Thứ Ba, 16/04/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị và phát triển bền vững

Thứ sáu, 03/01/2020

Năm 2019 là một năm đầy khó khăn đối với ngành Nông nghiệp do sự xuất hiện của bệnh dịch tả lợn châu Phi, thị trường nhiều mặt hàng nông sản không ổn định… Tuy nhiên, vượt qua những thách thức đó, nông nghiệp Ninh Bình vẫn duy trì đà tăng trưởng ước đạt 2,35%, giá trị sản xuất ước đạt 8,65 nghìn tỷ đồng.

Mô hình trồng cà chua trong nhà vòm của anh Lê Văn Tiên, xã Gia Phương (Gia Viễn) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Anh Tuấn

Mô hình trồng cà chua trong nhà vòm của anh Lê Văn Tiên, xã Gia Phương (Gia Viễn) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Anh Tuấn

Linh hoạt ứng phó
 
Năm 2019 dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và bùng phát ở 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gây ảnh hưởng nặng nề với hơn 5,9 triệu con lợn bị tiêu hủy. Riêng tại Ninh Bình, dịch bệnh đã xảy ra tại 1.163 thôn/142 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thành phố, khiến 107,5 nghìn con lợn phải tiêu hủy bắt buộc, tương đương 6,29 nghìn tấn. Đây là một thiệt hại rất lớn. Nhưng với sự chỉ đạo cụ thể và sát sao của các cấp chính quyền, thực hiện đồng bộ các giải pháp để khống chế nên bệnh dịch đang có xu hướng giảm, có 68 xã đã công bố hết dịch, qua đó góp phần duy trì chăn nuôi, tái đàn lợn.

Cùng với tập trung dập dịch, Sở Nông nghiệp &PTNT cũng đã có những định hướng, hỗ trợ kịp thời để người chăn nuôi chuyển hướng sang nuôi các đối tượng khác như: trâu, bò, dê, gia cầm. So với năm 2018, đàn trâu, bò của tỉnh tăng 0,4 nghìn con; đàn gia cầm tăng 450 nghìn con, sản lượng thịt tăng 19%, sản lượng trứng tăng trên 20 triệu quả… nhờ vậy đã bù đắp phần nào sản lượng thịt lợn thiếu hụt.

Trong năm, Sở Nông nghiệp &PTNT còn quyết liệt thực hiện các giải pháp để đảm bảo duy trì diện tích, sản lượng lúa. Bên cạnh đó, thúc đẩy tăng trưởng các ngành hàng còn dư địa tăng trưởng tốt như: rau, cây ăn quả, thủy sản. Năm 2019, thời tiết khá thuận lợi, tạo điều kiện cho hoạt động trồng trọt đạt được kết quả cao. Đơn cử như sản xuất lúa, tổng diện tích gieo cấy là 73,6 nghìn ha, giảm trên 2 nghìn ha nhưng năng suất lúa lại được mùa, bình quân cả năm đạt 61,02 tạ/ha, cao hơn 0,62 tạ/ha so với năm 2018.

Ngoài ra, diện tích lúa chất lượng cao, đặc sản, nếp tăng 1,5 nghìn ha, đây là lúa có giá trị kinh tế cao. Do đó, mặc dù diện tích lúa giảm, sản lượng giảm nhưng giá trị sản xuất lương thực có hạt vẫn vượt kế hoạch và tương đương với năm 2018.

Riêng lĩnh vực thủy sản, tiếp tục khẳng định là ngành mũi nhọn với sự phát triển mạnh cả về nuôi trồng và khai thác, cả nước ngọt và mặn lợ. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thử nghiệm thành công kỹ thuật nuôi siêu thâm canh; hình thành các vùng nuôi tập trung; kiểm soát tốt dịch đã góp phần tăng sản lượng thủy sản, đặc biệt là tôm sú và tôm thẻ.

Tổng diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh đạt trên 14,3 nghìn ha, tăng gần 1,18 nghìn ha so với năm 2018. Trong đó, nước ngọt là 10,82 nghìn ha, mặn lợ là 3,5 nghìn ha. Sản lượng đạt gần 54,8 nghìn tấn, tăng 3,5 nghìn tấn so với năm 2018. Trong đó, sản lượng nuôi trồng 47,8 nghìn tấn, khai thác 7 nghìn tấn. Giá trị sản xuất đạt 1.602 tỷ đồng, tăng trên 200 tỷ đồng so với năm 2018.

Dấu ấn của tái cơ cấu

Năm 2019 là năm thứ năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và năm thứ hai thực hiện Nghị quyết số 39 (trước đây là Nghị quyết số 37) của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững, nông nghiệp Ninh Bình đã và đang có những chuyển hướng mạnh mẽ. Nhiều địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, con nuôi khác.

Theo tính toán, bình quân một ha đất lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng cây ăn quả đã tăng hiệu quả gấp 2-3 lần, chuyển sang nuôi trồng thủy sản tăng hiệu quả 2,5 lần. Trên địa bàn cũng xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi áp dụng kỹ thuật tiên tiến, qua đó nâng cao được năng suất lao động, giá trị canh tác. Ngoài ra, hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản trong những năm gần đây được ngành thực hiện tốt.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 20 doanh nghiệp hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với diện tích hàng trăm ha, nhờ vậy đã hạn chế được tình trạng được mùa, mất giá. Đây chính là cơ sở đảm bảo cho sự tăng trưởng của ngành. Hiện, trung bình giá trị 1 ha canh tác của chúng ta đạt tới 130 triệu đồng/năm.

Bước sang năm 2020, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu tập trung phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao gắn với lợi thế vùng. Thực hiện cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, xóa đói, giảm nghèo; tiếp tục phát huy hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Khuyến khích, thu hút các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tập trung các giải pháp thúc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho nông sản; ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái. Toàn ngành phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 2,3%; giá trị sản xuất 135 triệu đồng/ha canh tác.

Về động lực cho tăng trưởng, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT: Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” sẽ tiếp tục có kết quả ở những năm tiếp theo. Ngoài ra, các dự án trọng điểm theo tinh thần của Nghị quyết 39 như: sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ kết hợp mạ khay, máy cấy; cải tạo hạ tầng vùng sản xuất lúa, nuôi thủy sản, sản xuất hàu giống; hỗ trợ sản xuất phân bón hữu cơ công nghệ Nhật Bản,… đang cho hiệu quả khá cả về kinh tế, xã hội và môi trường, sẽ là hướng đi mới, quan trọng trong giai đoạn tới.

PV
 
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4464189

Trực tuyến: 97

Hôm nay: 5355

Hôm qua: 8751