Thứ Tư, 30/10/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Thúc đẩy bình đẳng giới chú trọng nhóm phụ nữ yếu thế, phụ nữ dân tộc thiểu số

Thứ hai, 19/02/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Với mục tiêu  60% lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan là nữ; tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt 50%; số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30%; 80% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, hỗ trợ; 60% dân số được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới... Đó là mục tiêu bình đẳng giới của tỉnh Ninh Bình đến năm 2025.

Nhiều hoạt động được triển khai rộng khắp

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, các sở, ban, ngành, địa phương tỉnh Ninh Bình đã tổ chức hàng trăm buổi diễn đàn, giao lưu như: “Cùng con vượt qua tuổi dậy thì”, “Trạm yêu thương”, “Lắng nghe trẻ bằng trái tim, bảo vệ trẻ bằng hành động”,... hàng trăm Câu lạc bộ “Phòng chống mua bán người”, “Bình đẳng giới”, “Phòng, chống bạo lực gia đình”; “Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, “Nam giới nói không với bạo lực gia đình”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Cha mẹ tốt của con”, Góc tư vấn giáo dục đời sống gia đình, giáo dục trước hôn nhân, tư vấn tiền hôn nhân”,... hoạt động thường xuyên. Ngoài ra, các cuộc tập huấn nghiệp vụ, nói chuyện chuyên đề, đối thoại chính sách nhằm nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ chuyên trách tỉnh, huyện; nâng cao hiểu biết pháp luật cho nhân dân... trong đó lồng ghép các chương trình cũng được thực hiện, tạo những thay đổi về chất trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, vì sự phát triển của phụ nữ. 

Đặc biệt, các mô hình thực hiện bình đẳng giới như mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh tại cộng đồng” (xã Mai Sơn, huyện Yên Mô), mô hình “phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” (xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh), mô hình “hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài” (xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh), mô hình CLB Thanh niên với bình đẳng giới (xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư) tiếp tục duy trì hoạt động, mang lại những hiệu ứng tích cực, thúc đẩy bình đẳng giới ở địa phương, đặc biệt vô cùng có ý nghĩa đối với các phụ nữ đang bị “đẩy vào đường cùng” khi gặp phải vấn đề bạo lực gia đình, bạo lực giới. Nhờ đó, phụ nữ hiểu biết hơn về pháp luật bình đẳng giới; số phụ nữ bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, hỗ trợ ngày càng cao, chị em dễ dàng tìm cho mình “điểm tựa” cả về tinh thần và giúp đỡ về xã hội, vật chất.

Ngoài ra, số lượng nữ giới là lãnh đạo chủ chốt và nữ làm công hưởng lương ngày càng tăng. Theo thống kê của tỉnh, hiện số nữ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh là 183 đồng chí, trong đó có 7 đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, 1 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cấp huyện có 92 đồng chí nữ ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ.

Đây là những con số thể hiện sự nỗ lực của các cấp, các ngành tỉnh Ninh Bình trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, vì sự phát triển của phụ nữ. Tuy nhiên, tỉnh Ninh Bình vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc như: cán bộ làm công tác bình đẳng giới và cán bộ tham mưu giúp việc cho Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp thường xuyên thay đổi, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên việc triển khai hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ ở một số đơn vị, địa phương hiệu quả chưa cao. Nguồn lực phân bổ cho công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ còn nhiều hạn chế, nhất là cấp cơ sở nên việc triển khai hoạt động gặp nhiều khó khăn và chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.

Thúc đẩy bình đẳng giới chú trọng nhóm phụ nữ yếu thế, phụ nữ dân tộc thiểu số

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, UBND tỉnh Ninh Bình đã đưa ra các giải pháp, trong đó yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới. Xây dựng các cơ chế, chính sách bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới trên các lĩnh vực có liên quan và cho đối tượng yếu thế.

Đầu tư, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức hướng đến các nhóm đối tượng phù hợp tạo sự thay đổi nhận thức, thực hành về bình đẳng giới trong các tầng lớp nhân dân, chú trọng sự tham gia của những người có uy tín trong cộng đồng, nam giới, trẻ em trai, thanh niên nhằm tạo sự thay đổi trong xã hội; đưa nội dung về bình đẳng giới vào hệ thống bài giảng chính thức trong các cấp học và lồng ghép vào các hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Nâng cao năng lực bộ máy làm công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, cơ sở cung cấp dịch vụ cho nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới và các lực lượng tham gia, phối hợp trong công tác bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho phụ nữ, trẻ em, nhóm có nguy cơ cao; Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực thực hiện công tác bình đẳng giới.

Tiếp tục tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động, trong đó ưu tiên phụ nữ nghèo, phụ nữ nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số. Chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với lao động nữ, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, khắc phục tình trạng thiếu việc làm của phụ nữ nông thôn. Duy trì, nhân rộng và nâng cao hiệu quả các mô hình, cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng. 

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trong trường học gắn với triển khai xây dựng mô hình “trường học an toàn - thân thiện - bình đẳng giới”.

Hồng Vân (t/h)

Bài viết khác
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?