Chủ Nhật, 22/12/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Quyền cơ bản của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (Bài 2)

Thứ ba, 30/01/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, mỗi công dân đều có quyền xác định dân tộc của mình (Điều 42 Hiến pháp) và được hưởng những quyền con người, quyền công dân và quy riêng có (đối với người dân tộc thiểu số) theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trên thực tế, trong suốt tiến trình xây dựng và bảo vệ nước, mỗi người dân các dân tộc thiểu số ở Việt Nam luôn là một thành viên gắn bó máu thịt với cộng đồng 54 dân tộc, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, "sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau". Chính vì vậy mà ở Việt Nam, người dân tộc thiểu số còn được gọi là đồng bào dân tộc thiểu số, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp.

Theo quy định tại các văn bản pháp luật của Việt Nam hiện nay thì người dân tộc thiểu số có các quyền con người; quyền công dân; quyền riêng có của người dân tộc thiểu số.

Quyền con người (nhân quyền) là những quyền tự nhiên của con người vốn được thừa hưởng và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thế nào. Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc, nhân quyền là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, những tự do cơ bản của con người. Ở Việt Nam, trong Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, quyền con người (Nguyễn Đăng Dung - Vũ Công Giao - Là Khánh Tùng (đồng chủ biên), Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2011) được định nghĩa là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế.

Quyền công dân là tập hợp những quyền con người được pháp luật của một quốc gia ghi nhận và chỉ những người mang quốc tịch của nước đó mới được hưởng các quyền công dân mà pháp luật nước đó quy định. Như vậy, quyền công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tập hợp những quyền được Hiến pháp và pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi nhận và chỉ những người mang quốc tịch Việt Nam mới được hưởng.

Quyền riêng có của người dân tộc thiểu số ở nước ta là quyền chỉ áp dụng đối với người dân tộc thiểu số, thuộc lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, được pháp luật nước ta tôn trọng, ghi nhận và bảo vệ nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền cơ bản của người dân tộc thiểu số và thúc đẩy sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển giữa đồng bào các dân tộc thiểu số với đồng bào cả nước.

Xuất phát từ những lý do sau đây mà các dân tộc thiểu số ở nước ta có những quyền riêng có:

Thứ nhất, do đặc thù về địa bàn cư trú, các dân tộc thiểu số ở nước ta cư trú chủ yếu ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới - nơi có địa hình không thuận lợi cho phát triển về mọi mặt. Vì vậy, các dân tộc thiểu số có trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều, chậm phát triển hơn so với dân tộc đa số; nhiều dân tộc thiểu số ở khu vực vùng sâu và núi cao vẫn còn trong tình trạng lạc hậu, chậm phát triển, mức sống thấp, tỷ lệ đói nghèo cao; điều kiện để tiếp cận giáo dục và đào tạo còn thấp; công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khỏ khăn; bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số đang bị mai một dần, một số tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan có xu hướng phát triển; hệ thống chính trị cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn yếu; tỉ lệ cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học thấp; năng lực, trình độ cán bộ xã, phường còn hạn chế...

Tình trạng trên gây khó khăn cho vùng dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng trong quá trình vươn lên hòa nhập cùng sự phát triển chung của cả nước, tạo ra khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết và bình đẳng giữa các dân tộc. Do đó, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển là tất yếu khách quan trong một quốc gia đa dân tộc. Đảng và Nhà nước ta coi đây là nguyên tắc nhất quán trong chính sách dân tộc thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Các dân tộc có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao hơn có trách nhiệm giúp đỡ các dân tộc khó khăn hơn. Tương trợ giúp đỡ lẫn nhau không phải chỉ giúp đỡ một chiều, mà ngược lại, chính sự phát triển của dân tộc này là điều kiện để cho dân tộc khác càng phát triển.

Thứ hai, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là đoàn kết và bình đẳng giữa các dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội, giữa người dân tộc đa số và người dân tộc thiểu số; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc phát triển đất nước.

Trong những năm qua, quyền của các dân tộc thiểu số ở nước ta ngày càng được quy định đầy đủ trên các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và được ghi nhận trong các văn bản pháp luật như Hiến pháp, các bộ luật, luật do Quốc hội ban hành.

Các quyền này được bảo đảm thực hiện bằng những quy định về chính sách, trách nhiệm của Nhà nước và các bên liên quan trong việc thực thi quyền qua các biện pháp cụ thể để thi hành.

Nam Giang (t/h)

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?