Thứ sáu, 19/04/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Khánh Dương: Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân

Thứ năm, 09/01/2020

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là một nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xác định được điều đó, những năm qua, xã Khánh Dương (Yên Mô) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, mang lại đổi thay tích cực trên cả 3 lĩnh vực: Nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ.

Đường giao thông kiên cố ở xã Khánh Dương (Yên Mô).
 
Đường giao thông kiên cố ở xã Khánh Dương (Yên Mô).

Đồng chí Trần Đức Thu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã có 397,1 ha đất nông nghiệp, trong đó có 379,8 ha đất trồng trọt và 17,3 ha đất nuôi trồng thủy sản. Để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có điều kiện thuê đất, tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, áp dụng đồng bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, năm 2014, xã đã thực hiện xong việc dồn điền, đổi thửa, số thửa bình quân toàn xã là 2,5 thửa/hộ, trong đó đất lúa 1,77 thửa/hộ. Sau dồn điền, đổi thửa đã khuyến khích các hộ chuyển đổi 100% diện tích sang hình thức lúa gieo vãi, hàng năm diện tích lúa chất lượng cao và lúa nếp chiếm 65%, tăng 32% so năm 2011.

Để nâng cao năng suất lúa, xã đã vận động nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mua 18 máy làm đất, 8 máy gặt đập liên hợp, đến nay 100% diện tích canh tác được chủ động hoàn toàn từ khâu điều tiết nước, làm đất đến khâu thu hoạch lúa, giá trị thu hoạch đạt trên 120 triệu đồng/ha đất canh tác.
 
Ngoài cấy lúa, xã cũng khuyến khích nhân dân chuyển đổi được 12,1 ha trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa cá và liên kết sản xuất khoai tây xuất khẩu. Nhiều mô hình sản xuất rau an toàn áp dụng công nghệ hệ thống tưới tự động với các loại cây trồng: ớt, ngải cứu, hành, hẹ... xuất khẩu với quy mô 21 ha... đã góp phần không nhỏ trong việc tăng giá trị sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Bên cạnh đó, trong nông nghiệp, xã cũng quan tâm chỉ đạo chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, an toàn sinh học. Hiện nay xã có 1 trang trại, 45 gia trại chăn nuôi lợn. Có một trang trại nuôi thỏ Newzeland với quy mô trên 1.000 con/lứa, sau khi trừ chi phí đạt trên 100 triệu đồng/năm.

Để nông nghiệp thực sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, Khánh Dương hỗ trợ 2 hợp tác xã nông nghiệp và thành lập mới 1 HTX sản xuất tiêu thụ nông sản Liên Dương, thực hiện chuyển đổi hoạt động kinh doanh dịch vụ theo Luật HTX năm 2012, tổ chức thực hiện tốt công tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời Khánh Dương đã nâng cấp, cải tạo chợ Cầu. Chợ  hoạt động theo đúng mô hình quản lý mới, có Quy chế hoạt động đảm bảo an ninh trật tự và an toàn phòng, chống cháy nổ trong khu vực chợ. Ngoài ra, toàn xã còn có 264 cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tạp hóa tại các khu dân cư đáp ứng nhu cầu giao thương, trao đổi  hàng hóa của nhân dân, trong đó có 6 hộ kinh doanh thương mại tổng hợp được phân bố đều trên địa bàn xã có đầy đủ các trang thiết bị phục vụ việc kinh doanh, có cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, không kinh doanh các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

Cùng với phát triển nông nghiệp, xã Khánh Dương đã tăng cường phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn. Hiện xã đã có quy hoạch điểm công nghiệp với quy mô 20 ha, đã có 2 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh hiệu quả là Nhà máy gạch Khánh Dương và Nhà máy may.

Đồng thời duy trì phát triển các ngành nghề truyền thống, hàng thủ công mỹ nghệ, tạo việc làm cho người dân. Toàn xã đã vận động được 980 lao động làm việc trong các công ty, doanh nghiệp với mức lương từ 4-5 triệu đồng/người/tháng và 133 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài với mức lương từ 15-30 triệu đồng/người/tháng. Đây là giải pháp quan trọng để chuyển dịch cơ cấu lao động và phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Công tác xóa đói, giảm nghèo luôn được cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Các hộ nghèo, hộ chính sách được vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập.

Các ngành, các cấp đã hỗ trợ người nghèo được tham gia các chương trình khuyến nông, khuyến công, tổ chức tập huấn về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, con nuôi, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Đến nay lao động có việc làm thường xuyên của xã chiếm 92,18%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 45,6 triệu đồng/năm, tăng 31,3 triệu đồng so với năm 2011.

Đức Hạnh
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4490305

Trực tuyến: 108

Hôm nay: 8011

Hôm qua: 7507