Trong bối cảnh hiện nay, việc giữ gìn giá trị bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đặt ra nhiều cách thức cần các giải pháp đồng bộ và khả thi. Trong đó, việc đưa văn học nghệ thuật về cơ sở, về buôn làng, nhất là vùng sâu vùng xa là vô cùng cần thiết để văn học nghệ thuật phát huy trọn vẹn vai trò trong giai đoạn mới.
Tây Nguyên là vùng có đông thành phần dân tộc nhất nước với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đây cũng là nơi duy nhất có đủ các nhóm ngôn ngữ dân tộc của Việt Nam. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ chiếm gần 27%, đồng bào Kinh chiếm gần 65%, các dân tộc khác chiếm gần 9%. Những dòng người di cư từ khắp mọi miền đất nước đã mang đến Tây Nguyên những phương pháp canh tác - sản xuất, đời sống, lối sống và văn hóa khác nhau, tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa, xã hội. Nền văn hóa đặc trưng bao trùm vùng Tây Nguyên từ thuần nhất của những ngày tháng xưa kia càng ngày trở nên sinh động, đa dạng và phong phú như thành phần cư dân các dân tộc sinh sống tại vùng đất này.
Bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên – phong phú và đa dạng
Văn hóa có tính dân tộc vì nó được sáng tạo, được bảo tồn và lưu truyền trong cộng đồng các dân tộc. Qua nhiều năm, quá trình phát triển và chắt lọc, trải qua quá trình thử thách của thời gian, những đặc điểm dân tộc in dấu ấn vào các sáng tạo văn hóa dần dần lắng đọng tạo thành bản sắc văn hóa dân tộc. Điều ấy tạo nên cốt cách, bản lĩnh và sức sống trường tồn của một dân tộc. Từ cội nguồn đó làm nảy sinh và hoàn thiện ý thức dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa, thế lực của dân tộc. Nói đến văn hóa là nói đến dân tộc đã sáng tạo ra văn hóa đó. Bản sắc văn hóa cũng chính là bản sắc văn hóa dân tộc ấy. Không có một nền văn hóa nào có thể hình thành và phát triển khi không chứa đựng bản sắc dân tộc đã sáng tạo ra nó.
Tại Tây Nguyên, những đặc trưng ở bản sắc các dân tộc càng thể hiện rõ nét và sâu sắc hơn hết. Với đặc điểm đất đai màu mỡ, Tây Nguyên là mảnh đất lành để các nhân dân khắp nơi trong cả nước chọn đây là nơi sinh sống và gắn bó bền vững. Sắc thái văn hóa đa dạng của Tây nguyên biểu hiện rõ nét qua kho tàng văn học truyền miệng, qua nghệ thuật cồng chiêng và qua các lễ hội. Song song với việc giữ được các nghề truyền thống của các dân tộc bản địa như đẽo tượng gỗ, đan lát mây tre, làm rượu cần, dệt thổ cẩm… các lễ hội đặc sắc như mừng cơm mới, cúng bến nước, hội đua voi,… nền âm nhạc truyền thống với nhạc cụ tre nứa, đàn đá, cồng chiêng cùng các loại hình văn hóa dân gian, sinh hoạt cộng đồng và kho tàng văn học, văn nghệ dân gian đặc sắc của các dân tộc khác trên địa bàn đã tạo được vốn văn hóa đồ sộ, đa dạng và phong phú. Đặc biệt “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được Tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại…. tất cả những sự phong phú ấy tạo nên một Đắk Lắk trong Tây nguyên vô cùng đa dạng và phong phú về mọi yếu tố, từ các dân tộc đến văn hóa vô cùng thú vị và đặc sắc.
“Vũ điệu cồng chiêng Tây Nguyên” luôn có sức hút đặc biệt. (Ảnh: Huy Hùng)
Những giá trị văn hóa tinh thần tại vùng đất Tây Nguyên còn được thể hiện ở nhiều điều như kinh nghiệm thuần dưỡng voi, chế tạo ra đàn đá và cồng chiêng; là các nghệ nhân điêu khắc qua các tượng nhà mồ của các dân tộc Gia Rai, Bana, Ê-đê, M’nông; là kỹ thuật trang trí dệt nên những hoa văn của trang phục các dân tộc, những pho sử thi đồ sộ và giá trị như sử thi Đam San, Đăm Noi, Xing Nhã. Các giá trị tinh thần còn đọng lại sâu sắc trong các tục lệ của người Êđê, của người M’nông, Gia Rai, Ba-na,… qua các ứng xử trong cộng đồng, qua việc ăn, ở, mặc, giải trí; trong việc cưới, tang, lễ nghi, tín ngưỡng…
Tỉnh Đắk Lắk ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, là nơi hội tụ của 49/54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nền văn hóa của các dân tộc trên vùng đất này đa dạng, nhiều sắc màu. Ngoài những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Ê-đê, M’nông, Ba Na, Xê Đăng, Gia Rai còn có sự hiện diện văn hóa của các dân tộc từ các tỉnh vùng Tây Bắc như Tày, Thái, Nùng, Mông, Dao, Hoa… Đắk Lắk cũng là vùng đất của lễ hội. Hàng trăm năm qua, lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk gắn liền với rừng núi và cộng đồng đã tạo nên sắc thái riêng biệt và hấp dẫn. Những lễ hội đồng thời là một hình thái sinh hoạt tinh thần mang bản sắc đậm đà của các dân tộc cùng sinh sống trên mảnh đất trù phú này thường được tổ chức sau những ngày lao động mệt nhọc. Nhiều lễ hội được tổ chức phong phú và đa dạng như lễ hội mùa, lễ tỉa hạt, lễ cúng bến nước, lễ đâm trâu, lễ hội cồng chiêng, lễ cúng sức khỏe, lễ cúng trưởng thành...
