Thứ Tư, 30/10/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Tìm hiểu phong tục đón tết của đồng bào H'Mông

Thứ hai, 04/09/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 4 điểm ( 1 đánh giá )

Người H’Mông đón sớm hơn 1 tháng so với Tết cổ truyền của người Kinh. Đồng bài dân tộc H’Mông ăn Tết bắt đầu từ ngày 30/11 Âm lịch hằng năm.

 
 

Trò chơi ném pao trong dịp Tết của đồng bào Mông. Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

Người H’Mông chuẩn bị Tết vào trước ngày 30/11 Âm lịch với việc sửa sang, thay mới ban thờ và làm bánh dầy (thay vì người Kinh làm bánh chưng). Trước khi làm lễ cúng tổ tiên, từng dòng họ trong bản cử thanh niên trai tráng, phải chặt được một cây to cao mang về dựng ở cuối làng, nơi có đủ mặt bằng cho cả họ tập trung lại và đan cỏ tranh thành hai sợi dây dài trang trí vòng tròn trên cây. Đây được gọi là lễ “Sầu su” tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng 12 Âm lịch.
Tại lễ “Sầu su”, thầy mo một tay cầm một con gà trống to của trưởng họ, một tay cầm bó lá tre (sau khi đã quét đuổi tà ma ở từng gia đình) được cột bằng sợi chỉ đỏ đứng cúng dưới gốc cây với ý nghĩa: xua đuổi những điều không may của năm cũ qua đi và cầu năm mới mang đến những điều tốt đẹp cho cả dòng họ. Cúng xong, thầy mo dẫn đầu cả họ đi vòng quanh cây to cho đến khi đủ năm vòng tiến, bốn vòng lùi thì dừng lại. Rồi thầy mo cắt cổ con gà thả xuống đất cho tiết vương xung quanh cây gỗ cao đã dựng.

Nghi lễ “Sầu su”phải được tổ chức xong trước khi mặt trời lặn, sau khi xong lễ cử một vài thanh niên trong họ chặt đổ cây, chặt nhỏ dây tranh đem đi vứt ở cuối làng. Sau đó, ai về nhà đó làm thịt gà và chuẩn bị cho mỗi người một quả trứng gà sống để làm vía cho cả nhà “gọi tất cả các hồn, vía về ăn tết” sau đó mới cúng tổ tiên tại nhà, giống như lễ đón giao thừa của người Kinh.

Ban thờ của người H’Mông độc đáo và mang đậm bản sắc riêng. Ban thờ để chính giữa hướng đường, chỉ với một tờ giấy trắng tự làm ra, dán lên tường cùng các hình thù trang trí, biểu tượng cho sức khỏe.

Mỗi lần thắp hương cúng tổ tiên, người H’Mông đem bàn gỗ ra để các vật thờ lên trên đó, ngoài con gà, 2 chiếc bánh dầy và một ít hoa quả, họ còn thờ cái cuốc, xẻng, rìu, súng săn chuột… (những vật dụng giúp họ trong sản xuất, săn bắn). Người H’Mông quan niệm những vật dụng đó cũng như con người, cũng phải để nó nghỉ, có vậy năm sau nó mới có sức khỏe để cày, bừa, săn nhiều chuột, giúp con người khỏi bị đói rét.

Ngoài ra, người H’Mông còn thờ 2 bếp chính, thắp hương liên tục 3 ngày để thần bếp giúp họ luôn giữ ngọn lửa, xua đuổi tà ma và thú dữ. Những vật dụng dùng để thờ thường là những thứ mà chính tay người H’Mông làm ra…

Lễ hội của người H'Mông.Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

Tết của người H’Mông cũng là dịp để các đôi trai gái tìm hiểu nhau. Trong các ngày Tết, nam thanh, nữ tú trưng diện những bộ quần áo mới và diện các đồ trang sức đẹp nhất, tổ chức thành từng tốp ném còn “pó po”, đánh gụ “đầu tu lu”, đánh cầu tự chế bằng lông gà “đầu tỳ kay”; hát “Cự xia”, “Lù tẩu”.

Từ sáng sớm, nam nữ tập trung tại một địa điểm rộng để chơi trò ném pao, chàng trai ném quả pao về hướng cô gái mà mình thích, nếu cô gái đó thích thì bắt lấy, coi như đó là sự đồng ý. Ngược lại, nếu cô gái nào yêu một chàng trai thì cũng làm như vậy. Trò chơi ném quả pao diễn ra trong 10 ngày liên tiếp, lúc nào mệt, đói thì nghỉ.

Đến tối, họ lại tập trung chơi trò ném quả lông, y như trò chơi ném quả vải, hai trò này giống nhau về cách chơi, chỉ thay đổi vật để ném. Nhiều đôi trai gái trong bản nên duyên vợ chồng cũng nhờ vào Tết và những trò chơi mang đậm bản sắc dân tộc.

Người H’Mông rất mến khách, họ quan niệm nếu Tết có khách lạ đến chơi thì cả năm đó họ gặp may mắn nên đón tiếp rất chu đáo, mời ăn, mời rượu và mời ngủ tại nhà. Trước khi khách ra về, người H’Mông còn mừng tuổi cho 2 chiếc bánh dầy tự tay họ làm ra.

Hà Phương (t/h)
 

Bài viết khác
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?