Thứ Bảy, 20/04/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Du lịch Ninh Bình - ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh

Thứ tư, 05/02/2020

 Tỉnh Ninh Bình với hơn 800 di tích danh lam thắng cảnh, trong đó có 78 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 160 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, trong đó nổi bật một số địa danh có giá trị không chỉ đối với quốc gia mà còn có giá trị đối với cả quốc tế như Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, Nhà thờ đá Phát Diệm, Vườn Quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn ngập nước sinh thái Vân Long, đặc biệt là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An... Ninh Bình thực sự đã trở thành điểm đến hấp dẫn của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

 
Các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đều xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế trọng điểm và đã xây dựng quy hoạch từng bước phát triển du lịch theo hướng bền vững. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XIX) đã ban hành Nghị quyết số 15 về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định rõ mục tiêu: Phát triển du lịch bền vững, từng bước đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, phấn đấu Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước.
 
 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại Lễ hội Cố đô Hoa Lư. Ảnh: MT
 
Để thực hiện mục tiêu trên, Ninh Bình xác định, cần tranh thủ thời cơ hội nhập quốc tế, liên kết với các nước để mở rộng thị trường quốc tế, tham dự các hội chợ, các chương trình xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế; phát triển thị trường, xây dựng chiến lược quảng bá phù hợp cho du lịch, trong đó tập trung vào các thị trường Pháp, Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc, Newzeland và Đông Bắc Á; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch; đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch, trong đó định hướng chính là du lịch sinh thái. Ngoài ra, còn chú trọng thu hút khách vào các loại hình du lịch như du lịch chơi golf, du lịch làng nghề, du lịch nghỉ dưỡng…
 
       Trong những năm qua, Ninh Bình đã chú trọng huy động các nguồn lực, huy động mạnh mẽ sự tham gia của các thành phần kinh tế, các nhà doanh nghiệp, tập trung khai thác hợp lý tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn; chú trọng đầu tư xây dựng các khu du lịch đã được xác định, trong đó trọng tâm là khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Tràng An - Hoa Lư và trung tâm Thành phố Ninh Bình. Một số khu, điểm du lịch được tập trung đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước như Khu di tích Cố đô Hoa Lư, khu du lịch sinh thái Tràng An - núi chùa Bái Đính, khu du lịch sinh thái Vân Long. Bên cạnh đó, quan tâm hình thành mạng lưới dịch vụ du lịch đa dạng, phong phú, đảm bảo chất lượng; phát triển các loại hình du lịch ở nhà dân (homestay), du lịch sinh thái. Đồng thời, xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch, trong đó đặc biệt ưu tiên đầu tư các khách sạn, nhà hàng nghỉ dưỡng (resort) từ 3-5 sao.
 
Điển hình, Ninh Bình đã xây dựng các tuyến du lịch mới như tuyến tham quan số 3 ở Khu du lịch sinh thái Tràng An; phát triển thêm một số sản phẩm du lịch hấp dẫn mới như xây dựng khu văn hóa nông nghiệp công nghệ cao tại Đồng Giao (thành phố Tam Điệp), du lịch biển Cồn Nổi (huyện Kim Sơn), khu ngâm khoáng nóng trị liệu (huyện Nho Quan)…
 
Năm 2019, Ninh Bình đã tham gia cùng tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa hợp tác phát triển du lịch. Ba tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp và nhiều di tích cấp quốc gia và khu vực.
 
 
 
Du khách tham quan Tràng An. Ảnh: NMT
 
Đặc biệt ba tỉnh đều sở hữu Di sản thế giới: Ninh Bình với Quần thể Danh thắng Tràng An- Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới; Thanh Hóa với Thành Nhà Hồ - Di sản Văn hóa thế giới; Quảng Ninh với vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới, một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
 
Đây là những lợi thế và tiềm năng to lớn để ngành du lịch ba tỉnh phát triển và là điều kiện lý tưởng để thực hiện liên kết phát triển các sản phẩm thế mạnh của vùng, như du lịch di sản, du lịch nghỉ dưỡng biển – đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch MICE, du lịch kết hợp thể thao mạo hiểm…
 
Năm 2019, khách du lịch: Đạt 7,65 triệu lượt khách, tăng 4,79% so với năm 2018; trong đó: khách nội địa: 6,68 triệu lượt khách, tăng 3,9% so với năm 2018; khách quốc tế: 970 nghìn lượt khách, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2018. Doanh thu du lịch: Đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2018, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
 
 Ngành du lịch Ninh Bình phấn đấu trong năm 2020, sẽ đón 7,5 triệu lượt khách, trong đó có 940 ngàn khách quốc tế.
 
Với những bước phát triển khá nhanh, ngành du lịch tỉnh Ninh Bình đang dần trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân, mở rộng các mối quan hệ, hợp tác của tỉnh và làm thay đổi hình ảnh Ninh Bình trong nhận thức của bạn bè trong nước, quốc tế.
 
BCXB 
 
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4494695

Trực tuyến: 49

Hôm nay: 3580

Hôm qua: 8821