Thứ Tư, 30/10/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Hệ luỵ của hôn nhân cận huyết thống

Thứ ba, 05/03/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Theo tài liệu tuyên truyền giảm thiểu tình tạng tảo hôn hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số 2023, Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc, Hà Nội: Hôn nhân cận huyết thống, là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa nam và nữ có cùng dòng máu về trực hệ, hoặc giữa người nam và người nữ có họ trong phạm vi ba đời (là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha, khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba. Theo Luật Hôn nhân và gia đình quy định về các trường hợp cấm kết hôn, trong đó có “kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời).

Dưới góc độ xã hội, hôn nhân cận huyết thống không được ủng hộ bởi những ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với sức khoẻ các thế hệ con cháu. Dưới góc độ pháp lý, kết hôn cận huyết thống là vi phạm các điều kiện về hôn nhân. Mặc dù tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống không cao như tảo hôn nhưng hậu quả lại nặng nề, trong đó có vấn đề tử vong trẻ sơ sinh cao và nguy cơ thu hẹp quy mô dân số, gây suy thoái chất lượng giống nòi, ảnh hưởng đến nguồn lực con người để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số.

Những cặp kết hôn cận huyết thống dù khỏe mạnh nhưng khi kết hôn cận huyết có thể sinh ra những đứa con bị dị tật hoặc mắc các bệnh di truyền, trong đó có một số bệnh gây ra nguy cơ tử vong rất cao. Theo PGS.TS Bùi Thị Mai An, Trưởng khoa Huyết thanh học nhóm máu - Viện huyết học - Truyền máu Trung ương: Những đứa trẻ được sinh ra từ những ông bố, bà mẹ cận huyết thống có nguy cơ mắc các bệnh máu cao gấp 10 lần so với những trẻ bình thường khác. Điển hình của các bệnh máu này là Thalassemia (tan máu di truyền) và Hemophilia (rối loạn đông máu di truyền). Ngoài những bệnh lý về máu, hôn nhân cận huyết thống còn gây ra một số bệnh lý khác như mù màu, bạch tạng, da vảy cá... làm suy thoái chất lượng giống nòi và tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng khuyến cáo: Tỷ lệ tử vong ở thế hệ sau của những cặp vợ chồng cùng huyết thống là rất cao, gấp 3 lần so với những người bình thường. Còn tỷ lệ trẻ bị dị tật còn cao hơn nữa, gấp khoảng 5 đến 6 lần.

Khoa học và thực tế đã chứng minh hậu quả nhãn tiền và khốc liệt của thực trạng kết hôn cận huyết thống, những ảnh hưởng tiêu cực và lâu dài mà nó mang lại đối với thế hệ sau và gia đình là dễ nhận thấy: Những đứa trẻ sinh ra có tuổi thọ không cao, sức đề kháng kém, có thể sống mòn vì những di chứng từ hôn nhân cận huyết thống. Người vợ dễ bị vô sinh, sảy thai; con cái thường xuyên đau ốm. Chi phí y tế sẽ là gánh nặng suốt đời đeo bám gia đình người bệnh. Những hệ lụy này gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và đời sống hạnh phúc gia đình của những cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống.

Các tộc người ở Việt Nam có cách xưng hô giữa những người có quan hệ họ hàng với nhau phụ thuộc vào thứ bậc và quan hệ gần gũi xét về mặt huyết thống. Các đại từ nhân xưng thể hiện sự tôn trọng, tính nề nếp và sự giáo dục trong mỗi gia đình. Việc kết hôn cận huyết thống khiến trật tự các mối quan hệ gia đình bị đảo lộn gây ra sự lúng túng trong xưng hô, giao tiếp cũng như ảnh hưởng tới các chuẩn mực đạo đức truyền thống.

Việc nghiêm cấm kết hôn giữa những người có cùng dòng máu trực hệ là nhằm ngăn chặn những hậu quả xấu do hôn nhân cận huyết thống gây ra; duy trì sự phát triển về thể lực, trí tuệ của các thế hệ sau; bảo tồn những giá trị truyền thống, đạo đức tốt đẹp trong gia đình các tộc người, tránh việc xâm phạm đến thuần phong, mỹ tục được bồi đắp từ ngàn đời nay của dân tộc đặc biệt là những giá trị đạo đức thể hiện nét đẹp văn hóa trong gia đình Việt Nam.

Vì vậy, hôn nhân cận huyết thống gây nên những hệ lụy trước mắt và lâu dài rất nghiêm trọng: làm suy giảm sức khỏe của thế hệ con cháu, gây suy thoái giống nòi, ảnh hưởng xấu tới quy mô và chất lượng dân số; gia tăng tỷ lệ bệnh tật, đói nghèo, thất học, gây những khó khăn về nhiều mặt cho gia đình và xã hội: ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Hồng Vân (t/h)

Bài viết khác
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?