Với đặc thù là vùng đất lành hội tụ các dân tộc trong cả nước, Đắk Lắk đã hình thành ba dòng văn hóa giàu bản sắc. Đó là văn hóa các dân tộc bản địa Tây Nguyên – Trường Sơn, văn hóa của các DTTS phía Bắc và văn hóa dân tộc Kinh mang đủ sắc thái ba miền Bắc – Trung – Nam. Ba dòng văn hóa giao thoa và bồi đắp, trải qua năm tháng đã tạo nên nền văn hóa tại Đắk Lắk những nét đặc trưng riêng biệt với các vùng miền trong cả nước. Đó là trong văn hóa cộng đồng có sự hội tụ của văn hóa nhà dài của người Ê đê, M’Nông xen với văn hóa nhà rông của người Ba-Na, Gia-Rai lẫn với văn hóa nhà sàn của người DTTS phía Bắc như Thái, Mường, Nùng, Dao lẫn với văn hóa đình làng của người Việt…
Thực trạng về bản sắc văn hóa Tây Nguyên hiện nay
Hiện nay, tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng, đời sống văn hóa tinh thần của bà con DTTS còn nhiều hạn chế. Khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân khá xa. Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có một số tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp; các tác phẩm văn học nghệ thuật ở các chuyên ngành đa phần được phổ biến trong lực lượng những tầng lớp trí thức ở thành thị. Người sáng tạo tác phẩm phổ biến chủ yếu trên các phương tiện truyền thông hiện đại ở các trung tâm thành phố, huyện lị chứ chưa phổ biến đến vùng sâu vùng xa. Đời sống của bà con DTTS ở các buôn làng vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, cả về vật chất lẫn tinh thần.
Bên cạnh đó, với sức ép của kinh tế thị trường, văn hóa và lối sống hiện đại cùng với sự xâm nhập có cả tích cực lẫn không tích cực của internet, mạng xã hội đã có sự tác động không nhỏ đến không gian các lễ hội truyền thống, không gian văn hóa cồng chiêng, không gian nhà dài, bến nước, nương rẫy, rừng… Không gian sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số đang phải đối diện với nguy cơ bị mai một nghiêm trọng; người già không nhiều mặn mà giữ gìn văn hóa, thanh niên có nhiều thú vui hiện đại, thời thượng với mạng xã hội; văn hóa truyền thống của nếp nhà, của dân tộc đang bị lãng quên một cách đáng báo động.
Không chỉ các dân tộc bản địa tại Đắk Lắk mà các dân tộc thiểu số khác di cư từ các tỉnh phía Bắc vào Đắk Lắk như Tày, Thái, Nùng, H’Mông,… cũng trong tình trạng mất dần cái hay, cái đẹp của văn hóa truyền thống. Dần dà, họ bỏ qua những phong tục và cả tiếng nói để học theo người Kinh. Truyền thống văn hóa cũng theo đó mai một trầm trọng và đáng tiếc; hát kể sử thi, dân ca, dân nhạc, dân vũ vẫn được duy trì nhưng thiếu linh hồn vì tâm lý, ý thức cộng đồng và không gian diễn xướng thay đổi; nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng cổ truyền vốn được tiến hành rất nghiêm ngặt từ các bản tấu, nghệ nhân, không gian, hoàn cảnh đến chức năng cơ bản là tế lễ nhưng nay những quy chuẩn mang giá trị truyền thống đã bị mai một nhiều, đặc biệt là mất đi không gian thiêng truyền thống.
