Chủ Nhật, 22/12/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Biện pháp phòng tránh lũ quét

Thứ năm, 05/09/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 6 điểm ( 2 đánh giá )

Lũ quét là hiện tượng thiên nhiên nguy hiểm thường xảy ra ở vùng núi cao, có độ dốc lớn. Lũ thường đến từ những cơn mưa dông, bão nhiệt đới hay các khu vực có lượng lớn băng tuyết tan một cách đột ngột. Ngoài ra, lũ còn được hình thành từ các lần xả lũ đập hay vỡ hồ thủy điện trên núi cao. 

Lũ quét có sức tàn phá rất lớn khi chứa nhiều vật thể rắn cùng khối lượng nước khổng lồ lao nhanh từ địa hình núi cao xuống địa hình thấp hơn. Đỉnh lũ thường xuất hiện chỉ từ 3-4h sau khi bắt đầu mưa. Tuy nhiên, thời gian lũ chỉ bằng ½ tớ ⅓ thời gian di chuyển của lũ thông thường. 

Lũ quét. Ảnh (inernet)

Các biện pháp phòng tránh lũ quét

Khơi thông lòng dẫn tăng khả năng thoát nước lũ

- Loại bỏ các chướng ngại tự nhiên, hay nhân tạo cản đường của dòng chảy lũ, phát quang cây cối trong lòng dẫn, làm sạch các loại vật liệu rắn chất đống trong lòng dẫn chặn ngang dòng chảy.

- Phá dỡ các công trình xây dựng không hợp lý, cải tạo hoặc bổ sung biện pháp công trình để tăng khả năng thoát lũ tại các cầu, đập,... Quy định phương thức khai thác vật liệu ven sông, dỡ bỏ vùng lấn chiếm lòng dẫn, bãi sông cản dòng chảy,...

- Các đặc tính, đặc trưng của lũ quét phải được tính đến trong xây dựng các công trình giao thông qua sông.

Xây dựng công trình ngăn lũ quét

- Việc áp dụng các công trình ngăn lũ quét (đê, đập, tường ngăn) trong phòng chống lũ quét còn rất mới và cần có thời gian nghiên cứu áp dụng thử nghiệm, vì tính chất lũ quét ở miền núi khác xa với lũ thông thường ở các vùng trung du và đồng bằng.

- Tham khảo một số phương pháp về phòng chống lũ quét, sạt lở do Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Nhật Bản là nước có nhiều kinh nghiệm chống đỡ với động đất, họ đề xuất biện pháp ngăn chặn các khu vực có nguy cơ lũ bùn đá bằng giải pháp xây đập ngăn. Hiện Tổng cục PCTT cũng đang đưa ra nghiên cứu đập Sabo để làm thử nghiệm. Việc làm thử nghiệm phải chọn được địa điểm phù hợp, dạng lũ quét phù hợp. Nếu thành công có thể sẽ áp dụng ở một số vùng có dạng lũ quét lặp lại nhiều lần.

Chống sạt lở đất đá trên sườn dốc

Các phương pháp phòng chống sạt lở đất trên sườn dốc được phân ra làm 2 loại:

- Phòng chống lũ quét, sạt lở đất: xây dựng các hệ thống thoát nước, trồng cây gây rừng, các công trình bảo vệ sườn dốc nhằm giảm ảnh hưởng của mưa xuống lưu vực. Chủ động di dời những vùng đất cao có nguy cơ bị sạt trượt.

- Giảm thiểu lũ quét, sạt lở đất: Củng cố thảm phủ bề mặt trên sườn dốc, duy trì các công trình tường ngăn,...

Xây dựng công trình, nhà ở có tường cách nước

Biện pháp này thường được sử dụng rộng rãi ở các khu dân cư, thị tứ nơi xảy ra lũ quét. Biện pháp cho phép sử dụng chính các tường nhà làm các con đê nhân tạo để ngăn sự tàn phá của lũ quét, giảm thiệt hại.

