Thứ sáu, 29/03/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình

Trẩy hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc

Thứ sáu, 25/11/2022

Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, có lịch sử xây dựng từ đầu thế kỷ thứ XIV. Đây là một quần thể di tích quốc gia quan trọng bao gồm, di tích lịch sử văn hoá, danh thắng Côn Sơn và khu di tích lịch sử văn hoá Kiếp Bạc. Hơn 7 thế kỷ qua trong tâm thức của người dân Việt Nam, Côn Sơn - Kiếp Bạc là nơi gắn bó mật thiết với cuộc đời của 2 danh nhân kiệt xuất: Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300); Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới - Nguyễn Trãi (1380 - 1442) và là nơi tu hành, nơi viên tịch của thiền sư Huyền Quang (1254 - 1334) - vị tổ thứ 3 của thiền phái Trúc Lâm. Hàng năm cứ vào ngày mất của Trần Hưng Đạo, của Nguyễn Trãi và của thiền sư Huyền Quang nhân dân thập phương từ mọi miền nô nức về đây thắp hương tưởng niệm, tạo lên lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc.

"Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ" là câu ca nhớ về lễ hội tưởng niệm ngày mất của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và ngày lễ hội thờ Mẫu Liễu Hạnh. Hai vị là người cha, người mẹ thiêng liêng trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc. Trong quan niệm dân gian, mùa thu tượng âm, tháng Tám giữa thu là chính âm. Đức Thánh Trần Hưng Đạo là cha tượng dương, lễ hội giỗ cha vào tháng Tám là âm dương hoà hợp. Âm dương hoà hợp thì vạn vật sinh sôi, nẩy nở. Mùa màng cây cối tốt tươi, vạn sự hanh thông. Lễ hội ở thời điểm chính âm được coi là càng linh thiêng hơn, mọi sự kêu cầu đức Thánh ở lễ hội tháng Tám sẽ được linh ứng. Cho nên trong 3 tháng mùa thu (tập trung vào tháng Tám) nhân dân cả nước lần lượt về đền Kiếp Bạc làm lễ rất đông. Lễ hội tháng Tám vì thế cũng được gọi là lễ hội mùa thu đền Kiếp Bạc.

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thuộc dòng dõi tôn thất nhà Trần. Ông sinh ra trong thời kỳ đầu nhà Trần khởi nghiệp. Suốt cuộc đời, ông đã phụng sự 4 đời vua thịnh trị, mở ra một thời đại rực rỡ - nhà Trần trong lịch sử dân tộc. Ông đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông của nhân dân nhà Trần ở thế kỷ thứ XIII, giữ vững nền độc lập cho dân tộc. Ông là người văn võ song toàn, trung hiếu tiết nghĩa, luôn là tấm gương sáng cho muôn đời sau học tập. Thời chiến ông dựa vào địa thế Vạn Kiếp để canh giữ cửa ngõ Đông Bắc cho kinh đô Thăng Long. Ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý, tức năm Hưng Long thứ 8 (1300) Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn mất tại tư dinh Vạn Kiếp. Vua Trần cho lập đền thờ ông ngay trên nền vương phủ, gọi là "Hưng Đạo Vương từ". Nhân dân thập phương quen gọi là đền Kiếp Bạc.

Người đi hội mùa xuân Côn Sơn chủ yếu dâng hương, niệm Phật cầu phúc, cầu tài, cầu lộc và vãng cảnh chùa: “Tục cũ cứ đến đầu năm mới, trai thanh gái lịch các nơi kéo nhau về đây vãng cảnh, đường xá đi lại đông như mắc cửi. thực là một nơi đại thắng tích..." (2). Trước đây, ghi lễ chính của lễ hội mùa xuân Côn Sơn là rước lễ và tế lễ của dân làng 2 thôn Chi Ngại và Chúc Thôn (Chúc Thôn tổ chức vào ngày 16, Chi Ngại tổ chức ngày 18 tháng Giêng ). Theo lời kể của những người già trong vùng hình thức rước lễ được diễn ra thứ tự như sau:

- Đi đầu là đội cờ thần gồm 10 lá chia thành 2 hàng đi song song.

- Đội trống chiêng có 7 người, hai thanh niên kiêng trống, hai thanh niên khiêng chiêng, hai cụ già đi giữa. Một người đánh chiêng phát lệnh, một người đánh trống giữ nhịp. Trong đội này có một người cầm cờ mao (cờ đuôi nheo) mặc áo nậu, thắt lưng đỏ, chạy lên chạy xuống dẹp đường.

