Thứ Năm, 28/03/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình

Nâng cao giá trị cho lúa gạo

Thứ tư, 16/09/2020

Hiện nay, huyện Yên Khánh đã có 100% diện tích canh tác được làm đất bằng máy, trên 90% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. ở khâu gieo cấy, một số nơi đã áp dụng hình thức gieo mạ khay, cấy máy. Ở khâu phun thuốc BVTV, phổ biến việc sử dụng máy phun kéo dây, giàn phun chạy trên mặt ruộng… Việc cơ giới hóa đồng bộ tất cả các khâu sản xuất đã góp phần giảm công lao động, giảm đáng kể chi phí đầu tư.

 



Để nâng cao chất lượng lúa gạo, thời gian qua, huyện cũng đã đưa nhiều giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, bên cạnh đó, hướng dẫn người dân nâng cao kỹ thuật canh tác. Nhờ đó, năng suất, chất lượng lúa gạo được nâng lên rõ rệt.

Xã Khánh Trung là một trong những điểm sáng của huyện Yên Khánh trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Hiện nay, xã có hơn 60 máy cày bừa, 42 máy gặt đập liên hợp, 1 giàn gieo mạ khay, 5 máy cấy, 1 máy bay phun thuốc không người lái. Từ khâu đầu đến khâu cuối của sản xuất lúa ở đây đều đã được cơ giới hóa. 

Ngoài ra, các HTX trên địa bàn còn tổ chức ký kết với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm lúa gạo cho bà con. Ông Phạm Ngọc Duân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho biết: Từ năm 2018, xã triển khai thí điểm sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp với việc sử dụng mạ khay, cấy máy và đến vụ mùa này toàn xã đã có gần 90 ha sản xuất theo hình thức này. 

Kết quả đem lại ngoài mong đợi: việc không sử dụng thuốc trừ cỏ, thay thế thuốc BVTV thông thường bằng thuốc BVTV sinh học, thay thế phân hóa học bằng phân hữu cơ đã giúp chất lượng môi trường sinh thái được cải thiện rõ rệt, năng suất lúa đảm bảo, chất lượng tăng lên. Đây chính là điều kiện để lúa gạo của nông dân Khánh Trung thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường tiêu thụ và gia tăng giá trị. 

Không chỉ riêng xã Khánh Trung, trên địa bàn huyện Yên Khánh đã có nhiều xã, HTX ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa gạo, mang lại hiệu quả cao, như: HTX Đồng Xuân Tiến, xã Khánh Thành; HTX Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc; HTX Nam Cường, xã Khánh Cường… Toàn huyện có trên 200 ha lúa sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ và giá trị của loại lúa gạo này cao gấp 1,2 lần so với lúa sản xuất đại trà.

Thời gian tới, để nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo, huyện Yên Khánh tiếp tục tăng diện tích trồng lúa chất lượng cao, lúa đặc sản theo hướng hữu cơ và coi đây là giải pháp giúp nông dân Yên Khánh giải quyết bài toán thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, huyện cũng tạo điều kiện, khuyến khích hình thành các hợp tác xã chuyên sản xuất các sản phẩm lúa, gạo cũng như liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng cánh đồng mẫu lớn; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến như: mạ khay cấy máy, máy bay phun thuốc không người lái vào sản xuất… 

Từng bước thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp hàng hóa phù hợp với cơ chế thị trường, phát huy lợi thế địa phương nhằm tăng nguồn thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.

Nam Anh

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4320303

Trực tuyến: 75

Hôm nay: 7326

Hôm qua: 8017