Chủ Nhật, 22/12/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Kỹ thuật trồng và chăm sóc sầu riêng

Thứ hai, 26/08/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Sầu riêng là loại cây ăn quả nhiệt đới, có giá trị dinh dưỡng cao, hương thơm đặc trưng được ưa chuộng phổ biến tại các quốc gia Đông Nam Á. Hiện nay nhiều vùng ở nước ta đã trồng sầu riêng hiệu quả và đạt được giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, để sầu riêng cho năng suất cao, chất lượng tốt, cây không bị suy kiệt làm ảnh hưởng đến các vụ tiếp theo thì việc trồng và chú ý đầu tư thâm canh, chăm sóc đúng kỹ thuật là vô cùng cần thiết.

Cây sầu riêng (ảnh internet).

Thời vụ trồng

Cây sầu riêng có thể trồng quanh năm, không bị giới hạn mùa nào. Nhưng nếu được thì nên trồng sầu riêng vào đầu mùa mưa (từ tháng 6 – tháng 8 dương lịch) để giảm bớt chi phí và công sức chăm sóc. Nhờ lượng mưa lớn sẽ giúp cây nhanh thích nghi với đất trồng.

Chọn giống

Cây được nhân giống vô tính bằng phương pháp ghép mắt hoặc ghép cành, có nguồn gốc rõ ràng. Lưu ý không được trồng sầu riêng bằng hạt.

Nên chọn cây giống có chiều cao đạt từ 35 - 40 cm; cây thẳng, vững chắc; có trên 3 cành cấp 1; vết ghép liền và tiếp hợp tốt; đường kính thân (đo trên vết ghép 2 cm) phải đạt trên 0,8 cm; số lá trên thân chính phải hiện diện đủ từ 1/3 chiều cao của cành ghép đến đỉnh chồi; lá ngọn đã trưởng thành, xanh tốt; cây được huấn luyện ánh sáng hoàn toàn từ 10 - 15 ngày; tuổi cây xuất vườn từ 5 - 7 tháng tuổi sau khi ghép.

Đất trồng

Sầu riêng thích hợp với đất có tầng canh tác dày, giàu chất hữu cơ, thoát nước tốt trong mùa mưa và có khả năng cung cấp nước trong mùa khô. Cây không phát triển ở các vùng đất nhiễm mặn, phèn, đất có tỷ lệ sét cao và độ phì nhiêu kém.

Cần đảm bảo độ pH nằm trong khoảng 5,5 – 6,5 để cây phát triển tốt nhất và đồng thời hạn chế sự phát triển của nấm Phytophthora palmivora gây hại. Để nâng pH đất hiệu quả cần thực hiện bón vôi hằng năm.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng

Để trồng sầu riêng đạt hiệu quả, bà con phải chuẩn bị mô hay hố trồng, tùy vào điều kiện canh tác, thổ nhưỡng để áp dụng kiểu trồng cho phù hợp.

Kiểu trồng miền Tây thường liếp đơn rộng 6-8m, mương rộng 1-2 m, sâu từ 1-1,2m. Còn liếp đôi rộng 10-12m, mương rộng 4-5m, sâu từ 1-1,2m. Kích thước mô cao 60-80cm, chân mô 2-3m, mặt mô 1-2m.

Còn kiểu trồng ở vùng đất miền Đông - Tây Nguyên, kích thước hố đất tốt là 60 x 60 x 60cm, đất xấu thì 70 x 70 x 70cm.

Khoảng cách trồng, tốt nhất nên trồng thưa để vườn thông thoáng, cây khỏe mạnh, dễ chăm sóc và ít bị bệnh thối trái. Tùy theo thực tế mà có nhiều phương thức trồng như trồng thuần hay trồng xen.

Nếu trồng thuần thì khoảng cách trồng thưa là 10m x 10m (100 cây/ha); 10m x 12m (83 cây/ha). Khoảng cách trồng dày là 5m x 6m (330 cây/ha); 6m x 8m (208 cây/ha); 6m x 9m (185 cây/ha).

Nếu trồng xen thì khoảng cách là 12m x 12m (69 cây/ha) hoặc 12m x 15m (55 cây/ha).

Trước khi trồng mới nên đảo phân ở trong hố từ trên xuống dưới, ngoài vào trong cho phân được đều khắp hố. Ở trong hố trồng bà con tạo điểm đặt cây sầu riêng, tùy theo kích thước của bầu để bà con tạo hố cho phù hợp. Ở giữa hố trồng bà con đào một lỗ sâu khoảng 20cm, có đường kính lớn hơn bầu ươm 1 - 2cm.

