Thứ Tư, 30/10/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Lễ cầu mùa của người Cờ Lao đỏ

Thứ bảy, 01/04/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Theo hồ sơ của Cục Di sản Văn hoá Lễ cầu mùa của người Cờ Lao đỏ (xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) gắn với truyện người Cờ Lao đỏ từ Quý Châu (Trung Quốc) sang định cư ở Tùng Sán nhưng luôn bị mất mùa, ốm đau, chết chóc. Vì thế, người Cờ Lao đỏ cùng lập ra miếu thờ “Hoàn Vần Thùng”, vị Thần cai quản đất này. Từ đó, dân bản ít bệnh tật hơn, cây trồng, vật nuôi phát triển tốt, mùa màng bội thu, người dân không còn thiếu đói.

Từ đó đến nay, vào mùng 06 tháng Sáu Âm lịch hàng năm, bà con cùng nhau làm Lễ cầu mùa chung tại miếu Hoàng Vần Thùng. Sau đó, các hộ gia đình về làm lễ riêng. Lễ cầu mùa là nghi lễ quan trọng của người Cờ Lao đỏ với quan niệm Tổ tiên và các Thần linh là thế lực luôn phù hộ, che chở để có sự yên lành cho cuộc sống của con người và vật nuôi, để cây trồng tươi tốt.

Nghi lễ cầu mùa của người Cờ Lao đỏ. Ảnh: Internet

Nghi lễ cúng cầu mùa của người Cờ Lao đỏ được tổ chức cúng ở 02 loại:

Cúng cầu mùa chung của cả làng tại miếu thờ Hoàng Vần Thùng

Để chuẩn bị cho “Lễ cầu mùa”, dân bản phân công nhau chuẩn bị, mỗi gia đình chuẩn bị một ít tiền đóng góp để mua một con lợn, rượu, bánh kẹo, gạo nếp làm bánh dày để làm lễ vật chung của cả làng; Ngoài ra, mỗi hộ khi đến mang theo 01 con gà, một thẻ hương trầm, giấy bản, giấy màu... và phân công một số người phụ giúp Chủ lễ thực hiện các công việc trong buổi lễ.

Vào buổi sáng ngày tổ chức buổi lễ, thầy cúng và dân làng mang lợn, hương trầm, bánh dày, cơm, gạo, rượu, gà, tiền làm bằng giấy bản, giấy màu (đủ 5 màu: vàng, đỏ, tím, đen, xanh) đến ngôi Miếu. Sau đó cùng nhau quét dọn, nhóm bếp và bày lễ vật tại 5 ban thờ (gồm: Ban thờ chính giữa đối diện cửa ra vào là ban thờ Hoàng Vần Thùng; ban thờ bên trái cửa vào là ban thờ làm ăn phát đạt, cầu mùa; ban bên phải cửa vào là ban thờ Dương Thông - người sáng lập ra miếu thờ; ban tiếp bên phải là ban thờ cầu cho việc sinh con; cuối cùng là ban thờ bà mụ (nơi làm lễ cho trẻ từ khi sinh ra và thờ đến hết 12 tuổi và chỉ thờ ở Miếu). Chỉ có thầy cúng (Chủ lễ) mới được phép mở cửa và thực hiện các nghi lễ tại miếu Hoàng Vần Thùng vào các dịp cúng Lễ cầu mùa, lễ cúng vào dịp đầu tháng Bảy Âm lịch hàng năm, tưởng nhớ công ơn của ông Hoàng Vần Thùng, người có công khai thiên, lập địa và giúp nhân dân trong vùng khai khẩn đất đai, đánh đuổi thú dữ, kẻ thù, giành lại cuộc sống bình yên. Không khí chuẩn bị cho lễ cúng rất tĩnh lặng, người dân cố gắng giữ sự yên ả, thanh tịnh ở khu vực miếu, tránh làm ảnh hưởng đến vị thần Hoàng Vần Thùng. Đây cũng là nét đặc trưng của Lễ cầu mùa của người Cờ Lao đỏ.

Thầy cúng sẽ tiến hành các nghi lễ cơ bản để cảm tạ Thần linh, trời đất và Tổ tiên năm trước đã ban cho mùa màng bội thu, đồng thời, cầu xin các vị Thần tiếp tục phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, lúa ngô tươi tốt vào những mùa vụ sau.

Trong Lễ cầu mùa của người Cờ Lao đỏ có lễ cúng sống và lễ cúng chín với các con vật là lợn và gà.

 Cúng sống: Là phần cúng đầu tiên, khi toàn thể dân làng cùng nhau mang lợn, gà và các loại lễ vật đến trước các ban thờ, trình báo về việc hôm nay tổ chức lễ cúng; đồng thời, thầy cúng tiến hành cắt tiết ngay tại trước các ban thờ, lấy một ít tiết quệt vào những tập giấy bản và vừa cúng, vừa vẩy lên các ban thờ để trình lễ, sau đó đem làm sạch lông cho vào nồi luộc để chuẩn bị lễ cúng chín.

