Thứ Tư, 30/10/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dổi lấy hạt, lấy gỗ

Thứ năm, 27/04/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 1 điểm ( 1 đánh giá )

Cây dổi hay còn gọi là giổi được phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền núi Tây Bắc và khu vực Tây Nguyên nước ta. Loài cây này mang lại lợi ích kép cho người trồng khi vừa thu gỗ, vừa thu hạt. Cả gỗ và hạt dổi đều mang lại giá trị kinh tế cao. Cây dổi rất dễ trồng lại tốn ít công chăm sóc. Sau đây là quy trình kĩ thuật trồng và chăm sóc cây dổi lấy hạt, lấy gỗ mang lại giá trị kinh tế cao. 

Cây dổi xanh. Ảnh: Minh Ngọc

Dổi thuộc loại cây thân gỗ lớn cây trong rừng. Cây trưởng thành có thể cao hơn 30m, đường kính thân cây tới hơn 1m. Thân cây thẳng tăm tắp, tròn đều, phân cành cao.

Gỗ dổi có mùi thơm đặc biệt, thớ gỗ mịn, vàng, vân gỗ đẹp, sắc nét, gỗ nhẹ và bền, không bị mối mọt, không bị cong vênh nên có giá trị kinh tế cao.

Người dân thường tìm gỗ dổi để làm nhà (nhà gỗ), làm sàn gỗ, đóng đồ nội thất hay làm những sản phẩm mỹ nghệ…

Bên cạnh lấy gỗ, đồng bào dân tộc Mường ở đây sử dụng hạt dổi như một loại gia vị và loại thuốc chữa bệnh.

Nhiều người nhắc đến cây dổi đều nghĩ là cây này là loại có thể vừa lấy hạt vừa lấy gỗ. Tuy nhiên thực tế 2 loại dổi là dổi ăn hạt (Michelia tonkinensis) và dổi xanh (Michelia mediocris). Hạt của cây dổi xanh không ăn được vì nó đắng.

Thời vụ trồng

Các tỉnh miền Bắc trồng vào vụ Xuân hay đầu vụ Hè từ tháng 3-6; vùng Bắc Trung bộ trồng vào tháng 10-11; vùng Đông Nam bộ, duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên trồng vào tháng 6-8.

Chuẩn bị cây dổi giống

Hiện nay trên thị trường có 2 loại cây dổi giống là cây dổi thực sinh và cây dổi ghép. Cả 2 loại cây này đều có điểm chung là: sức sống khỏe; ít sâu bệnh; phù hợp với nhiều địa hình và khí hậu khác nhau. Điểm khác nhau là:

Cây dổi thực sinh được ươm từ hạt. Có thể ra hoa đậu quả sau 6 – 8 năm trồng. Nếu đất cằn, thời gian thu quả có thể chậm hơn. Tỷ lệ đậu quả đạt khoảng 95-98%, vẫn có cây không ra quả. Tuổi thọ cây có thể lên đến vài trăm năm. Chiều cao tối đa cây có thể lên đến 30m. Cây giống thực sinh giá rẻ hơn; vốn đầu tư thấp hơn.

Cây dổi ghép là cây có gốc thực sinh được ghép mắt từ những cây đã sai quả, sản lượng ổn định. Với những cây giống này, chỉ trồng 2,5 đến 3 năm là người trồng có thể được thu quả. Nếu đất nghèo dinh dưỡng, thời gian có thể lên 4 năm. Với cây giống này, tỷ lệ đậu quả là 100%. Tuy nhiên, cây dổi ghép chỉ có chiều cao khoảng 5 – 7m nên thu được ít gỗ. Tuổi thọ cây từ 25 – 30 năm.

Ngoài ra, sản lượng hạt của hai loại cây dổi thực sinh và dổi ghép cũng khác nhau. Cây thực sinh trong những năm đầu thu hoạch quả sẽ nhỏ, không được đẹp và thu hoạch được ít so với dổi ghép.

Tùy mục đích đầu tư, bạn có thể chọn cây dổi thực sinh hay cây dổi ghép để đạt được hiệu quả kinh tế như mong đợi.

Quả dổi. Ảnh: Minh Ngọc

Chuẩn bị đất trồng

Giổi xanh được trồng ở những nơi có nhiệt độ không khí trung bình năm từ 20 đến 25oC. Lượng mưa trung bình năm 1500-2500 mm.

Cây phân bố ở các vùng đồi núi có độ cao dưới 700m so với mực nước biển trong các rừng lá rộng thường xanh. Giổi xanh ưa đất sâu ẩm, tốt, thoát nước. Nó mọc trên nhiều loại đất feralit phát triển trên gnai, micasit, phiến thạch sét, phiến thạch mica, macma axit.

Chúng thường sống hỗn giao với các loài như lim xẹt, ràng ràng mít, re, ngát (ở miền Bắc) hoặc với xoay, thông nàng, trám, vạng, giẻ (ở Tây Nguyên).

Cây ưa sáng, sinh trưởng tương đối nhanh, tái sinh hạt tốt. Cây non chịu bóng nhẹ.