Dùng dao hoặc kéo sắc cắt bỏ phần rễ thừa, rễ cong. Sau đó nhẹ nhàng rạch một đường dài dọc bao bầu cẩn thận không làm bể bầu. Đặt bầu cây vào hố trồng, sao cho mặt bầu cao hơn miệng hố khoảng 2 - 3cm. Rồi nhẹ nhàng tách vỏ bầu ra khỏi bầu ươm, tránh làm hư hại bộ rễ cây. Khi đặt bầu bà con cố gắng đặt cho cây giống thẳng, không nên đặt bầu ươm quá nông hoặc quá cạn.

Phủ đất lên mô mà nén chặt, bà con nên phủ đất ở ngoài thấp hơn miệng bầu khoảng 1 - 2m để khi tưới,nước không bị đọng lại ở rễ cây.

Có thể sử dụng cọc tre, nứa, gỗ… dài khoảng 1 - 2m, có đường kính 2-3cm tùy theo kích thước của cây giống đẻ làm giá đỡ cho cây.

Tưới nước: Sau khi trồng bà con tiến hành tưới nước, giữ độ ẩm cho cây sau khi trồng. Đồng thời, bà con có thể sử dụng lá chuối, cây, lá dừa khô… để tiến hành che nắng cho cây con mới trồng, đồng thời bà con sử dụng rơm,, lá cay khô… để tủ gốc giữ ẩm cho cây.

Sau khi trồng cần tưới nước thường xuyên khi trời nắng hạn để giảm tỷ lệ cây chết, giúp cây khỏe mạnh, nhanh cho trái. Đặc biệt những tháng đầu tiên sau khi trồng nên tưới 1 lần/ngày, nhằm đảm bảo chu kỳ tưới 3 lần/tuần (lượng nước tưới 100-150 lít/cây/lần).

Điểm yếu của sầu riêng không ưa nước đọng, do đó trong kỹ thuật chăm sóc cây con, bà con cần lưu ý tạo rãnh thoát nước vào mùa mưa. Điều này tránh gây thối rễ và tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển.

Còn vào mùa khô, bà con cần lưu ý thực hiện tấp tủ quanh gốc, tưới nước đều đặn để giữ ẩm. Tuyệt đối tránh để cây bị úng ngập hoặc khô hạn quá mức vì có thể gây ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của cây con.

Bón phân: Sau khi trồng thấy cây ra tược non đầu tiên mới tiến hành bón phân. Lượng phân bón nên chia nhỏ làm nhiều lần bón, năm đầu tiên nên bón 6-9 lần/năm. Phân bón có thể pha vào nước để tưới gốc hoặc xới nhẹ xung quanh gốc để bón phân và tưới nước.

Năm đầu tiên: Tổng lượng phân gồm 5-10kg Sitto Phat Uro-1 + 1-1,5 kg NPK Sitto Phat 20-20-15+TE, chia ra 6-9 lần bón/cây/năm.

Năm thứ 2: Tổng lượng phân gồm 5-10 kg Sitto Phat Uro-1 + 1,5-2kg NPK Sitto Phat 20-20-15+TE, chia ra 4-6 lần bón/cây/năm.

Năm thứ 3: Tổng lượng phân gồm 5-10 kg Sitto Phat Uro-1 + 2-2,5kg NPK Sitto Phat 20-20-15+TE, chia ra 4-6 lần bón/cây/năm.

Năm thứ 4: Tổng lượng phân gồm 5-10kg Sitto Phat Uro-1 + 2,5-3,5kg NPK Sitto Phat 20-20-15+TE, chia ra 4-5 lần bón/cây/năm.

Từ năm thứ 5: Tổng lượng phân gồm 5-10kg Sitto Phat Uro-1 + 3,5-4,5kg NPK Sitto Phat 20-20-15+TE, chia ra 4-5 lần bón/cây/năm.

Ngoài bón phân ra cần phun dinh dưỡng qua lá bổ sung, chất kích rễ, thuốc bảo vệ thực vật giúp cây sầu riêng phát triển nhanh, hạn chế sâu bệnh gây hại, đặc biệt giai đoạn ra đọt non. Đồng thời, giúp quản lý tốt bệnh thối rễ, bọ trĩ, rầy xanh, rệp sáp, thán thư giai đoạn cây kiến thiết.

