Thứ sáu, 29/03/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình

Giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa trong phát triển du lịch

Thứ hai, 27/09/2021

Dưới góc độ tiếp cận về tiềm năng phát triển du lịch, Ninh Bình được ví như một Việt Nam thu nhỏ - nơi hội tụ đầy đủ các tiềm năng để phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Và, các giá trị lịch sử, văn hóa là một trong như ưu thế của du lịch Ninh Bình.


 
Các di tích lịch sử văn hoá có giá trị để phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh phân bố khá tập trung, chủ yếu thuộc địa bàn các huyện Hoa Lư, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình. Có thể kể đến ở đây như Cố đô Hoa Lư với Đền Vua Đinh, Đền Vua Lê, động Thiên Tôn, chùa Nhất Trụ…; chùa Bái Đính với nhiều “cái nhất” Việt Nam và Đông Nam Á; chùa Non Nước đã đi vào sử sách cùng núi Thúy - núi thơ bên dòng sông Đáy tọa lạc ở trung tâm thành phố; chùa Bích Động; đền Thái Vi; Chùa và động Địch Lộng ở Gia Viễn… Tất cả đều là những địa danh đã góp phần làm nên thương hiệu du lịch Ninh Bình trong những năm qua và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của ngành du lịch tỉnh nhà. Sự tập trung của các di tích lịch sử văn hóa là điều kiện thuận lợi cho tỉnh trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa. Thực tế cho thấy việc khai thác giá trị của các di tích lịch sử văn hóa để phát triển du lịch là hướng đi có tính chiến lược đối với Ninh Bình trong thời gian qua và những năm tiếp theo, góp phần đưa du lịch phát triển bền vững. Đồng thời, thông qua hoạt động du lịch, các khu di tích lịch sử văn hóa được bảo tồn theo thời gian và không gian. 
 
Bên cạnh việc bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa tại các điểm di tích vốn có, việc đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch mới cũng được chính quyền và các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm dưới góc độ khai thác triệt để các giá trị văn hóa, lịch sử góp phần làm tôn thêm giá trị của các khu du lịch này. Điển hình là khu du lịch sinh thái Tràng An - hiện thân của sự kết hợp hoàn hảo giữa loại hình du lịch sinh thái và du lịch tâm linh. 
 
Tuy nhiên, việc phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa để phục vụ phát triển du lịch của Ninh Bình trong thời gian qua cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Trong những năm gần đây, Ninh Bình nổi lên là điểm đến thu hút lượng lớn khách du. Nhưng có một thực tế là lượng khách lưu trú lại Ninh Bình không nhiều, thời gian lưu trú không lâu. Trong rất nhiều nguyên nhân thì rõ ràng, Ninh Bình chưa làm tốt công tác phát huy các giá trị của các di tích lịch sử văn hóa sẵn có để thu hút du khách ở lại tham quan, tìm hiểu, khám phá. Đồng thời, lượng khách đông cũng có những tác động ngược lại nhất định nếu cơ quan quản lý không có chiến lược phát triển đúng đắn sẽ làm ảnh hưởng đến tính nguyên vẹn của các điểm di tích lịch sử văn hóa. Như vậy, nếu không phát huy được giá trị của các di tích lịch sử văn hóa của tỉnh trong quá trình phát triển du lịch, không gian du lịch của tỉnh sẽ bị phá vỡ. Đồng thời, nếu không có những giải pháp phát huy kết hợp với công tác bảo tồn, gìn giữ thì giá trị của các di tích lịch sử văn hóa cũng sẽ bị ảnh hưởng trong guồng quay của ngành công nghiệp không khói. 
 
 
Từ những hạn chế trên có thể thấy trong thời gian tới, cần có những giải pháp phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa để thu hút khách du lịch góp phần tạo nguồn thu, làm cơ sở để bảo tồn, phát huy giá trị các khu di tích lịch sử văn hóa của tỉnh. Trong đó, cần chú trọng đến quan điểm chiến lược khi phát triển du lịch trên cơ sở các di tích lịch sử văn hóa là khai thác các yếu tố văn hóa đặc trưng vùng miền để tạo tính cạnh tranh với các địa phương khác. Đồng thời, cần tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp khai thác, đầu tư; nhận thức của cộng đồng dân cư và du khách nhằm bảo tồn và phát huy di tích, gìn giữ môi trường không gian di tích, không gian du lịch theo hướng bảo vệ và phát triển một cách bền vững.
 
 
Di tích lịch sử văn hóa là nguồn tài nguyên vô tận và ngày càng có giá trị nếu người làm du lịch biết cách làm cho khách hiểu, cảm nhận được các giá trị vô giá và có ý thức muốn khám phá, trải nghiệm. Phát triển du lịch trên cơ sở phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa là hướng đi có tính chiến lược của rất nhiều địa phương trong những năm gần đây. Bởi thông qua hoạt động du lịch góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa đang có chiều hướng ngày càng mai một trong guồng quay của xã hội hiện đại.
 
Phương Nam
 
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4326620

Trực tuyến: 88

Hôm nay: 5725

Hôm qua: 7918