Việc thiết kế xây dựng các tường nhà trong mục đích này đòi hỏi những tính toán bổ sung tính tới tác động của dòng lũ bùn cát, tình trạng ngập nước... Các tường nhà có thể mỏng, nhưng có vách ngăn, ở giữa nhồi chặt các túi đất, cát, sét để gia tải khi cần thiết. Loại tường này có thể là biện pháp tạm thời để giảm vận tốc của lũ quét.

Biện pháp phân dòng lũ quét để giảm tính ác liệt

Phân lũ là biện pháp thay đổi lại sự phân bố theo không gian (thường là tập trung cao độ ở vùng thung lũng hạ lưu, cửa sông) nhờ dẫn một phần hoặc toàn bộ lưu lượng lũ quét (cả lỏng và rắn) đi theo một tuyến khác ra sông chính hoặc vùng trữ để không gây thiệt hại cho vùng bảo vệ ở thung lũng sông. Lượng lũ được dẫn tới sông, hồ hoặc đơn giản là lại trở về dòng sông của nó nhưng ở sau khu vực được bảo vệ.

Xây dựng bể chậm lũ, các khu trữ lũ để giảm tính ác liệt của lũ quét

Bản chất của biện pháp này là chọn các vùng trũng cô lập thường bị ngập lũ song gần sông chính, ngay thung lũng hoặc có thể nối với thung lũng bằng các kênh dẫn có cửa lấy nước thoát lũ được điều khiển theo yêu cầu. Các bể chứa chậm lũ có thể quây bằng đê. Các công trình đều có cửa thoát lũ thiết kế riêng phù hợp với yêu cầu thoát lũ quét ở cao độ mực nước hoặc lũ tần suất hiếm nào đó.

Hạn chế lũ quét bằng hồ chứa, đập kiểm soát

Xây dựng các hồ chứa đa mục tiêu: chống lũ, tích nước phục vụ sản xuất, phát điện kết hợp điều tiết lũ, phòng chống lũ quét. Đắp đập ngăn nước ở các khe suối, xây dựng hồ chứa nhỏ, vừa với nhiều kỹ thuật và biện pháp khác nhau trên cơ sở quy hoạch tổng thể những lưu vực có khả năng xuất hiện lũ quét cao, cần chú trọng bố trí tràn sự cố, kiểm tra điều kiện làm việc, an toàn các đập, hồ chứa.

Một số biện pháp công trình khác hạn chế, giảm lũ quét

Để loại trừ phần nào các đặc tính này có thể sử dụng một số loại biện pháp công trình nhằm lưu giữ, giảm bùn cát, vật chất rắn khác của lũ quét:

- Loại trừ các vật chất rắn có kích thước lớn trong lòng dẫn.

- Cản trở sự tập trung nhanh dòng nước - bùn cát vào lòng thung lũng, vùng trũng.

- Bẫy bùn cát.

- Để loại trừ bớt bùn đá của dòng lũ quét còn có thể dùng loại biện pháp công trình trong lòng dẫn dạng đơn giản.

- Lợi dụng đoạn cong của lòng dẫn để giữ bùn cát và phân chia dòng lũ quét bằng tường để giữ bùn đá.

Biện pháp phòng tránh sạt lở đất

Giải pháp đầu tư xây dựng các công trình với mục tiêu can thiệp vào môi trường tự nhiên hoặc hạn chế tối đa các hoạt động làm mất cân bằng tự nhiên (đặc biệt là trong quá trình xây dựng các công trình khai khoáng, giao thông, thủy điện, thủy lợi), nhằm giảm thiểu tối đa các nguyên nhân tiềm ẩn gây tai biến địa chất trên một phạm vi nhất định.

Tuy nhiên, các giải pháp công trình thường mang tính thụ động, nếu không được thiết kế, thi công cẩn thận và xem xét chúng trong mối tương quan hỗ trợ với các biện pháp khác thì sẽ không thể mang lại hiệu quả như mong đợi.

Có thể chia ra các nhóm công trình sau:

- Tiêu thoát nước, làm giảm ứng suất cắt và tăng sức chống cắt của đất.

