Thứ sáu, 19/04/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Gắn du lịch với phát triển làng nghề

Thứ năm, 30/09/2021

Làng nghề truyền thống có vai trò hết sức to lớn trong đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của nhân dân nhất là ở khu vực nông thôn, nó mang tính tập tục truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc vùng miền của một địa phương, một dân tộc. Ngày nay, du lịch làng nghề đang là một xu hướng phát triển. Do đó để khai thác và phát triển làng nghề truyền thống trở thành một điểm đến du lịch là một hướng đi tất yếu cần được quan tâm khai thác.

 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 54 làng nghề truyền thống, 275 làng có nghề truyền thống vừa tập trung, vừa rải rác, xen kẽ. Những nghề truyền thống tiêu biểu ở Ninh Bình có thể kể đến như nghề chế tác đá, nghề thêu ren (huyện Hoa Lư), nghề làm gốm (Bồ Bát, Yên Thành, huyện Yên Mô), nghề mộc (tiêu biểu là xã Phúc Lộc, thành phố Ninh Bình), nghề cói (huyện Kim sơn và Yên Khánh), nghề chế biến rượu (huyện Kim Sơn)…
 
Trong đó, có những nghề đã xuất hiện từ thời tiền - sơ sử, từ khi người xưa biết chế tác ra công cụ sản xuất và các vật dụng cho sinh hoạt, trang sức, trang trí như nghề Chế tác đá, gỗ, làm gốm, đúc đồng, dệt vải sợi… Những nghề này hầu như xuất hiện, lưu tồn và phát triển cùng với nghề nông rồi dần dần được “chuyên môn hóa”, giữ vai trò không thể thiếu trong đời sống của con người, xã hội, cấu thành nên nền kinh tế, văn hóa của cộng đồng các dân tộc và đất nước.
 
Mỗi nghề truyền thống cổ truyền qua quá trình hình thành, lưu tồn, mở mang bao giờ cũng hàm chứa trong đó những yếu tố làm nên giá trị văn hoá của cá nhân, cộng đồng, vùng miền, dân tộc. Đó chính là dấu ấn của tổ nghề, sắc thái hay tập quán của địa phương, những bí quyết về kỹ thuật, kỹ nghệ chế tác sản phẩm.
 
Nghề chế tác đá trước hết có nguồn gốc từ thời tiền sử rất xa xưa của nhân loại (thời kỳ đồ đá). Riêng nghề chạm khắc đá ở Hoa Lư - Ninh Bình mang đậm dấu ấn giai đoạn kiến tạo Kinh đô Hoa Lư của nước Đại Cồ Việt (được mệnh danh là “Kinh đô đá”), cách nay dư một nghìn năm và lại mang đậm dấu ấn lâu bền với những công trình kiến trúc, điêu khắc tại quần thể di tích, danh thắng Cố đô Hoa Lư, đặc biệt là đền Vua Đinh Tiên Hoàng, đền Vua Lê Đại Hành, chùa Nhất Trụ; Đền Thái Vi (Hoa Lư); Nhà thờ đá Phát Diệm (Kim Sơn); các công trình tượng đài ở trong và ngoài nước. Đó đều là những công trình văn hóa đặc sắc.
 
 
Nghề thêu ren, tập trung ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư và các vùng phụ cận, tương truyền có từ thời Trần. Theo các vị lão làng người địa phương kể: Vua nhà Trần (thế kỷ XIII) cho xây dựng hành cung (nay là khu vực đền Thái Vi) để làm nơi tu hành, cũng là bản doanh nhà Trần trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược. Linh từ quốc mẫu là thái hậu nhà Trần cùng các công chúa, hoàng gia đã về đây sinh sống rồi truyền dạy nghề thêu cho dân chúng quanh vùng. Và nghề thêu lưu tồn cho đến nay.
 
 
Nghề gốm cổ ở trang Bồ Bát (Bồ Xuyên- Bạch Bát), nay thuộc xã Yên Thành, huyện Yên Mô cách nay hàng nghìn năm, được minh chứng rất rõ qua các di chỉ khảo cổ học. Đó là một hiện thân của một tầng văn hóa bản địa thời sơ sử, vẫn còn ẩn chứa những bí ẩn cần được khám phá. Theo gia phả một vài họ tộc ở làng nghề gốm Bát Tràng (Hà Nội) thì những họ tộc này vốn xuất thân từ nguyên quán là trang Bồ Bát. Có thể xem nghề gốm Bồ Bát cổ xưa là “thiên duyên” của nghề gốm Bát Tràng. Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, đại diện các dòng họ Vương, Lê, Phạm, Nguyễn… vẫn về  thăm cố hương, lễ bái tổ tiên. Ngày nay, tại vùng đất cổ Bồ Bát xưa, nghề gốm đã và đang được tái sinh, kế thừa tinh hoa của tổ tiên sau bao đời “lưu lạc”.
 
 
Nghề mộc truyền thống ở Ninh Bình xưa nay phổ biến ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Nổi tiếng nhất hiện nay là làng nghề Phúc Lộc, thuộc phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình. Nơi đây có đền thờ tổ nghề mộc bề thế, thâm nghiêm. Những người thợ mộc tài nghệ ở Phúc Lộc không chỉ chế tác ra các vật dụng bằng gỗ cao cấp mà còn góp công lớn kiến tạo các công trình văn hóa như: đình, đền, nhà thờ nổi tiếng.
 
Nghề cói ở Yên Khánh có từ thời Hậu Lê, sau khi có con đê Hồng Đức thời vua Lê Thánh Tông. Nghề cói Kim Sơn có từ sau các đợt quai đê lấn biển, khẩn hoang thời Nguyễn Công Trứ, vị doanh điền sứ tài ba lỗi lạc. Cây cói ở các vùng này gắn với truyền thuyết về một nàng tiên. Theo truyền thuyết thì cây cói chính là hóa thân của những sợi tóc do nàng tiên thứ bảy để lại ở cõi trần gian sau khi xuống tắm…
 
 
Các nghề truyền thống luôn gắn bó hữu cơ, mật thiết với đời sống (kinh tế- văn hóa) của con người thuộc mọi cộng đồng dân tộc. Nhà ở và các công trình kiến trúc nói chung gắn với nghề mộc, nghề chế tác đá. Trang phục gắn với nghề thêu, may. Ẩm thực phải có nghề chế biến các món ăn, thức uống v.v..
 
Sức sống, sự lưu tồn của các nghề truyền thống ở Ninh Bình nói riêng, trong cả nước nói chung bao giờ cũng phụ thuộc vào những yếu tố khách quan và chủ quan như truyền thống, tiềm năng, bí quyết nghề nghiệp, nguồn nguyên, nhiên  liệu để chế tác sản phẩm, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ở trong và ngoài địa phương, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã hội...
 
Anh Thư                                                                        
 
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4486602

Trực tuyến: 121

Hôm nay: 4308

Hôm qua: 7507