồng lúa nếp cau đang chuẩn bị trỗ bông. 

Ông cho biết: Khi lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT về xã trao đổi làm mô hình nông nghiệp hữu cơ chúng tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng là đã có được hướng đi mới, nhưng cũng lo liệu có thực hiện được không? Ruộng đất đang manh mún, mỗi nhà một mảnh, muốn làm lúa hữu cơ, đưa máy móc hiện đại vào thì phải dồn thành cánh đồng lớn, trăm người như một đâu phải chuyện dễ. Có người lắc đầu ngại khó, có người bàn ngang. Cán bộ phải đi từng hộ dân vận động cho bà con thuận lòng.

"Về quy trình kỹ thuật cũng phải thay đổi hoàn toàn"- ông Duân nói về khó khăn khác. Nông dân mình vốn bảo thủ, bao đời nay, cứ thấy lúa xấu là bón đạm, có sâu là phun thuốc, giờ bảo không bón, không phun, bà con lo lắng: "Các ông làm thế này, nếu mất mùa, có đền không". Nhưng rồi các cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và PTNT luôn đồng hành cùng với chúng tôi, bám sát đồng ruộng, hỗ trợ về kỹ thuật, giải thích, động viên nên những băn khoăn đó cũng dần được giải tỏa.

Chị Phạm Thị Hằng, xóm 11 nghe được câu chuyện của chúng tôi bèn nói: Đó là câu chuyện của những năm trước, giờ đây nông dân Khánh Trung đã hoàn toàn tin tưởng vào lúa hữu cơ rồi. Sản xuất theo kiểu này, sâu bệnh ngày càng ít, sức khỏe nông dân tốt lên, gạo sạch, cơm sạch, môi trường được đảm bảo, lúa sản xuất ra được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn lúa thường tới 1,2 lần ai mà không theo. Đó là chưa kể, làm cánh đồng lớn, HTX đưa cơ giới hóa vào sản xuất, bà con chúng tôi nhàn tênh, không vất vả, tốn kém chạy đôn chạy đáo tìm thuê nhân công mỗi khi mùa vụ về như trước nữa.

Có thể nói câu chuyện của Khánh Trung là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi trong tư duy phát triển nông nghiệp của chính quyền các địa phương cũng như người nông dân Ninh Bình hiện nay. Lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu thay vì lấy sản lượng làm mục tiêu. Chuyển từ bán cái gì mình có sang bán cái thị trường cần. Không chỉ quan tâm đến giá bán mà còn quan tâm đến việc ứng dụng máy móc, khoa học kỹ thuật tiên tiến để giảm chi phí, từ đó tăng lợi nhuận.

Trong ngành hàng lúa gạo, chúng ta đã có sự chuyển mạnh về chất lượng và giá trị với cơ cấu 70% là lúa chất lượng cao, đặc sản, trong đó có khoảng 300 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ. Với ngành hàng rau quả, đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến rau, củ, quả tiên tiến đứng chân trên địa bàn; các khu nhà lưới, nhà kính sản xuất rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao cũng ngày càng được nhân rộng. Lĩnh vực chăn nuôi chuyển dịch mạnh từ sản xuất nông hộ sang trang trại, gia trại. Lĩnh vực thủy sản có những bước đột phá cả về diện tích, sản lượng và công nghệ. 

Từ chỗ không mấy tên tuổi trong làng thủy sản, Ninh Bình đã trở thành trung tâm của ngành sản xuất giống ngao, hàu; nông dân chúng ta đã làm chủ được công nghệ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh 3 vụ/năm trong nhà bạt với doanh thu lên tới 8-10 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, 5 năm qua, các địa phương trong tỉnh đã chuyển đổi khoảng 6 nghìn ha đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng rau, cây ăn quả cho hiệu quả rõ nét, đem lại giá trị từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha, cao gấp 10 lần so với trồng lúa.

Ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết: Với quyết tâm cao và giải pháp đồng bộ ngay từ những năm đầu thực hiện, đến nay, các chỉ tiêu về phát triển nông nghiệp, nông thôn đều đạt và vượt kế hoạch Đại hội: Giá trị sản xuất (theo giá trị so sánh 2010) năm 2019 đạt 8.626 tỷ đồng, năm 2020 ước đạt 8.857 tỷ đồng; bình quân giai đoạn 2015-2020 tăng 2,02%/năm (mục tiêu đề ra là 2%). 

Giá trị 1 ha canh tác năm 2019 đạt 130 triệu đồng, năm 2020 ước đạt 135 triệu đồng, tăng 27 triệu đồng/ha so với năm 2015 (mục tiêu đề ra là 130 triệu đồng/ha). Cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng giảm trồng trọt, tăng thủy sản, chăn nuôi, dịch vụ. 

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), từ một tỉnh có điểm xuất phát thấp, điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao, cách làm sáng tạo, hiệu quả nên Ninh Bình đã đạt được kết quả khá toàn diện. Dự kiến, đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 106/116 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 90,67% tổng số xã thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh; 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 1 thành phố (Tam Điệp) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 3 huyện (Yên Khánh, Hoa Lư, Gia Viễn) được công nhận đạt chuẩn NTM, hoàn thành vượt mức mục tiêu đề ra. 

Kết quả phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn đã hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vũ Nam Tiến, nền nông nghiệp của tỉnh vẫn còn có hạn chế. 

Chúng ta chưa hình thành được các vùng nguyên liệu lớn gắn với chế biến và tiêu thụ. Hệ thống hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ và khai thác hiệu quả. Việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM chưa đồng đều. 

Mới đây, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT do đồng chí Nguyễn Xuân Cường, UVT.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT làm trưởng đoàn đã có buổi khảo sát và làm việc với Ninh Bình. Bộ trưởng và các chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp thuộc các cục, vụ, viện của Bộ đã gợi mở, định hướng cho phát triển của nông nghiệp Ninh Bình trong thời gian tới. 

Trong đó nêu rõ Ninh Bình có lợi thế để phát triển nền nông nghiệp đặc hữu, chủ đích phục vụ tiêu dùng nội tỉnh và du lịch. Đó là nền nông nghiệp hữu cơ, thông minh, "thuận thiên"- phù hợp với điều kiện tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu; kết hợp giữa khoa học công nghệ và tập quán văn hóa cổ truyền. 

Với những định hướng của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, thời gian tới, Ninh Bình sẽ rà soát, định dạng lại các đối tượng cây, con sản xuất chủ lực có lợi thế gắn với từng địa bàn để ưu tiên phát triển bằng các cơ chế chính sách, các giải pháp xúc tiến đầu tư, các mô hình phát triển cụ thể. Mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển một cách bền vững, nâng cao thu nhập và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nông dân.

PV

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4324634

Trực tuyến: 43

Hôm nay: 3739

Hôm qua: 7918