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS – Đưa văn học nghệ thuật về với cộng đồng
Phải nhìn nhận được nguyên nhân. Thứ nhất, đó là công tác quản lý nhà nước về văn hóa chậm được đổi mới, có lúc, có nơi bị xem nhẹ, thậm chí buông lỏng. Việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng và còn dàn trải. Đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật lại càng ít được xem trọng, chưa thật sự được quan tâm và đầu tư đúng mức.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành chưa nắm bắt kịp thời những vấn đề mới về văn hóa, văn học nghệ thuật để đầu tư đúng hướng và có hiệu quả. Chưa thật sự quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Trước những thực tế trên, văn học nghệ thuật phải đặt ra cho mình mục tiêu lớn. Đó là cùng với hệ thống chính trị, văn hóa để nỗ lực khôi phục cái hay, vốn quý của văn hóa dân tộc của các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên trong lĩnh vực của mình. Từng bước đưa văn học nghệ thuật sáng tác về dân tộc và vùng đất Đắk Lắk về với cơ sở, buôn làng. Nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Việc đưa văn học nghệ thuật về với cộng đồng, đặc biệt là về sâu rộng đến cơ sở, vùng sâu vùng xa; tiếp cận với người dân tộc thiểu số có nhiều ý nghĩa nhất định. Đó là: Những cái hay, cái đẹp của vốn quý vốn dĩ của người dân tộc thiểu số qua cảm quan của nghệ sĩ sẽ đẹp hơn, có giá trị thẩm mỹ hơn. Và những điều ấy phải được phản hồi trở lại để người dân tộc thiểu số cảm nhận. Từ đó họ nhận ra được những điều bình thường hàng ngày từ nếp nhà, lời ăn tiếng nói, trang phục hay những câu chuyện kể khan thâu đêm có giá trị nhất định về nhiều mặt văn hóa.
Bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên – phong phú và đa dạng
Ví dụ như trang phục dân tộc, đời sống hàng ngày của người dân tộc thiểu số qua những tác phẩm ảnh nghệ thuật, qua tác phẩm âm nhạc hay tác phẩm văn học sẽ trở nên lung linh, mang đậm sắc thái và tăng lên cái đẹp. Người dân tộc thiểu số sẽ thấy yêu thêm những điều bình dị như nếp nhà, món ăn, sắc phục hay tiếng nói,… đó là những những thứ bình thường mà từ bao đời nay họ không hề nhận ra rằng rất đẹp đẽ. Từ đó phần nào tác động đến tâm tư, tình cảm, suy nghĩ để họ thêm ý thức giữ gìn những bản sắc của dân tộc mình một cách tự nguyện.
Gợi mở cho buôn làng, cộng đồng, thôn buôn tổ chức những đêm sinh hoạt kể khan với đông đảo các tầng lớp tham gia, từ người già đến thanh niên, trẻ nhỏ trong không gian nhà dài một cách chân thực. Sự tái hiện sẽ có hiệu quả thực sự để thế hệ trẻ lắng nghe các sử thi của người già kể bằng tiếng mẹ đẻ. Kết hợp với việc dựng hình, quay phim nhưng không làm thay đổi môi trường diễn xướng, không can thiệp sâu vào không gian để những người nghệ nhân đang truyền được ngọn lửa đam mê đến cho người nghe và các thế hệ thanh niên.
Các văn nghệ sĩ chuyên ngành văn nghệ dân gian mở các lớp truyền dạy đánh chiêng, nhạc cụ dân tộc tại các buôn làng. Kết hợp với việc tìm kiếm những người có khả năng, cảm nhận âm nhạc/văn học nghệ thuật để đưa đi bồi dưỡng. Họ sẽ là những hạt nhân văn hóa để sau đó quay trở lại công tác tại cơ sở, buôn làng trong tương lai.
Phối hợp với các cơ quan hữu quan tại từng địa phương, cụ thể là UBND, Phòng Văn hoá thông tin các huyện, thị xã lập kế hoạch, xây dựng các chương trình cụ thể xuống cơ sở, thôn buôn để tổ chức các hoạt động thiết thực như sinh hoạt cộng đồng, triển lãm, nghe kể khan, diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, lễ hội,… chủ thể là người dân địa phương, người dân tộc thiểu số.
Không ngừng tăng cường việc giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên. Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người. Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống; các giá trị văn hóa tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng.
Song song đó, mỗi người văn nghệ sĩ phải tự tìm tòi, không ngừng sáng tạo để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ảnh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Tăng cường việc đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm, công trình về đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới đất nước.
Có thể khẳng định rằng, việc giữ gìn giá trị bền vững văn hóa Tây Nguyên có nhiều cách thức và giải pháp. Trong đó việc đưa văn học nghệ thuật về cơ sở, về buôn làng, nhất là vùng sâu vùng xa là vô cùng cần thiết để văn học nghệ thuật phát huy trọn vẹn vai trò trong giai đoạn mới. Mặc dù vậy, muốn làm được những điều đó, phải có một chiến lược lâu dài, kế hoạch cụ thể và sự chỉ đạo sâu sát của các cấp, ngành thì công tác này mới thực sự hiệu quả và khả thi./.
Nhà văn Niê Thanh Mai
Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?