- Tám người mang bát bửu, chia làm 2 hàng và hai người mang biển văn sơn son thếp vàng đề "Tĩnh túc" (nghĩa là im lặng) và "Hồi tỵ" (nghĩa tránh xa). Biển văn nhắc nhở mọi người hãy tôn kính đoàn rước.

- Đội bát âm gồm các nhạc cụ: Đàn nguyệt, sáo, nhị, hồ, trống con, xêng tiền, ti cảnh và thanh la.

- Sau đội bát âm là đoàn rước cỗ lễ do các cô gái đồng trinh mặc quần áo trắng, áo dài đỏ, thắt bao lưng, đội lễ trên đầu. Cỗ lễ bao gồm: Một thủ lợn luộc, 3 mâm bánh chưng, 3 mâm bánh dầy, bánh tràng ngừng, bánh tổ mối, 7 mâm ngũ quả.

- Một hương án do 8 người khiêng. Trên hương án đặt bộ tam sự, 2 lọ hoa và hộp văn.

- Đội rước kiệu bài vị Thành hoàng của dân làng. Trai kiệu đều là những tráng đinh, mặc áo nậu đỏ, chân quấn xà cạp trắng.

- Đi sau kiệu là đội tế, gồm 16 cụ cao niên, chủ tế mặc lễ phục đỏ, đầu đội mũ bình thiên, chân đi hia. Chủ tế đi cùng Đông xướng, Tây xướng và các chấp sự, các quan viên chức sắc trong làng. Cuối đoàn rước là dân làng và khách thập phương dự hội.

Đoàn rước tới chùa dừng lại trước sân nhà tổ. Phần lễ chay rước vào chùa chính dâng lên tam bảo. Phần lễ mặn rước vào nhà tổ và cúng tế ngoài trời.

Lễ tế thường được tổ chức vào 11h trưa cùng ngày ở sân nhà tổ, với nghi thức phần nhiều tương đồng như ở các nơi khác. Nhìn chung, không gian thiêng kết hợp với không khí hội tưng bừng và niềm tin ước nguyện được linh ứng đã tạo lên rét riêng và là sức hấp dẫn của lễ hội chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc trong nhiều thế kỷ qua.

Ngày nay, lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc chủ yếu nhằm tôn vinh các vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Nguyễn Trãi, đồng thời bảo tồn văn hoá phi vật thể và giữ gìn các nghi lễ, các phong tục tốt đẹp của ông cha nhằm góp phần xây dựng "nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc", giáo dục truyền thống "uống nước nhớ nguồn", bồi dưỡng lòng yều nước và niềm tự hào dân tộc cho đông đảo tầng lớp nhân dân dự hội. Nghi thức lễ hội được tổ chức bằng các buổi lễ dâng hương trang nghiêm, trọng thể vào các ngày hội chính. Ban tổ chức rước và tế ở đền Kiếp Bạc, đền thờ Nguyễn Trãi và chùa Côn Sơn. Mọi người vào thắp hương, làm lễ tưởng niệm tại di tích được thuận lợi, an toàn không gian lễ hội được trang trí băng, cờ, khẩu hiệu, đèn nến rực rỡ. Các trò chơi dân gian đều được tổ chức tưng bừng náo nhiệt suốt ngày đêm. Các đoàn nghệ thuật, múa rối nước, hát chèo, kịch nói, ca nhạc nhẹ và các gánh hát dân gian biểu diễn phục vụ nhân dân ngay từ ngày đầu mở hội. Tới nay, sự hấp dẫn của lễ hội, người dân ở mọi miền đất nước đã nhớ về tham gia dự hội. Tham gia lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng của cả vùng Đông Bắc Tổ quốc.

Ngoài các giá trị to lớn về lịch sử - văn hoá, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc còn là miền đất có cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, hấp dẫn làm say đắm lòng người. Kiếp Bạc có dãy núi Trán Rồng hùng vĩ bao quát cả một miền sông nước Lục Đầu giang, trên bến có làng xóm trù phú, dưới sông thuyền bè tấp nập ngược xuôi, phong cảnh sơn thuỷ hữu tình. Côn Sơn có núi Kỳ Lần thơ mộng, trên núi thông reo, chim hót, hoa lá tốt tươi; dưới núi có suối Côn Sơn nước chảy rì rầm; mai, trúc mọc xanh biếc. Trong mầu xanh đại ngàn thấp thoáng dáng vóc những công trình kiến trúc cổ kính, trầm tư. Tất cả như hoà quyện vẽ nên phong cảnh Côn Sơn lung linh huyền diệu. Vì thế, trẩy hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc còn là một dịp đi du lịch tham quan danh lam thắng cảnh bổ ích và lý thú./.

Huy Minh
 

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4325022

Trực tuyến: 56

Hôm nay: 4127

Hôm qua: 7918