Cắt tỉa cành: Các cành sâu bệnh, cành thừa, cành chậm phát triển, không có khả năng cho trái… thì bà con nên cắt bỏ để dinh dưỡng của cây tập trung nuôi các cành có khả năng cho trái, cành khỏe.

Việc cắt bỏ cành cũng giúp tán cây thông thoáng, tăng khả năng quan hợp, tổng hợp chất dinh dưỡng của cây, hạn chế sự phát triển của sâu bệnh hại.

Ngoài ra việc tỉa cành tạo tán còn giúp bộ khung của cây khỏe hơn, các cành được phân bố đều, cây không bị đổ ngã khi gặp gió lớn.

Khi tiến hành tỉa cành, tạo tán cho cây, trước hết bà con cần định hình tán của cây, đối với một cây sầu riêng khỏe mạnh thì sẽ có một thân cây chính mọc thẳng, có 5 - 6 cành cấp 1, tán mọc đều các hướng, cân đối.

Bà con cần cắt bỏ chòi mọc từ gốc ghép, các cành gần mặt đất (cắt cành cách mặt đất dưới 60 - 70 cm). Nếu cá cành mọc cùng một vị trí thì bà con nên cắt bỏ, chỉ để lại cành khỏe nhất. các cành mọc đứng trong tán ốm yếu, sâu bệnh cũng cần được loại bỏ.

Khi cây cao được khoảng 7- 8m nên cắt bỏ ngọn cây để giới hại chiều cao của cây (cách ngọn khoảng 1,5m).

Sau khi cắt cành,  cần vệ sinh vết cắt bằng việc quét vôi, sơn, hoặc dùng băng keo, nilon quấn vết cắt lại để không bị nấm bệnh tấn công.

Tỉa hoa: Tỉa bỏ toàn bộ bông đầu cành; Tỉa thưa các chùm bông trong cành, giữ các chùm bông cách nhau khoảng 15 - 20 cm, ưu tiên chừa lại chùm bông dưới dạ (bụng), tỉa bỏ các chùm bông bên hông. Đối với bông trong một chùm: tỉa bỏ bông ốm, nhỏ, xấu, bị sâu bệnh, dị dạng... mỗi chùm bông chỉ chừa khoảng 10 - 20 bông.

Tỉa trái: Sau khi hoa nở được khoảng 3 đến 4 tuần, cần tiến hành loại bỏ những trái đậu dày đặc trong cùng một chùm, một chùm chỉ nên để lại 2 trái. Đầu tiên cần bỏ những quả bị sâu bệnh và méo mó trước.

Tỉa lần 2: Sau khi cây đậu trái khoảng 8 tuần bắt đầu quan sát và loại bỏ những trái phát triển kém và nhỏ hơn những trái còn lại.

Tỉa lần 3: Sau khi cây đậu trái khoảng 10 tuần tiếp tục loại bỏ những trái bị dị dạng và sâu bệnh.

Thu hoạch

Hoa sầu riêng nở và thụ phấn vào ban đêm, trái chín và rụng cũng thường vào buổi tối cho đến sáng sớm nên cần lưu ý những đặc điểm này. Hoa thường thụ phấn nhờ dơi hoặc một số côn trùng hút mật về đêm. Từ khi nở hoa tới khi thu hoạch kéo dài từ 15-17 tuần (tùy vào giống và điều kiện thời tiết). Khi trái chín, có thể thu hoạch trong khoảng 2 tuần.

Tuy nhiên nên thu trái từ trên cây và không để trái rụng xuống đất, cần chú ý không cho sự va chạm làm trầy xước trái, giữ trái nơi thoáng mát… để giảm sự thiệt hại ở giai đoạn sau thu hoạch.

Bảo quản

Quả sau khi thu hoạch được vận chuyển về nhà sơ chế; phân loại quả theo kích cỡ khối lượng, hình dạng, màu sắc… và độ chín theo yêu cầu của thị trường. Loại bỏ các quả nứt, không đạt yêu cầu, hư hỏng do tổn thương cơ học hay nhiễm sâu bệnh. Sử dụng nước sạch để rửa quả, hong khô trong mát.

 Trữ quả trên kệ hoặc để trên tấm lót ngăn cách với sàn nhà, nơi thoáng mát, không xếp quả thành đống cao.

Thu Thảo (t/h)

 

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?