Thứ Năm, 21/11/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Cảnh giác với dấu hiệu buôn bán người

Thứ năm, 25/01/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Hiện nay, tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp đặc biệt ở vùng biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, đối tượng nạn nhân cũng mở rộng không chỉ còn là phụ nữ, trẻ em mà cả nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng…

Những dấu hiệu cảnh báo buôn bán người:

1. Ăn mặc không thích hợp cho lộ trình du lịch

Bạn có thể nhận biết ngay với những trường hợp một khách du lịch có quá ít hoặc không có vật dụng cá nhân. Họ có thể được mặc quần áo sai kích cỡ, hoặc không thích hợp với thời tiết trên hành trình du lịch.

2. Có một hình xăm mã vạch

Trong nhiều trường hợp, bọn buôn người sẽ thể hiện quyền “sở hữu” với các nạn nhân bằng cách xăm một hình xăm mã vạch hoặc hình xăm “Daddy” hay thậm chí một lá cờ lên cơ thể của họ.

3. Không thể cung cấp chi tiết về vị trí xuất phát, điểm đến hoặc các thông tin chuyến bay

Những kẻ buôn người thường không nói cho các nạn nhân biết địa điểm họ đang ở, vị trí họ sẽ đến, thậm chí cả công việc mà họ sắp có.

Do không có khả năng chi trả cho nhà ở và lương thực, các nạn nhân phải dựa vào những kẻ buôn người. Điều này khiến họ nằm trong sự kiểm soát của chúng.

4. Thông tin liên lạc như một kịch bản

Đôi khi kẻ buôn người sẽ huấn luyện cho những nạn nhân nói những cố định định khi trò chuyện với người khác để tránh sự nghi ngờ. Họ nói những câu chuyện quá “kịch bản”, cứng nhắc để cố gắng che giấu lý do thực sự về việc xuất cảnh.

5. Không thể di chuyển tự do trong sân bay hay trên máy bay

Những người bị buôn bán làm nô lệ đôi khi bị canh gác hoặc theo dõi chặt chẽ. Kẻ buôn người sẽ cố gắng đảm bảo rằng các nạn nhân không chạy trốn, hoặc tiếp cận với chính quyền để tìm sự giúp đỡ.

 6. Sợ nói về bản thân với những người khác

Đe dọa là một trong số những biện pháp mà bọn buôn người sử dụng để kiểm soát các nạn nhân. Những kẻ buôn người thường xuyên ngăn chặn các nạn nhân giao tiếp với người khác để họ không nói điều gì đó gây nghi ngờ.

7. Buôn bán trẻ em

Một đứa trẻ bị bán để lạm dụng tình dục thường có những dấu hiệu ảnh hưởng từ rượu hoặc ma túy. Những đứa trẻ này có thể xuất hiện với cơ thể bị suy dinh dưỡng hoặc có dấu hiệu lạm dụng thể chất cũng như tình dục, chẳng hạn như vết bầm tím, sẹo hay vết bỏng thuốc lá.

Để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, trước hết bản thân mỗi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để tội phạm hoạt động.

Hãy tham khảo ý kiến của mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết mình sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa. Đặc biệt, người dân, nhất là nhóm trẻ tuổi cần cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Luôn đặt nghi vấn trước những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có.

Người dân cũng nên cảnh giác, từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết. Trước khi nhận lời mời, mỗi người cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người đi cùng mình như thế nào. “Hãy tham khảo ý kiến của mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết mình sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa” - Bộ Công an khuyến cáo.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng nhấn mạnh việc cần thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị mua bán.

Một trong những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả là luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân… để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, mỗi người nên tuyên truyền cho người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm mua bán người.

Theo Bộ Công an, dưới góc độ quản lý, các cơ quan, tổ chức cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Nhất là tập trung vào nhóm có nguy cơ cao trở thành nạn nhân để có các biện pháp, hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng. Nội dung tập trung tuyên truyền chủ yếu là chính sách pháp luật về phòng chống mua bán người, phương thức, thủ đoạn của tội phạm, kỹ năng phòng ngừa phát hiện… để nâng cao nhận thức, chủ động phòng tránh để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Về phía nhà trường, các cơ sở giáo dục cần quản lý chặt chẽ việc học tập và các hoạt động khác của học sinh, sinh viên, học viên. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục ngoại khóa về phòng chống mua bán người phù hợp với từng cấp học, ngành học; phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống mua bán người.

Tiến Quang (t/h)

 

Bài viết khác
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?