Giổi xanh được trồng ở rừng nghèo kiệt (IIIa1), rừng non phục hồi (IIa) hay đất trảng cây bụi có cây gỗ rải rác.

Kỹ thuật trồng

Kỹ thuật trồng theo băng phù hợp với những khu rừng nghèo dinh dưỡng; khu rừng non mới phục hồi hoặc rừng thiếu tái sinh. Băng làm theo đường đồng mức với địa hình có độ dốc lớn hơn 15 độ hoặc theo hướng Đông – Tây. Hố trồng cây có kích thước 40x40x40 cm cần được đào trước khi trồng 1 tháng và lấp hố trước khi trồng 10-15 ngày. Trên mỗi băng trồng 1 hàng cây, cách nhau 4m.

Kỹ thuật trồng theo đám phù hợp để áp dụng trên quần thể rừng có diện tích đám trống tối thiểu là 200m2. Trong các đám trống, lớp thực bì cần được phát sát đến gốc; sau đó dọn ra ngoài hoặc băm nhỏ. Rừng xung quanh đám trống phải được chặt bỏ cây dây leo; cây tán lớn ảnh hưởng đến diện tích dổi sẽ được trồng. Hố cần đào trước 1 tháng với kích thước 40x40x40cm; lấp hố trước khi trồng 10-15 ngày. Cây trồng cách đều cự li 4m.

Kỹ thuật trồng rừng dổi quy mô kinh doanh gỗ lớn được áp dụng đối với đất rừng sau khai thác hoặc với trảng cây bụi phục hồi sau nương rẫy. Chúng ta có thể trồng hỗn loài dổi với keo lá tràm; keo lai. Cách trồng là cứ 1 hàng dổi lại đến 1 hàng keo. Khu vực đất có độ cao hơn 15 độ nên làm luống theo đường đồng mức. Nơi đất bằng có thể làm rạch trồng theo hướng Đông Tây.

Việc quan trọng cần làm cũng là phát sạch và băm vụn thực bì. Hố trồng cây ở địa hình bằng phẳng kích thước 60x60x60 cm; ở địa hình dốc là 40x40x40cm. Nguyên tắc vẫn là đào hố trước 1 tháng và lấp hố trước 15 ngày trồng cây dổi.

Chăm sóc

Năm thứ nhất: Phát quang thực bì, cỏ dại và dây leo xâm lấn sau khi trồng khoảng 3 tháng. Kết hợp với việc làm cỏ cũng cần xới đất xung quanh gốc cây khoảng 1m.

Năm thứ hai: Mỗi năm cần chăm sóc 3 lần. Vụ Xuân phát cây leo bụi; đầu mùa mưa vun gốc phạm vi 1m và bón phân NPK(5:10:3) lượng bón 200g/ cây; cuối mùa mưa phát quang thực bì dây leo, cây bụi.

Năm thứ ba: Cây dổi cần chăm sóc 2 lần. Lần đầu vào vụ đầu Xuân cần phát quang thực bì; dây leo và cây bụi xâm lấn. Lần thứ 2 làm những việc trên kết hợp xới gốc và bón NPK.

Cây trồng được 2 – 3 năm, nếu các cây trồng xen phát triển làm ảnh hưởng đến cây dổi, người trồng cần điều chỉnh lại mật độ các cây xen canh này.

Từ năm thứ 4, chỉ cần chăm sóc mỗi năm 1 lần bao gồm các việc: phát dây leo và cây bụi; bỏ cây sâu bệnh; chặt bỏ những cây tán lớn không mục đích.

Hạt dổi. Ảnh: Minh Ngọc

Phòng trừ sâu bệnh

Thường có 2 loại sâu hại: Sâu đục nõn và sâu ăn lá cả ở vườn ươm và ngoài rừng trồng.

Xén tóc: Ấu trùng xén tóc đục thân, xén tóc trưở thành gặm vỏ, làm gãy cành, giảm sinh trưởng và làm chết cây.

Sâu đục thân: Sâu non đục ngọn làm gãy ngọn, giảm sinh trưởng của cây.

Cách phòng trự hữu hiệu nhất là thường xuyên kiểm tra và bắt sâu vào buổi sáng. Ngoài ra còn có thể dùng hoá chất thông thường.

Phòng chống mối: (Dùng LORSBANE-50EC hoặc SUMICIĐINE-20EC) 4 lít thuốc pha tỷ lệ 70 lít nước-phun vào hố trước khi trồng 10 – 15 ngày.

Phòng chống dế: Dùng bả gồm 90% cám gạo rang + 10% phân ngựa, bò khô + 11/000 BAĐAN-95 sp, vê viên băng hạt đậu tương, rắc mỗi gốc 2 viên sau khi trồng

Thu hoạch và sơ chế bảo quản

Có thể thu quả dổi bằng cách nhặt quả quanh gốc hoặc dùng sào chọc cho quả rụng xuống. Quả phơi khô tách hạt bảo quản nơi khô ráo, khi sử dụng thì rang chín xay nhỏ./.

Minh Ngọc (t/h)

Bài viết khác
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?