Chủ Nhật, 22/12/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Tìm hiểu về Lễ hội Hoa ban Tây Bắc

Thứ hai, 18/03/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 8 điểm ( 4 đánh giá )

Lễ hội hoa Ban còn có tên gọi khác là lễ hội Xên Mường, được tổ chức bởi người dân tộc Thái ở một số địa phương Tây Bắc. Lễ hội diễn ra định kỳ hàng năm vào dịp tháng 2 âm lịch, cũng là mùa hoa ban bắt đầu nở rộ, phủ trắng cả vùng núi rừng Tây Bắc.

Lễ hội hoa ban. Ảnh (internet)

Lễ hội Hoa ban là lễ hội được gửi gắm rất nhiều những mong cầu của người dân về một cuộc sống ấm no, mưa thuận gió hòa, gia đình hạnh phúc.

Lễ hội hoa ban đã có từ rất lâu đời, được các thế hệ kế tục và phát huy. Lễ hội thể hiện tấm lòng tôn kính và tri ân của quần chúng nhân dân, dành sự tưởng nhớ công lao to lớn đến các vị thần đã có công khai thiên lập địa. Đồng thời cũng cầu được quốc thái dân an, cầu mong cho bản Mường được no ấm, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình êm ấm, hạnh phúc…

Nguồn gốc và ý nghĩa đằng sau lễ hội Hoa ban

Theo tương truyền câu chuyện về hoa ban kể về một câu chuyện tình bi thương sâu sắc trong văn hóa dân tộc Thái của vùng Tây Bắc. Theo truyền thuyết, ngày xửa ngày xưa, có một cô gái Thái xinh đẹp tên là Ban, yêu một chàng trai nghèo nhưng chân thành. Nhưng vì bị gia đình ngăn cản, cô phải ép buộc kết hôn với một người con trai giàu có. Trái tim cô đau đớn, rồi cô chạy vào rừng tìm người yêu nhưng không gặp được. Mệt mỏi, cô ngã gục bên một tảng đá và từ đó, một loài hoa trắng mọc lên từ chính nơi cô ngã xuống. Loài hoa đó được gọi là hoa ban, biểu tượng cho tình yêu và sự kiên cường của người con gái Thái. Từ đó, hoa ban trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa và tâm linh của dân tộc vùng Tây Bắc.

Hoa ban Tây Bắc: Ảnh: Huy Minh

Từ đó mỗi dịp xuân về loài hoa ban ấy lại nở rộ, như tưởng nhớ lại kỉ tình yêu trong trắng, tinh khiếttình yêu đôi lứa, lặng lẽ khoe sắc giữa đất trời Tây Bắc, kiên định nhớ về những hạnh phúc đã qua. Thế cho nên mỗi độ xuân về, người Thái lại tổ chức Lễ hội Hoa ban - Mường Lò như một sự khắc ghi về ý nghĩa tình yêu đôi lứa và mong cầu những điều tốt đẹp sẽ đến trong cuộc sống.

Lễ hội Hoa ban chính là nét văn hóa tâm linh được truyền qua bao thế hệ, có ý nghĩa rất to lớn trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Thái. Việc tổ chức lễ hội hàng năm mang theo tâm nguyện của họ thỉnh bái lên thần “Then” – vị thần cao nhất trong hàng ngũ thánh thần theo đức tin của người Thái. Đồng thời họ cũng thỉnh bái “nàng Ban” – hình ảnh cô gái trinh trắng, thuần khiết với một tình yêu thủy chung, son sắt. Cuối cùng họ cũng thỉnh bái đến ma trời, ma mường, ma núi, ma sông… để câu nguyện sự phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, vạn vật đơm hoa, kết trái, cầu chúc cho lứa đôi hạnh phúc, người người nhà nhà đều có cuộc sống yên vui, ấm no, đủ đầy.

Phần Lễ:

Để mở đầu Lễ hội Hoa ban - Mường Lò, những người dân tộc Thái sẽ cùng nhau mang lễ vật lên hang Thẩm Lé làm lễ cúng. Lễ vật bao gồm một con lợn, mấy cành hoa ban, chai rượu, hai bát gạo tẻ, hai bát cơm trắng, vài nén hương cùng trầu cau. Người làm lễ là thầy, thầy khấn bài cúng thần hang, thần rừng, cầu nguyện cho người dân có được cuộc sống ấm no và sung túc.

Phần hội:

Sau khi hoàn thành phần lễ, sẽ đến phần hội để người dân được cùng nhau hòa vào không khí sôi động, tưng bừng. Các thanh niên trai gái cùng nhau chơi hội hái hoa, sôi nổi tham gia những trò biểu diễn độc đáo. Tiếng người hò reo cười đùa, tiếng pí, tiếng khèn hòa cùng tiếng trống chiêng vô cùng huyên náo. Con trai thì thổi khèn, con gái dập dìu ngại ngùng e thẹn, múa những điệu Thẩm Lé - là điệu múa dành riêng khi đi hái hoa ban. 

Lúc này các chàng trai sẽ thi nhau trèo lên những cây hoa ban cao nhất, hái hoa xuống tặng cho những cô gái mà mình thích. Có khi cùng lúc có 5, 6 chàng trai cùng trèo lên, còn ở  bên dưới các cô gái lấy những cái ớp (có hình dáng gần giống cái giỏ) để chuẩn bị đón những bông hoa được thả xuống. Anh chàng có ý với cô gái nào thì thả cho cô gái đó, còn cô gái cũng sẽ đón lấy hoa của chàng trai mà mình để ý. Như vậy nam thanh nữ tú tìm thấy nhau, cứ thế mà nên duyên.

Khi lễ hội Hoa Ban kết thúc cũng là lúc các cặp đôi trai gái tạm thời chia tay nhau để chuẩn bị xuống đồng cày cấy cho mùa vụ mới. Vì mùa xuân ở Tây Bắc đồng thời cũng là mùa làm nương.

Ngày nay cùng với sự phát triển của thời đại, rất nhiều những nếp sống, nếp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đã bị mai một. Cuộc sống hiện đại hơn, người dân cũng bắt đầu rời quê hương xuống thành phố làm việc khiến không gian dành cho các lễ hội truyền thống bị thu hẹp lại. Hầu hết chỉ còn người già là am hiểu về văn hóa của dân tộc mình, thế hệ trẻ ít quan tâm, ít biết đến và ít hứng thú. Cho nên để gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp vùng núi Tây Bắc cần tiếp nối và phát huy giá trị.

Huy Minh (t/h)

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?