Thứ Tư, 30/10/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Chăm sóc trâu bò vụ mùa Đông Xuân

Thứ năm, 12/10/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Chăm sóc tốt đàn trâu bò, đặc biệt là mùa đông xuân không chỉ đảm bảo cho gia súc phát triển tốt, đảm bảo sức cày kéo mà còn phòng chống được nhiều loại dịch bệnh dễ bị xảy ra trong thời gian này.

Chăm sóc trâu mùa Đông Xuân: Ảnh minh hoạ (nguồn internet).

Do vụ đông xuân có nhiệt độ thấp nhất trong năm, thường xảy ra rét đậm, rét hại, số trâu bò được sử dụng trong cày kéo bị xuống sức nhanh nếu không được chăm sóc tốt dễ dẫn đến bị đổ ngã. Đây cũng lúc dễ tạo điều kiện cho các loại dịch bệnh xâm nhập và bùng phát gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nông dân. Nông dân cần chú ý chăm sóc, phòng bệnh tốt đàn trâu bò bằng cách tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin thiết yếu nhằm giúp cho con vật tạo được những kháng thể chống đỡ với các loại bệnh truyền nhiễm.

Khi nhiệt độ xuống thấp, chăn thả trâu bò muộn hơn về buổi sáng và buổi chiều về chuồng sớm hơn so với những ngày thời tiết ấm áp. Đối với bê, nghé, trâu bò gầy yếu nên sử dụng bao tải có phủ nilon ở ngoài buộc vào quanh mình chúng để hạn chế tác động của mưa và gió lùa.

Ban đêm, khi trời lạnh có thể dùng trấu, rơm, cỏ khô úm trong nền chuồng, một mặt để sưởi ấm cho trâu bò, mặt khác để hạn chế muỗi. Đối với trâu bò cày kéo, không nên cho trâu bò làm việc vào những ngày rét đậm, không nên khai thác cày kéo quá sức, thường xuyên bổ sung thêm thức ăn tinh bột như bột sắn, bột khoai, cám….để cho chúng phục sức nhanh sau một ngày cày kéo.

Chuồng trại cho trâu bò đảm bảo thoáng mát về mùa hè và ấm về mùa đông, tránh gió lùa. Nền chuồng phải có chất độn khô ráo đủ ấm. Mái chuồng phải được tu sửa tránh bị dột nước khi trời mưa. Vào ban đêm không được buộc trâu bò ở gốc cây, bờ rào hoặc thả rông quanh nhà làm cho trâu bò bị tiêu hao nhiều năng lượng cho việc chống rét.

Dự trữ sẵn thức ăn khô đầy đủ để cho trâu bò ăn thêm vào ban đêm hoặc những lúc trời rét không chăn thả, đồng thời phải bổ sung lượng thức ăn tinh, cho trâu bò uống nước ấm có pha thêm một lượng muối nhỏ. Tẩy giun sán hay nội, ngoại ký sinh trùng định kỳ cho gia súc bằng các loại thuốc.

Thực tế hiện nay ở nhiều vùng gò đồi, nông dân đang có thói quen thả rông trâu bò. Do đó, chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện quản lý, chăm sóc đàn trâu bò để đảm bảo cho gia súc sinh trưởng và phát triển tốt, không phá hoại hoa màu, rừng trồng, các công trình xây dựng nhỏ, đặc biệt là để cho trâu bò đủ sức đề kháng chống lại các loại dịch bệnh.

Có quản lý và chăm sóc tốt đàn trâu bò sẽ phát hiện sớm mầm bệnh để kịp thời điều trị, không để bệnh bùng phát thành dịch lây lan trên diện rộng gây hậu quả nghiêm trọng. Chăm sóc tốt đàn trâu bò là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Phòng chống rét cho trâu bò

Vào mùa đông, những đợt rét đậm kéo dài thường ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của đàn gia súc. Để chủ động đối phó và giảm thiểu thiệt hại, người chăn nuôi nên kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống và phương pháp hiện đại để phòng chống rét cho trâu, bò.

Chủ động thức ăn thô xanh

Cần chuẩn bị thức ăn ủ chua (rơm ủ xanh; dây khoai lang; ngọn, lá sắn; thân, lá chuối; dây lạc; thân, lá ngô ủ chua ngay sau khi thu hoạch…), thức ăn phơi khô (rơm, rạ, cỏ khô, bột lá rau các loại…) từ đầu mùa đông. Nên xây hầm ủ phù hợp với nhu cầu của đàn gia súc và dựng kho chứa thức ăn khô đủ cho cả đàn ăn trong 3 – 4 tháng.

Tăng lượng thức ăn tinh trong khẩu phần

Để giúp trâu, bò tăng sức chịu đựng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhất là trong thời gian dài, người chăn nuôi cần chú ý bổ sung thêm thức ăn tinh như cám gạo, bột ngô, bột hoặc sắn lát, cháo muối, cháo ngũ cốc hòa đường. Cho trâu, bò uống nước ấm, nước muối, nước gừng, các loại đá liếm, bột xương… Có thể cho trâu, bò ăn các loại lá, củ, quả cây có dược tính nóng ấm.

Nâng cấp chuồng trại và chuyển đổi phương thức chăn nuôi: Hạn chế việc chăn thả rông trâu, bò trong những ngày trời lạnh. Xây dựng chuồng trại theo hướng kiên cố để chăn nuôi ổn định, lâu dài. Nên xây chuồng theo hướng Đông Nam, tránh gió lùa, mưa tạt và bị nắng chiếu lâu. Chuồng có hệ thống thoát chất thải, nền luôn khô ráo, sạch sẽ, có chất độn chuồng sạch, không trơn trượt, ẩm mốc.

Khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 12 độ C, không nên chăn thả và sử dụng sức kéo của trâu, bò. Cung cấp thức ăn tại chuồng. Gia cố chuồng trại như dùng bạt dứa, tấm nylon lớn hoặc các vật liệu khác để che kín chuồng. Thắp bóng điện công suất lớn, ủ trấu, đốt lửa, dùng máy sưởi trong chuồng. Nên mặc áo rơm, áo bao tải đay, bao tải dứa, chăn len, chăn bông cho trâu, bò.

Phòng dịch

  Cách ly, chăm sóc tốt trâu, bò yếu, ốm trong những ngày giá rét; tăng cường vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Đảm bảo vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, định kỳ phun thuốc khử trùng 2 – 3 tuần/lần để hạn chế mầm bệnh phát triển.

  Triển khai tiêm phòng đầy đủ vắc-xin chống các bệnh truyền nhiễm như dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, nhiệt thán, suyễn,…

  Dùng các biện pháp Đông y

  Mồi lửa vào một số huyệt để tăng cường sức đề kháng, chịu lạnh cho trâu, bò. Xoa bóp, day bấm huyệt đạo cũng có tác dụng tích cực trong phòng chống rét, đói cho trâu, bò trong mùa lạnh.

Hồng Vân (t/h)

Bài viết khác
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?