Chủ Nhật, 22/12/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Tìm hiểu Lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày

Thứ bảy, 02/09/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 120 điểm ( 34 đánh giá )

Cùng với cây đàn tính và những bài then với những làn điệu Shi, lượn, người Tày còn lưu giữ được nhiều nét sinh hoạt văn hoá thể hiện khát vọng trong tín ngưỡng về nông nghiệp, tiêu biểu là Lễ hội Lồng tông, một trong những lễ hội độc đáo được diễn ra vào tháng Giêng Âm lịch hàng năm (sau tết Nguyên đán).

Lễ hội lồng tồng. Ảnh minh hoạ, nguồn: internet

Lồng tồng (còn là lồng tông theo tiếng Tày, Nùng, hay lồng tộng theo tiếng Dao; Lùng tùng, theo tiếng Nùng), có nghĩa là "xuống đồng". Cũng như người Việt, từ xa xưa, đồng bào miền núi phía Bắc, nhất là các dân tộc Tày, Nùng đã sinh sống gắn bó với thiên nhiên, với bản làng, núi đồi, ruộng đồng và nương rẫy nên các phong tục, tập quán của họ luôn mang đậm nét văn hóa truyền thống. Lễ hội Lồng tông được người dân nơi đây coi là lễ hội quan trọng bậc nhất, gắn liền với nông nghiệp trồng trọt, được tổ chức hàng năm nhằm gửi gắm những mong ước của con người.

Lễ hội Lồng tồng có hai phần gồm phần lễ và phần hội. Phần nghi lễ chủ yếu là cúng tế trời đất và thần linh với mục đích là tạ ơn thần thánh làm cho mùa màng bội thu. Việc tổ chức Lễ hội Lồng tồng mang nhiều yếu tố của tín ngưỡng phồn thực, sự sinh sôi, nảy nở với một khát vọng cầu cho mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hoà, năm mới làm ăn thuận lợi. Do lễ hội mang tính chất cộng đồng nên trong những ngày trước khi diễn ra các hoạt động của lễ hội nhà nào cũng chuẩn bị các vật phẩm từ nông nghiệp để dâng lên các vị thần linh. Tất cả những khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sinh sôi nảy nở, mọi điều an lành đều được người dân gửi gắm vào mỗi mâm Tồng (mâm lễ) của mình dâng lên các vị thần; phần hội có các trò chơi dân gian truyền thống. Người Tày thường chọn bãi cỏ bằng phẳng, rộng lớn có vị trí trung tâm thuận lợi cho việc đi laị, vui chơi của dân bản và các vùng lân cận. Những nơi có đình và có truyền thống tổ chức thì lễ hội diễn ra trên sân đình và lễ hội thường được tổ chức ở cấp xã, cấp huyên có sự tham gia của chính quyền địa phương và Phòng Văn hóa - Thể thao huyện, cán bộ văn hóa xã như: vùng Sơn Dương, Tuyên Quang (đình Tân Trào, đình Hồng Thái); vùng ATK Định hóa, Thái Nguyên ở Khu Di tích Tưởng niệm Bác Hồ; vùng Ba Bể, Bắc Kạn ở cánh đồng Pó Lù xã Nam Mẫu,…

Trước ngày tổ chức lễ hội Lồng tồng, mỗi gia đình dân tộc Tày chuẩn bị một mâm cỗ cúng gồm gà, thịt lợn, trứng luộc, hai cặp bánh chưng, một cặp bánh chưng Tày (bánh trưng gói dài giống bánh tét Nam bộ), các loại bánh dày, bánh khảo, chè lam, thể hiện sự đảm đang, khéo léo của phụ nữ Tày trong việc nội trợ, nấu nướng,… trên mỗi mâm lễ đều có chiếc bánh hình bông hoa nhiều màu sắc và hai đôi quả còn được làm bằng vải có nhiều tua rua mầu sắc sặc sỡ cùng hạt giống các loại. Mâm lễ vật của bản được lựa chọn kĩ lưỡng, phải to hơn, nhiều hơn, trang trí đẹp hơn với các mâm lễ của các gia đình và nhất thiết phải có thủ lợn. Các mâm lễ được xếp thẳng hàng, người chủ lễ (thường là thày Tào, hoặc thày Mo), gọi là “pú mo”. “Pú mo” đứng trước mâm lễ của bản khấn tạ ơn trời đất, thần linh đã phù hộ cho dân bản. Trong khi đó dân bản thắp hương, rót rượu,... sau lời khấn tạ ơn, “pú mo” tiếp tục khấn cầu mưa, một người phụ lễ đội một chậu nước đứng bên cạnh, nhiều người khác cầm tàu lá cọ đi từ nơi cúng tế về cuối bãi đất. Khấn xong, “pú mo” vẩy nước ra xung quanh, ngụ ý là trời ban mưa, dân bản xúm lại, ai cũng muốn hứng lấy những giọt nước tượng trưng cho may mắn ấy. Vảy nước xong, “pú mo” lại lấy hạt giống từ các mâm lễ vãi ra xung quanh, dân bản lấy hạt giống ấy trộn với hạt giống nhà mình chọn gieo cấy. Theo đó cánh đàn ông sẽ đi những đường cày đầu tiên, còn phụ nữ thì trổ tài thi cấy. Sau các lễ thức đó, dân bản cùng nhau phá cỗ, chúc tụng nhau khoẻ mạnh, may mắn, thóc lúa đầy bồ, lợn gà đầy sân...

