Thứ Bảy, 20/04/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của các lễ hội trong Năm Du lịch Quốc gia 2020

Chủ nhật, 19/01/2020

 Tổ chức hiệu quả các hoạt động lễ hội góp phần khai thác tiềm năng du lịch, quảng bá văn hóa đất và người mỗi địa phương, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao về phát huy giá trị văn hóa – lịch sử của các lễ hội trong năm Du lịch Quốc gia 2020. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Du khách về dự Lễ hội Hoa Lư năm 2019.

Du khách về dự Lễ hội Hoa Lư năm 2019.

Phóng viên (P.V): Thưa đồng chí, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh hiện nay được thực hiện như thế nào?

Đ/c Nguyễn Mạnh Cường: Với đặc điểm là lễ hội của nhân dân, do nhân dân sáng tạo, tổ chức và hưởng thụ nên các lễ hội ở Ninh Bình mang đậm dấu ấn văn hóa của người dân Ninh Bình trong suốt chiều dài lịch sử. Do vậy, nó không chỉ có ý nghĩa là nơi lưu giữ trao truyền các giá trị di sản văn hóa dân tộc mà còn có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. 

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có 225 lễ hội, trong đó có 216 lễ hội được tổ chức thường xuyên định kỳ. Ngoài lễ hội Hoa Lư đã được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tạo được sự chú ý quan tâm của đông đảo nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế, ở Ninh Bình còn khá nhiều lễ hội truyền thống có sức ảnh hưởng rộng và thu hút đông đảo con em xa quê về dự lễ hàng năm như: Lễ hội Đền Bình Hải, xã Yên Nhân (Yên Mô); Lễ hội Báo bản làng Nộn Khê, xã Yên Từ (Yên Mô); Lễ hội đền Thái Vi, xã Ninh Hải (Hoa Lư); Lễ Khai hạ của cộng đồng người Kinh và Mường, xã Cúc Phương (Nho Quan); Lễ hội Vật làng Bồ Vi, xã Yên Thịnh (Yên Mô); Lễ hội Tràng An, Lễ hội Chùa Bái Đính…

Công tác quản lý lễ hội, việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, được cơ quan quản lý, các phương tiện truyền thông và người dân đánh giá cao. Tại các điểm lễ hội lớn, thu hút đông khách du lịch như Chùa Bái Đính, lễ hội Hoa Lư, lễ hội Tràng An…, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không xảy ra các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, các vụ phạm pháp hình sự, không xảy ra cháy nổ, ùn tắc giao thông, hạn chế tối đa các hành vi trộm cắp tài sản. Đã giảm cơ bản tình trạng lộn xộn, chèo kéo khách hàng. Không để tình trạng ăn mày, ăn xin diễn ra ở các lễ hội lớn. Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường ở các di tích và lễ hội đã được cải thiện...
 
Lễ Rước nước tại Lễ hội Hoa Lư năm 2019. Ảnh: Minh Quang
Lễ Rước nước tại Lễ hội Hoa Lư năm 2019. Ảnh: Minh Quang
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, việc quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số vấn đề bất cập như: Tình trạng sử dụng trang phục không phù hợp; xả rác bừa bãi, không đúng nơi quy định; chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; nói tục, chửi thề gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của di tích và lễ hội; việc nhét tiền, xoa tiền, xoa tay lên tượng… vẫn còn diễn ra. Hiện tượng ăn xin, ăn mày vẫn còn lén lút hoạt động; các hình thức xóc thẻ, xem tướng số, đổi tiền lẻ vẫn còn diễn ra lẻ tẻ ở một số điểm du lịch, di tích, lễ hội. Chất lượng các hoạt động dịch vụ chưa cao, còn mang tính mùa vụ. Còn tình trạng bán hàng hóa không đúng giá niêm yết, kinh doanh lấn chếm lề đường, vỉa hè, bán hàng hóa trong khuôn viên di tích...

P.V: Năm Du lịch Quốc gia 2020 được tổ chức tại Ninh Bình, đã có một số lễ hội lớn được tỉnh chọn tổ chức nhằm tạo điểm nhấn về văn hóa, thu hút khách du lịch, khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Đồng chí cho biết sự chuẩn bị của ngành Văn hóa trong tổ chức các lễ hội đó như thế nào?

Đ/c Nguyễn Mạnh Cường: Thực hiện Kế hoạch số 124/KH-UBND, ngày 14/10/2019 của UBND tỉnh Ninh Bình về Tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2020-Hoa Lư, Ninh Bình, Sở Văn hóa và Thể thao được UBND tỉnh phân công chủ trì và phối hợp tổ chức 3 lễ hội lớn trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia 2020 (Lễ hội Chùa Bái Đính, Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng An).

Để góp phần thực hiện thành công các hoạt động lễ hội tại Năm Du lịch Quốc gia 2020, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo quản lý Nhà nước về lễ hội. Phối hợp với các cơ quan có liên quan, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tổ chức lễ hội theo đúng quy định, đảm bảo trang trọng, an toàn và tiết kiệm. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các sai phạm trong hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di tích, tổ chức lễ hội theo đúng quy định của pháp luật.

P.V: Thời gian tới, Ngành Văn hóa và Thể thao có những giải pháp gì để bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong các lễ hội trên địa bàn tỉnh?

Đ/c Nguyễn Mạnh Cường: Trong thời gian tới, để công tác quản lý lễ hội ngày càng đi vào nền nếp, thực hiện tốt nếp sống văn minh, văn hóa trong lễ hội, đặc biệt tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách khi dự lễ hội trong Năm Du lịch Quốc gia 2020, ngành Văn hóa và Thể thao tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục thực hiện tốt các chỉ thị, nghị định về tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của di tích, lễ hội; tuyên truyền về phòng, chống cháy nổ, đảm bảo anh ninh, trật tự, vệ sinh, môi trường, ứng xử văn minh trong lễ hội, trong đó, nhân dân và người làm công tác quản lý, tổ chức lễ hội đều phải thực hiện. 

Cùng với đó, nêu cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành; trách nhiệm của Ban Tổ chức các lễ hội tại các địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra tổ chức lễ hội; xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong quản lý, tổ chức lễ hội. Đặc biệt, nghiêm cấm và xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng lễ hội để thực hiện mê tín, dị đoan, lợi dụng lễ hội để trục lợi, tổ chức các hoạt động dịch vụ có tính cờ bạc, tổ chức cờ bạc. Quy hoạch, tổ chức hàng quán, dịch vụ trong di tích, lễ hội đảm bảo mỹ quan, hợp lý, thuận tiện; cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện niêm yết giá, bán đúng mặt hàng, không chèo kéo, ép giá đối với du khách.

Các địa phương kịp thời kiện toàn tổ chức, nâng cao trách nhiệm, năng lực quản lý của các Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích; chú trọng bồi dưỡng, tập huấn về công tác quản lý, tổ chức lễ hội cho các lực lượng chức năng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trên cơ sở xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn. Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội chủ động các phương án đảm bảo an ninh, an toàn trong lễ hội, có các phương án dự phòng đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn trong lễ hội, nhất là những lễ hội lớn, thu hút đông người tham gia. Đồng thời tiếp tục phát huy và đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa trong tổ chức lễ hội; đảm bảo đúng quy chế, không thương mại hóa lễ hội; thực hiện thủ tục thông báo và đăng ký tổ chức lễ hội theo đúng quy định...

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Theo Hồng Vân (baoninhbinh.org.vn)
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4494818

Trực tuyến: 75

Hôm nay: 3703

Hôm qua: 8821