Thứ Tư, 30/10/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà rốt

Thứ ba, 29/08/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 18 điểm ( 5 đánh giá )

Cà rốt là cây có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, được dùng để ăn tươi và chế biến thành sản phẩm hàng hóa.

Cây cà rốt. Ảnh: internet

1. Thời vụ gieo trồng:

Cà rốt được gieo trồng từ tháng 8 đến đầu tháng 2 năm sau; thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau; và có thể phân ra thành 3 trà như sau:

- Trà sớm gieo hạt từ: đầu tháng 8-15/10, cho thu hoạch từ tháng 11;

- Trà chính vụ gieo hạt từ: 16/10-15/12, thu hoạch xung quanh tết âm lịch;

- Trà muộn gieo hạt từ: 16/12 đến 30/01 năm sau, thu hoạch đến tháng 5.

2. Giống:

Có rất nhiều giống, tuy nhiên hiện nay nông dân tại 2 xã Cẩm Văn và Đức Chính (huyện Cẩm Giàng) và các vùng phụ cận trồng chủ yếu 2 giống cà rốt lai là: Super VL-444 F1 và Ti-103 của hãng TAKII SEED (Nhật Bản). Giống này có thời gian sinh trưởng từ 100-130 ngày. Năng suất trung bình đạt 1,5 tấn/sào, cao hơn có thể đạt 3 tấn/sào.

3. Kỹ thuật làm đất:

- Nên chọn đất bãi bồi ven sông là đất thịt nhẹ, đất cát pha hoặc đất phù sa để trồng cà rốt là tốt nhất. Đất phải được dọn sạch cỏ dại, sau đó cày bừa kỹ, phay nhỏ, san phẳng rồi lên luống. Chiều rộng của luống từ: 85-90cm (trà sớm) và 80-85cm (trà chính vụ và trà muộn); độ cao từ: 20-25cm; rãnh rộng từ: 25-30cm.

- Sau khi san phẳng mặt luống, kẻ 3 hàng trên mặt luống theo chiều dọc và sâu khoảng 5cm, hàng cách hàng từ 13-15 cm. (Nếu gieo bằng máy thì máy tự kẻ hàng).

4. Phân bón

* Lượng phân bón:

- Sử dụng phân chuồng, phân gà, phân bắc đã ủ mục; liều lượng từ: 4-6 tấn/ha hoặc 1,5 – 2,2 tạ/sào; có thể thay thế phân chuồng bằng phân hữu cơ vi sinh;

- Phân lân (supe Lâm Thao): 25-30 kg/sào;

- Phân đạm urê (40%): 6-8 kg/sào;

- Phân ka ly (60%): 5-6 kg/sào.

Có thể dùng phân NPK để bón thay thế cho phân đơn song phải tính toán sao cho từng giai đoạn với tỷ lệ NPK cho phù hợp.

* Cách bón:

- Cây cà rốt là cây lấy củ nên cần bón phân sớm, bón tập trung và bón cân đối; hạn chế bón đạm, nhất là bón đạm muộn; không nên phun các chất kích thích sinh trưởng. Cụ thể cách bón và liều lượng bón như sau:

- Trộn toàn bộ phân chuồng ủ mục hoặc phân vi sinh với phân lân supe Lâm Thao rồi đem bón lót bằng cách rắc đều trên mặt luống, nếu lượng phân ít có thể chỉ rắc theo 3 đường kẻ trên mặt luống;

- Bón thúc lần 1 khi cây có lá thật (xoay lá); sử dụng phân đạm từ 1-1,5 kg/sào; hòa đạm loãng vào nước rồi tưới đều cho cây (tưới bằng doa);

- Bón thúc lần 2 sau khi tỉa cây sơ bộ (khi cây có 3-4 lá thật); bón đạm ure với lượng 2kg/sào;

- Bón thúc lần 3 sau khi tỉa định cây lần cuối (rễ đã phát triển to bằng que đan); bón đạm urê: 3 kg/sào; ka ly: 2- 3 kg/sào (tưới đạm, kaly riêng);

- Bón thúc lần 4 sau khi củ đã hình thành; bón ka ly từ: 3-4 kg/sào. Căn cứ vào thời tiết, chất đất, sinh trưởng cây trồng để quyết định lượng đạm bón cho phù hợp hoặc chỉ bón (tưới) dặm những chỗ cây có biểu hiện thiếu đạm. Nếu thừa đạm sẽ tốt lá mà không xuống củ; khắc phục bằng cách hạn chế tưới, cắt bớt lá già, lá gốc, lá sâu bệnh.

5. Gieo hạt:

- Lượng hạt: Trà vụ sớm gieo từ: 100-120g/sào; chính vụ: 100g/sào; vụ muộn: 70-90g/sào;

- Ngâm hạt trong nước từ: 8-10 tiếng, sau đem ủ từ: 1-3 ngày (tối rửa qua nước chua rồi ủ lại). Ủ hạt nên áp dụng ở vụ muộn do nhiệt độ thấp nên hạt rất khó nở; để hạt nhanh nở có thể vùi hạt trong tro ấm hoặc để cạnh bếp. Có thể ủ từ: 5-7 ngày khi hạt nhú rễ ra là được;

- Trước khi đem gieo, tãi hạt cho gần khô sau đó trộn hạt với đất bột trắng (phấn) hoặc vôi tả (vôi bột) để dễ nhận biết khi gieo hạt;

- Hạt có thể gieo bằng máy hoặc gieo bằng tay (gieo theo kiểu bỏ hốc, hốc cách hốc là 3cm; mỗi hốc từ: 1-2 hạt); nếu gieo bằng máy thì không nên ủ hạt có rễ dài, vì như vậy hạt sẽ xuống không đều. Khi gieo bằng máy, nên có người đi theo để dặm thêm vào những chỗ hạt xuống không đều.

6. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh:

* Phủ rơm, rạ:

- Phủ một lớp rơm, rạ mỏng trên mặt luống nhằm hạn chế đất bị đóng váng, (bề mặt bị lỳ do mưa, tưới); ảnh hưởng đến tỷ lệ nảy mầm đồng thời phủ rơm còn có tác dụng giữ ẩm, hạn chế cỏ dại và giữ cho cây không bị đổ khi còn nhỏ.

* Tưới nước:

- Sau khi phủ rơm, rạ xong nên tưới nhẹ bằng vòi sen, phun mưa hoặc thùng doa; đảm bảo cho độ ẩm của đất từ 84-90% để cho cây mọc đều và phát triển tốt. Nếu ruộng có tỷ lệ cát cao, kết hợp với thời tiết hanh khô thì phải tưới hàng ngày. Khi thời tiết có mưa nhỏ, mưa phùn thì không phải tưới.

- Giai đoạn cây con từ 3 lá đến tỉa định cây lần cuối: áp dụng phương pháp tưới rãnh (hạn chế tưới ẩm quá bề mặt -> củ ngắn);

- Giai đoạn phát triển củ cho đến trước khi thu hoạch: duy trì độ ẩm đất khoảng từ: 60-75%. Không được tưới rãnh, không được tưới quá ẩm, khi có mưa ruộng phải thoát nước và cũng không được để ruộng quá khô (vì để quá khô khi gặp mưa lớn, nước nhiều, ẩm độ cao sẽ gây nứt củ).

* Thuốc trừ cỏ:

Sau khi gieo hạt, phủ rơm - rạ, tưới nước từ 1- 3 ngày cho bề mặt đất ổn định mới phun thuốc trừ cỏ. Sử dụng thuốc với liều lượng: 25 ml thuốc Dual Gold 960EC hoặc 40-50 ml thuốc Ronstar 25EC; pha thuốc với 12-16 lít nước phun đều cho 1 sào. Để tăng hiệu quả trừ cỏ có thể hỗn hợp 2 loại thuốc trên nhưng liều lượng các loại thuốc phải giảm đi (vì thuốc Dual Gold có hiệu quả cao với đuôi phụng, cỏ 1 lá mầm; thuốc Ronstar lại có hiệu quả cao với cỏ rau, cỏ 2 lá mầm). Thuốc trừ cỏ Ronstar chỉ được phun trừ khi hạt cà rốt chưa mọc; còn khi hạt cà rốt đã mọc thì không được sử dụng.

* Nhổ, tỉa cố định cây:

- Khi cây mọc cao 4-5cm cần nhổ tỉa bỏ các cây mọc dày, không để 2 cây cùng 1 hốc, cây cách cây từ 7-8cm;

- Khi cây cao 7-10 cm, rễ đã to bằng que đan.., ta tỉa định cây lần cuối;

- Khi tỉa nhổ cây kết hợp dọn, nhổ bỏ cỏ dại.

* Phòng trừ sâu, bệnh

Cây cà rốt có rất nhiều đối tượng sâu, bệnh (dịch hại) gây hại:

- Ở giai đoạn đầu, giai đoạn cây con, cần chú ý: sâu hại rễ, bệnh lở cổ rễ và chuột hại. Ở giai đoạn phát triển thân lá: thường xuất hiện giòi hại lá, sâu khoang, sâu đo xanh, bệnh phấn trắng, bệnh nấm hạch, bệnh sương mai... Ở giai đoạn phát triển củ cho đến trước khi thu hoạch: cũng vẫn xuất hiện các đối tượng dịch hại như thời kỳ phát triển thân lá và bệnh thối đen, thối khô, thối nhũn. Ở giai đoạn này cần chú ý các bệnh về thối củ...

- Để phòng trừ các đối tượng dịch hại trên, nông dân nên sử dụng những loại thuốc đặc hiệu, ít độc, thân thiện với môi trường:

+ Đối với giòi hại lá nên sử dụng các loại thuốc có hoạt chất là Abamectin và Cyromazine;

+ Đối với sâu ăn lá có thể lựa chọn được rất nhiều loại thuốc có hoạt chất có tính đặc hiệu, ít độc như các dòng thuốc: Sinh học, thảo mộc, vi sinh, ức chế điều hòa sinh trưởng, dầu khoáng....;

+ Đối với nấm bệnh, cần chú trọng các biện pháp canh tác như: thời vụ, phân bón (đạm) và độ ẩm. Thuốc nên chọn thuốc có độ độc thấp, mang tính đặc hiệu như Valydamycin; Carbenzadim; Difenoconazole...

7. Thu hoạch:

Cây cà rốt có thời gian sinh trưởng từ 100-130 ngày. Căn cứ vào thời vụ và nhu cầu tiêu thụ trên thị trường, bà con tiến hành thu hoạch khi cà rốt đạt kích cỡ củ trung bình dài 18-22cm, đường kính 3-4 cm. Sau khi nhổ củ, cắt bỏ dọc, chọn lọc củ không mấu, tật, nứt, thối, thu gom đóng bao và tiêu thụ. Nếu thời tiết hanh khô có thể tưới ẩm trước khi nhổ từ 10-12 tiếng; để đất ẩm rễ nhổ (thu hoạch).

Thanh Hường (t/h)

Bài viết khác
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?