Thứ sáu, 29/03/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình

Người âm thầm nhân giống cây ăn quả đặc sản

Chủ nhật, 08/03/2020

Chẳng ai ngờ giữa vùng núi thôn 12, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp lại có một khu sản xuất giống cây ăn quả quy mô lớn với hàng nghìn cây giống đầu dòng của hàng chục loại cây ăn quả đặc sản như vậy. Chủ nhân của nó là kỹ sư Lê Thị Thiện, nguyên cán bộ kỹ thuật đầu tiên của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau hoa quả Gia Lâm (một trong những đơn vị hàng đầu trong hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ về giống cây ăn quả ở Việt Nam).

Bà Thiện say sưa với công việc ghép cây ăn quả.
 
Bà Thiện say sưa với công việc ghép cây ăn quả.

Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I, bà Lê Thị Thiện đầu quân cho Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm rau hoa quả Gia Lâm (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) từ những ngày đầu mới thành lập, khi mà ngành cây ăn quả chưa thực sự được chú trọng. Trải qua bao thăng trầm, gắn bó gần như nửa cuộc đời với công việc chọn lọc, nhân tạo giống cây ăn quả.

Các kỹ thuật như ghép cành, ghép mắt, ghép chắp và ghép quả trên cây có múi với bà Thiện giờ như là một bản năng. Yêu nghề, tâm huyết với nghề, năm 2014, sau khi nghỉ hưu, bà quyết định chọn vùng đồi núi hoang vu xã Đông Sơn để tiếp tục thực hiện niềm đam mê của mình. Hơn 2 ha đất núi đá khô cằn, bà Thiện cùng gia đình đã phải bỏ biết bao công sức để cải tạo, sau đó di chuyển hàng nghìn cây giống đầu dòng của các loại cây ăn quả đặc sản khắp các vùng miền về đây để thuần dưỡng sau đó lấy mắt ghép để nhân giống.
Tâm sự với chúng tôi, bà Thiện chia sẻ: Nhà ở Gia Lâm, Hà Nội nhưng ở đó đất chật, người đông nên bà đã quyết định rời về Tam Điệp. Mới đầu bà cũng hơi lo vì vùng này đất đai không được màu mỡ, khí hậu cũng có phần khắc nghiệt.

Trong khi đó, các loại cây ăn quả thường yêu cầu chế độ dinh dưỡng cao, hơn nữa, thời tiết khí hậu ở thời kỳ ra hoa, đậu trái sẽ tác động rất lớn đến năng suất, sản lượng quả. Tuy nhiên, thật kỳ diệu là tất cả các giống cây ăn quả mà bà đưa về đây chỉ sau vài năm đã cho sản phẩm với năng suất và chất lượng rất tốt, thậm chí có những loại quả ngon hơn cả khi được trồng ở nơi được coi là khởi nguồn của nó.

Được biết, đến nay mỗi năm gia đình bà Thiện có thể sản xuất và cung ứng ra thị trường gần 10 vạn cây ăn quả đặc sản các loại. Chủ yếu là cam, bưởi, ổi, nhãn, xoài, hồng xiêm, mít, táo, bơ...

Trong đó, có khá nhiều giống cây ăn quả mới, năng suất chất lượng cao như: bưởi diễn tôm vàng, bưởi diễn tôm xanh; nhãn muộn - giống nhãn ngon nhất miền Bắc, tỷ lệ ra hoa và đậu quả cao hơn hẳn những giống nhãn thường, thời gian cho thu hoạch kéo dài từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 9 hàng năm, khi các giống nhãn khác đã thu hoạch hết; cam cara – giống cam không hạt, quả to, ruột đỏ, mọng nước, vị ngọt dịu; cam Quỳ Hợp, cam Quảng Yên, 2 giống cam đặc sản nổi tiếng thơm ngon của Nghệ An và Hà Tĩnh…

Để đảm bảo chất lượng các loại cây giống làm ra, bà Thiện luôn tỉ mỉ trong từng khâu sản xuất. Bao gồm các khâu gieo ươm cây gốc ghép, lựa chọn những hạt mẩy đều, xử lý triệt để mầm bệnh trước khi gieo và tiến hành chăm sóc đúng yêu cầu kỹ thuật. Mắt ghép cũng được lấy từ các cành bánh tẻ sạch bệnh, ở giữa tán cây mẹ thường xuyên cho năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra, bà Thiện cũng thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với các nhà khoa học của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Qua đó, cập nhật các tiến bộ kỹ thuật mới, áp dụng sớm vào sản xuất tại vườn nhà.

Bằng những cách làm này, từ nhiều năm nay, mọi loại cây giống của gia đình bà khi xuất vườn đều đảm bảo mập khoẻ, sạch bệnh; sản xuất đến đâu được các nhà vườn và thương lái mua hết đến đó, lợi nhuận mỗi năm đạt hàng trăm triệu đồng.

Nói về việc phát triển cây ăn quả ở Ninh Bình nói chung và ở Tam Điệp nói riêng, bà Thiện cho rằng: Tất cả là do con người. Kỹ thuật chăm bón, giống chính là yếu tố quyết định đến năng suất và chất lượng quả, thổ nhưỡng, khí hậu chỉ là một trong những yếu tố thành phần. Thực tế đã chứng minh, cam, bưởi diễn, hay ổi được trồng ở Tam Điệp cho chất lượng quả không thua kém gì, thậm chí ngon hơn trồng ở Hà Nội.

Do vậy, phát triển cây ăn quả ở Ninh Bình là hoàn toàn khả thi. Quan trọng là người nông dân phải cần mẫn, nắm vững kỹ thuật chăm sóc, đưa vào các giống cây ăn quả mới có giá trị cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng vào sản xuất.

Hà Phương
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4328671

Trực tuyến: 67

Hôm nay: 7776

Hôm qua: 7918