Cúng chín: lễ vật được luộc chín mang về bày tại các ban thờ để thực hiện phần cúng chín. Sau khi thầy cúng mời các vị Thần về hưởng lễ và hoàn tất thủ tục cúng lễ, hóa vàng.

Ngoài các thủ tục cúng tại miếu, người ta còn cúng Thổ công, Thổ địa của cả làng. Bàn thờ Thổ công, Thổ địa được đặt tại một gốc cây to nhất ở giữa làng. Tại lễ cúng này thầy cúng phụ sẽ giúp Chủ lễ thực hiện các nội dung, quy trình gồm cúng sống và cúng chín).

Lễ cúng kết thúc, Chủ lễ cùng dân làng xem chân gà để đoán xem năm tới tốt hay xấu. Nếu chỉ dẫn tốt thì năm tới cả làng sẽ làm ăn thuận lợi, may mắn… Nếu xấu, dân làng phải làm lễ lại để xin các vị thần phù hộ cho dân bản được bình an.

Sau đó, Chủ lễ tiến hành hạ lễ và cùng bà con dân bản chế biến thành món ăn. Khi thức ăn đã chín người ta chia phần đều ra các chậu nhỏ, để phân ra các mâm, mọi người cùng nhau ăn uống, trò chuyện, chúc tụng nhau. Một số người hát các làn điệu dân ca góp vui trong sinh hoạt chung của cộng đồng. Cũng tại đây, các già làng, trưởng thôn hoặc thầy cúng phổ biến các quy ước, hương ước xây dựng làng, bản văn hóa và căn dặn bà con trong bản đoàn kết xây dựng bản làng.

Phần cúng riêng của các gia đình người Cờ Lao đỏ

Các gia đình cũng thực hiện lễ cúng sống và cúng chín. Lễ cúng có thể thực hiện tại nhà, trước bàn thờ Tổ tiên hay cúng ngay tại khu ruộng của gia đình, tự cúng hoặc nếu không biết cúng thì mời thầy về cúng. Gia đình chuẩn bị và kê một chiếc bàn vuông trước bàn thờ Tổ tiên để tiến hành làm lễ (không bày lễ vật lên bàn thờ Tổ tiên). Lễ vật gồm có: 02 con gà, 3 chén rượu, một ống hương, một nắm mạ, giấy bản, hương trầm. Thầy cúng khấn trình Tổ tiên, Thổ công, Thổ địa về chứng kiến việc làm lễ và trình các lễ vật dâng cúng. Sau đó, chủ nhà và thầy cúng cắt tiết gà, cho một ít vào giấy bản vẩy xung quanh đàn cúng, vừa vẩy, vừa lẩm nhẩm trình báo. Gà được mang đi làm sạch, luộc chín rồi mang về bày trên bàn trước Ban thờ Tổ tiên để thực hiện lễ cúng chín kính dâng lên Tổ tiên, các vị Thần về hưởng lễ, hóa vàng lễ cúng kết thúc. Sau đó, chủ nhà mang những nhánh mạ trên đàn cúng ra ruộng cấy với quan niệm bắt đầu gieo, trồng một vụ mùa mới, cầu cho cây lúa, hoa màu, vật nuôi... không bị sâu bệnh, không ốm đau, mọi sự đều được phát triển thịnh vượng, vụ mùa bội thu, con người khỏe mạnh

Lễ cầu mùa gắn liền với quá trình phát triển và tồn tại của cộng đồng người Lô Lô đỏ. Nghi lễ nhằm thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng của người dân, cầu cho một năm mới mùa màng bội thu, làm ăn thịnh vượng; đồng thời, cầu mong cho cả làng xua đi những vận đen, bệnh tật, có một cuộc sống no ấm, xóm làng bình yên, hạnh phúc. Nghi lễ giúp người dân cảm thấy yên tâm về tinh thần, sẵn sàng cho một vụ mùa mới. Tính cố kết cộng đồng cũng được phản ánh rõ nét trong Lễ cầu mùa thông qua việc cùng nhau đóng góp chuẩn bị các lễ vật dâng lên Hoàng Vần Thùng, cũng như góp sức, chuẩn bị và chế biến các món ăn truyền thống. Thực hành nghi lễ còn là dịp để mọi người gặp gỡ giao lưu, trao đổi tình cảm, cùng nhau sinh hoạt cộng đồng tạo nên sự đoàn kết gắn bó, đồng thời là môi trường giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, cũng như bài cúng được truyền thụ cho thế hệ kế cận góp phần bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống của người Cờ Lao đỏ.

Với giá trị tiêu biểu, Lễ cầu mùa của người Cờ Lao đỏ được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 778/QĐ-BVHTTDL ngày 04/4/2022./.

Thành Trung (t/h)

Bài viết khác
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?