Sau khi phần lễ kết thúc, cũng là lúc diễn ra phần hội; mở đầu là hội Tung còn. Đây là hoạt động đông vui nhất, thu hút nhiều người tham gia nhất. Trên sân người ta đã dựng sẵn trên bãi rộng một cây nêu bằng cây mai thẳng, cao chừng 15-20m, ngọn uốn thành vòng tròn, lấy giấy hồng dán kín vòng tròn và vẽ lên một hồng tâm, hai mặt đề chữ Nhật - Nguyệt, tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng. Quả còn được khâu sẵn từ trước, có nhiều múi, mỗi múi một màu và có tua ngũ sắc, bên trong được nhồi cát và các loại hạt giống lúa, ngô, đậu,… trò chơi tung còn đòi hỏi cả sức khỏe và sự khéo léo, những quả còn được các nam thanh nữ tú thi nhau ném lên vòng tròn trên ngọn cây nêu. Đó là hai biểu tượng đặc trưng của âm và dương, cái gốc của vũ trụ và vạn vật. Khi quả còn xuyên thủng hồng tâm của vòng tròn, là âm dương đã giao hoà, cuộc sống sẽ sinh sôi, mùa màng sẽ bội thu và ai ném trúng hồng tâm đầu tiên sẽ được trao giải thưởng, được coi là điềm may mắn trong cả năm, được thần linh phù hộ. Nếu ở lễ hội nào không có ai tung còn trúng vòng tròn, xuyên thủng hồng tâm thì dân bản không vui , vì theo quan niệm đó là điềm báo một năm mới không thuận lợi. Đây là nét đặc sắc mà chỉ dân tộc Tày mới có, ... thông qua hoạt động tung còn ngày xuân còn là dịp để nam, nữ thanh niên trao gửi tâm ý với nhau, vì thế nhiều đôi trai làng, gái bản đã nên duyên vợ chồng từ những dịp tung còn trong ngày hội xuân...
 
Nhiều hoạt động trong lễ hội Lồng tồng như rước cờ, múa sư tử, đi cà kheo, múa rối, chọi gà, đánh đu, múa võ, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ và hát then, ... ở mỗi loại hình trò chơi dân gian này đều phản ánh sâu sắc sự tài hoa, khát vọng của người Tày đối với các đấng siêu nhiên. Trong Lễ hội Lồng tông cổ xưa không thể thiếu hát then, hát sli, lượn. Đêm về những câu hát theo lối đối đáp của đám con trai, con gái để cầu mùa, chúc mừng dân bản mọi điều tốt lành. Lời hát mượt mà, sâu lắng vừa là lời chúc mừng năm mới, vừa là lời dặn dò công việc cấy hái của nhà nông, thể hiện tri thức dân gian về mùa vụ và cả những mong ước về một mùa màng no ấm.

Có thể thấy, lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày gắn với tín ngưỡng về nông nghiệp là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tính cố kết cộng đồng, thể hiện khát vọng của người dân trong sự hoà hợp trời đất, âm dương; cầu mong cho con người khoẻ mạnh, cuộc sống no đủ, vạn vật sinh sôi... 

Bên cạnh đó, những trò chơi trong lễ hội thể hiện nét đẹp tâm hồn phong phú, gắn với thiên nhiên, gắn với những tập tục văn hoá lâu đời của cư dân lúa nước. Lễ hội Lồng tông là một trong những nét văn hoá độc đáo của dân tộc Tày, góp phần làm phong phú kho tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam, ... đồng thời lễ hội là dịp để người dân hội tụ giao lưu văn hoá, tình cảm, tăng thêm sự hiểu biết, đoàn kết dân tộc, ôn lại truyền thống của quê hương, đất nước, khơi dậy niềm tự hào truyền thống dân tộc, tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian, dân tộc phát triển, kết hợp giữa văn hoá truyền thống với văn hoá đương đại, tạo nên đời sống văn hoá tinh thần vui tươi, lành mạnh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

Bảo Ngọc (t/h)
 

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?