Dê là loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng, có hàm lượng đạm cao. Thị trường tiêu thụ rộng lớn kéo theo nghề nuôi dê ngày càng phát triển. Nuôi dê nếu nuôi nhốt nên phối hợp nhiều loại thức ăn trong ngày. Các loại thức ăn bị nhiễm bẩn, ôi thối hoặc bị gia súc dẫm đạp bị nát không nên cho dê ăn.
Dê con. Ảnh minh hoạ (nguồn internet)
1. Chăm sóc dê đực giống
Dê đực giống được nuôi nhốt tách riêng ở một ô chuồng riêng về một phía của chuồng để tránh dê đánh nhau và quản lý tốt công tác phối giống. Thông thường 1 dê đực nặng 50 kg 1 ngày cho nó ăn 4kg cỏ xanh 1,5kg lá cây giàu protein 0,4kg thức ăn tinh. Nếu muốn phối giống 2 lần ngày cho ăn thêm 0,3kg rau rá hoặc 1-2 quả trứng gà. Luôn chú ý bổ xung đủ khoáng đa và vi lượng cho dê bằng cách làm tảng đá liếm cho dê ăn thường xuyên. Thường xuyên cho dê đực vận động tuần 2 lần cùng với việc tắm chải khô cho dê. Có sổ theo dõi hiệu quả phối giống của từng đực giống để quản lý giống và tránh quá khả năng sản xuất của chúng. Khi hiệu quả phối giống của dê đạt dưới 60% và tuổi quá 6 năm thì con dê đó nên được thải loại. (không cho tự do tiếp súc với dê cái động dục).
2. Chăm sóc nuôi dưỡng dê cái sinh sản
a- Dê cái mang thai:
Sau khi phối giống theo dõi nếu đến chu kỳ động dục bình thường (21-23 ngày) mà không thấy dê động dục trở lại là có thể dê đã thụ thai. Thời gian mang thai của dê trung bình là 150 ngày (dao động từ 145-157 ngày) vì vậy phải chuẩn bị đỡ đẻ cho dê từ trước 140 ngày.
Khi có chửa nhu cầu dinh dưỡng của dê tăng dần lên đặc biệt ở 2 tháng cuối cùng. Khi dê cái mang thai dê chịu khó kiếm ăn hơn, phàm ăn hơn bình thường, biểu hiện ở thể trạng bên ngoài lông mượt tăng cân. Cần đáp ứng đủ số lượng và chất lượng thức ăn để dê nuôi thai tốt và có đủ lượng sữa để nuôi con sau đẻ, đồng thời hồi phục cơ thể nhanh sau đẻ.
Không chăn dê quá xa chuồng và tránh dồn đuổi, đánh đập dê, tuyệt đối không nhốt dê đực giống trong đàn cái đang chửa.
Dự tính ngày dê đẻ để chuẩn bị trực, chủ động đỡ đẻ và chăm sóc dê con sơ sinh được chu đáo.
b- Dê đẻ
- Dê sắp đẻ nên nhốt riêng từng con ở chuồng đã được vệ sinh tiêu độc khô, sạch, kín ấm và yên tĩnh.
- Trước khi đẻ 7-10 ngày nên nhốt dê mẹ ở nhà có cũi lồng riêng để theo dõi và chuẩn bị đỡ đẻ cho dê
- Có người trực dê đẻ, chuẩn bị cũi, lót ổ bằng rơm rạ mềm khô cho dê con sau khi sinh và các loại dụng cụ như cồn iốt, giẻ lau, kéo, chỉ để cắt rốn cho dê sơ sinh.
- Dê sắp đẻ có những biểu hiện: Dê khó chịu, đi đái luôn, bầu vú và âm hộ sưng đỏ, bụng sa, bầu vú căng, ở âm hộ có dịch đặc chảy thành dòng và xuất hiện bọc nước ối là dê sắp đẻ. Khi nước ối vỡ ra là dê đẻ. Bình thường thai sẽ được đẩy ra từ từ theo nhịp rặn của dê mẹ. Thời gian dê đẻ xong từ 1-4 giờ tuỳ theo số lượng thai và vị trí thai.
