Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là những hủ tục lạc hậu hiện vẫn còn tồn tại, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực trạng này đã và đang là một trở ngại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tiến bộ của xã hội. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ luỵ đối với cá nhân, gia đình và xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực, dân số, việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Ảnh minh hoạ, nguồn internet
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật (điểm a, khoản 1, điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình quy định tuổi đủ kết hôn là: nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên). Hôn nhân cận huyết thống là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời (khoản 18, điều 3 của Luật hôn nhân và gia đình quy định những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm: cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba).
Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống hiện nay vẫn còn tồn tại trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho cá nhân, gia đình và xã hội. Ngoài những nguyên nhân xuất phát từ điều kiện cư trú, kinh tế, tập tục lạc hậu; còn do trình độ dân trí của người dân còn thấp, ít có điều kiện tiếp cận thông tin, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế, chưa hiểu hết những hệ lụy từ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; một số nơi chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là Luật Hôn nhân và gia đình; việc xử phạt các trường hợp tảo hôn chưa đủ sức răn đe… Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã gây ra những hậu quả xấu, ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi, chất lượng cuộc sống, là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo lạc hậu.
Hệ luỵ của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Về tảo hôn: Bản thân người tảo hôn người tảo hôn sinh sớm khi cơ thể chưa phát triển đầy đủ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người mẹ và con; đặc biệt là đối với những trường hợp sinh con dưới 15 tuổi nguy cơ tử vong cao hơn phụ nữ sinh con sau 20 tuổi. Những đứa trẻ có mẹ dưới 18 tuổi thường còi, thấp, nhẹ cân, thiểu năng trí tuệ, dễ bị chết non, khuyết tật tạo ra gánh nặng cho xã hội. Phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn phải nghỉ học dẫn đến tình trạng thiếu kiến thức xã hội, ảnh hưởng đến trí tuệ và thể chất. Đồng thời tảo hôn làm mất cơ hội tìm việc làm, năng suất lao động, sản xuất thấp, kinh tế gặp khó khăn dẫn đến đói nghèo, nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình; nhiều cặp vợ chồng phải chia tay sớm nên ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em. Tảo hôn gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dân số, tạo sức ép cho giáo dục và y tế.
Về hôn nhân cận huyết thống: Hôn nhân cận huyết thống là trái với quy định của pháp luật; do đó các cặp hôn nhân không được pháp luật thừa nhận luôn có tâm lý mặc cảm, thiếu tự tin trong cuộc sống. Trẻ sinh ra do hôn nhân cận huyết thống thường mắc các bệnh di truyền như: Bệnh tim mạch, mù màu, down (đao), bạch tạng, da vảy nến, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ; còi cọc, kém phát triển về chiều cao và cân nặng, giảm tuổi thọ,… làm tăng chi phí xã hội cho việc chăm sóc, điều trị các bệnh di truyền. Hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực, suy thoái nòi giống. Ngoài ra, hôn nhân cận huyết thống tác động xấu đến đạo đức, văn hóa truyền thống, các mối quan hệ dòng tộc, gia đình.
Một số mức xử phạt đối với hành vi vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp Hợp tác xã. Trong đó có nội dung quy định về xử lý vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cụ thể:
Đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn:
- Tại Điều 58, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính như sau: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.
- Đối với hành vi tảo hôn mức độ vi phạm nghiêm trọng có thể bị xử phạt hình sự về tội tổ chức tảo hôn hoặc tội giao cấu với trẻ em theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể: Tại Điều 183 quy định: Tội tổ chức tảo hôn: Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
Đối với hành vi vi phạm quy định về kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời: Tại điểm a, khoản 2, Điều 59, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa ba đời cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi 3 đời.
Huy Minh
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?