Thứ sáu, 29/03/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình

Làm mô hình đa canh, lão nông thu hàng trăm triệu đồng

Thứ tư, 22/04/2020

Ở tuổi "xưa nay hiếm" nhưng ông Trần Văn Bảo (77 tuổi), ở xóm 9, xã Kim Chính, huyện Kim Sơn vẫn không ngừng chinh phục mảnh đất trũng lầy để biến nó thành mô hình kinh tế đa canh, mang lại thu nhập cho gia đình.

Làm mô hình đa canh, lão nông thu hàng trăm triệu đồng

Mô hình nuôi cá của gia đình ông Trần Văn Bảo. Ảnh: Anh Tuấn


Gặp chúng tôi, ông Bảo cho biết: Trước đây, cả vùng này là đất trồng lúa, nhưng thế đất trũng nên chẳng mấy vụ được thu hoạch. Các hộ dân đều chán nản, bỏ ruộng hoang, cỏ mọc um tùm. Đến năm 2012, khi chính quyền có chủ trương cho chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình khác, vùng này được xét duyệt đầu tiên. Nghe tin ấy, nhân dân chúng tôi phấn khởi lắm, vậy là gia đình tôi quyết định tham gia đấu thầu để làm kinh tế. Hiện nay, mô hình của gia đình ông Bảo có diện tích khoảng 2,5ha với 2 ao nuôi cá và tôm, ngoài ra ông còn nuôi thêm đàn lợn để tăng gia sản xuất. Năm 2019 vừa qua, gia đình ông thu về hơn 200 triệu đồng từ bán cá, tôm và lợn thịt.

Mỗi năm, cứ đến độ tháng Giêng là thời điểm thả giống cá, ông tìm giống cá tốt, khỏe mạnh về để nuôi thả. Những giống cá được lựa chọn chủ yếu là trắm, trôi, mè, chép..., bởi theo ông Bảo, đây đều là những giống cá quen thuộc với người nông dân nên dễ nuôi, dễ chăm sóc mà nhu cầu của thị trường cũng lớn. Tuy vậy, khi bắt tay vào làm mô hình, gia đình ông cũng gặp nhiều khó khăn mà chính ông cũng không ngờ đến. Ông Bảo cho biết: Đặc trưng ở huyện Kim Sơn là nhà nào cũng có ao trong khuôn viên, vậy nên hầu hết gia đình nào cũng nuôi thả cá để tiêu dùng hàng ngày. Trước đây gia đình các cụ thân sinh ra tôi cũng có thửa ao nhỏ thả cá. Cứ ngỡ mấy mươi năm gắn bó với việc nuôi cá thì những kiến thức nuôi thả đã thuộc "nằm lòng". Nhưng đến khi làm mô hình với ao thả lớn, số lượng giống lớn với thấy có nhiều vấn đề mình chưa biết. Ví dụ như mật độ nuôi thả bao nhiêu là hợp lý để cá sinh trưởng tốt, lượng thức ăn thế nào cho đủ, quản lý môi trường nước trong ao nuôi thế nào, cho đến dịch bệnh cho cá phải dùng thuốc đặc trị nào... Tất cả những câu hỏi ấy ông Bảo phải tự tìm hiểu, đúc rút qua từng vụ nuôi. Đến khi nắm vững kiến thức nuôi cá và đạt được thành công nhất định, ông Bảo mạnh dạn đầu tư, mở rộng đối tượng nuôi thêm giống tôm và lợn.

Khi chúng tôi hỏi vì sao ở tuổi "xưa nay hiếm", ông vẫn không ngừng học hỏi để làm mô hình kinh tế như vậy. Ông Bảo tâm sự: Thu nhập là một phần, nhưng chỉ có lao động mới giúp cuộc sống của tôi được thư thái và vui vẻ. Ba năm trước, tôi vừa trải qua cuộc phẫu thuật do bị xơ vữa động mạch. Tuy sức khỏe giảm sút nhưng nếu không lao động thì tôi thấy chân tay bủn rủn, sức khỏe yếu hơn.

Chia tay ông Bảo nhìn cơ ngơi do ông tạo dựng, chúng tôi càng thêm ngưỡng mộ lão nông U80 này. Ông chính là tấm gương sáng trong lao động sản xuất, để mọi người cùng học tập, noi theo.

 

Thái Học 

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4325322

Trực tuyến: 53

Hôm nay: 4427

Hôm qua: 7918