- Nếu dê con đang ra mà bị kẹt, khó đẻ, dê mẹ thường kêu la thì cần được hỗ trợ bằng cách đưa tay đã sát trùng vào đẩy, chỉnh thai theo chiều thuận, khi lôi thai ra cần cẩn thận, hai tay nắm phần thân phía ngoài kéo nhẹ ra theo nhịp rặn của dê mẹ.
Điều quan trọng trước khi can thiệp là xác định đúng vị trí ngôi thai hiện tại để có biện pháp xử lý theo đúng kỹ thuật
- Khi dê con ra được ngoài, dê mẹ tự liếm con, song vẫn phải lấy khăn sạch, mềm, khô lau hết nhớt từ miệng, mũi, tai, mình, 4 chân của dê cũng vuốt sạch máu từ cuống rốn trở ra phía ngoài, dùng dây chỉ chắc thắt chặt cuống rốn cách bụng khoảng 3-4cm, dùng dao sắc hay kéo cắt cuống rốn phía ngoài 1-1,5cm rồi sát trùng bằng cồn iốt 5% hoặc dung dịch Xanh Methylen. Sau khi đẻ hết con (khoảng 30 phút đến 4 giờ) nhau sẽ ra. Trường hợp đẻ khó hoặc sau đẻ 4 giờ mà nhau vẫn chưa ra thì mời cán bộ thú y can thiệp. Dê mẹ đẻ xong cho uống nước ấm có pha muối 0,5% hoặc nước đường 5-10%. Hàng ngày cho dê mẹ ăn thức ăn thô, xanh non, thức ăn tinh chất lượng tốt theo khẩu phần xác định. Không cho dê mẹ ăn quá nhiều thức ăn tinh và củ quả để tránh dê bị chướng bụng đầy hơi.
- Rửa sạch bầu vú và âm hộ, vệ sinh khô sạch nơi dê vừa đẻ. Cho dê con bú sữa đầu hay vắt sữa đầu cho dê con bú càng sớm càng tốt.
c- Dê nuôi con
Nuôi dưỡng tốt chăm sóc chu đáo, dê trong thời kỳ nuôi con nhằm tăng sản lượng sữa cho con bú và giúp dê mẹ mau chóng hồi phục lại sức khoẻ. Cung cấp thức ăn tinh, xanh cho dê đảm bảo đủ tiêu chuẩn và nhu cầu của dê. ưu tiên cho dê mẹ ăn thức ăn thô xanh non, ngon chất lượng tốt, bổ sung thêm thức ăn tinh, củ quả cho dê mẹ với lượng từ 300-500g/con/ngày.
Cho uống nước sạch thoả mãn yêu cầu nước sạch có đầy đủ ở các máng trong chuồng và ngoài sân chơi. Bổ xung thường xuyên premix khoáng cho dê 0,5kg/tháng/con trong suốt thời gian nuôi con, bằng cách trộn vào thức ăn tinh và làm tảng khoáng treo lên thành chuồng hoặc cho muối, khoáng vào ống tre treo lên thành chuống cho dê liếm.
Theo dõi sự thay đổi khối lượng của dê mẹ 1-2 tháng đầu dê mẹ sẽ sụt trọng từ 5-7% nhưng từ giữa tháng thứ 2 dê sẽ hồi phục dần và ổn định khối lượng. Nếu nuôi dưỡng không tốt, thiếu khoáng, dinh dưỡng và năng lượng sẽ đẫn đến hao hụt khối lượng của dê mẹ, sự hồi phục chậm, kéo dài thời gian động dục lại sau đẻ, hơn nữa dê yếu dễ mắc bệnh.
d-Chăm sóc dê vắt sữa
Dê vắt sữa phải được nuôi dưỡng trong môi trường yên tĩnh trước và trong suốt thời gian vắt sữa. Khẩu phần ăn giầu đạm, đảm bảo đủ dinh dưỡng, khoáng và vitamin. Trong thời gian khai thác sữa không nên thả dê đi quá xa, vào nơi nhiều gai làm xây xát bầu vú... Không nên nuôi dê vắt sữa gần dê đực trưởng thành tránh mùi dê đực làm nhiễm mùi và hỏng sữa.
Huy Hoàng (t/h)
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?