- Bạt thoải mái dốc địa hình, hạ thấp độ cao mái dốc bằng cách giật cấp, tạo các đường cơ, đặc biệt là trong xây dựng hệ thống đường giao thông trên các đới vỏ phong hóa.

- Bảo vệ bề mặt mái dốc (trồng cỏ, sử dụng vật liệu địa kỹ thuật, xây phủ bằng bê tông,...), tăng cường bảo dưỡng các taluy sườn dốc hệ thống đường giao thông.

- Làm giảm lưu lượng và cản trở sự truyền lũ. Trong đó có thể xây dựng các hồ chứa nước trên lưu vực, nhằm mục tiêu điều tiết nước, hạn chế tập trung nước gây lũ quét, giữ lại một phần dòng chảy bùn rác, cắt đỉnh lũ cho hạ lưu trên lưu vực vào mùa mưa. Tuy nhiên, khi xây dựng các hồ này, nên tính tới hiệu quả kinh tế - xã hội, coi các công trình đó có thể phục vụ đa mục tiêu (chống lũ, chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản, phát điện, gián tiếp hạn chế nạn phá rừng thu hẹp tầng phủ...).

- Tăng khả năng điều tiết dòng chảy ở những vị trí có nguy cơ tắc nghẽn trên sông suối.

+ Gia cố tăng cường sự bền vững của đập nước, và bờ sông suối ở những vùng phát triển kinh tế - xã hội.

+ Bảo vệ rừng đầu nguồn và trồng cây nhằm gia tăng độ che phủ rừng trên bề mặt địa hình.

+ Xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, công trình thủy lợi, thủy điện, nhà ở,.. cần tính toán tới việc đầu tư đảm bảo tính kháng trượt, kháng lũ, kháng sụt, kháng chấn,...trong những giới hạn cho phép ở các khu vực phát triển kinh tế - xã hội có độ rủi ro cao về tai biến địa chất.

- Đối với các điểm trượt lở trong đá phong hóa dọc theo các vách taluy theo đường giao thông:

+ Tiến hành bóc bỏ lớp đá phong hóa có kết cấu yếu, kết hợp hạ độ dốc mái taluy; phân bậc mái dốc thành các cấp và kè đá kín bề mặt khối trượt để chống tác động phá hoại của nước mặt; xây dựng hệ thống rãnh thoát nước, các rãnh nghiêng phân bậc trên sườn dốc, nhằm hạn chế quá trình thấm nước.

+ Xây kè hộ chân mái núi hoặc kè hộ chân vách taluy âm. Kết hợp gia cố các khối đất đá bằng các công trình chắn đỡ và neo giữ - nhằm chống lại sự dịch chuyển của khối đất đá. Tại chân các khối trượt không ngập nước có thể xây tường chắn, kè chắn; phần chân khối trượt ở bờ sông hoặc ngập nước có thể xếp rọ đá, lồng đá kết hợp khoan cọc nhồi phun bê tông và xây kè chắn.

+ Tháo khô đất đá bị sũng nước - nhằm chặn nước dưới đất không thấm vào khu vực trượt lở đất, tháo dẫn nước dưới đất ra khỏi khu vực trượt lở đất và hạ thấp mực nước, áp lực của nước dưới đất trong khu vực trượt. Đồng thời kết hợp cải tạo tính chất đất đá - nhằm làm tăng độ cố kết của đất đá, giảm độ ẩm và độ thấm nước, tăng độ ổn định, sức chống trượt của chúng.

+ Bảo vệ thảm thực vật xung quanh và trên bề mặt khối trượt, kết hợp trồng cỏ (cỏ vetiver) trên thân trượt hạn chế xói lở bề mặt địa hình.

- Đối với các điểm trượt tịnh tiến: Tùy từng khối trượt có thể dùng nêm cố định khối trượt bằng cách khoan và cắm một mạng lưới các cọc bê tông- sắt vuông góc với bề mặt trượt (các cọc cắm sâu vào tầng đất đá ổn định tùy vị trí cụ thể) hoặc xây tường chắn ở chân khối trượt.

- Đối với trượt hỗn hợp quy mô lớn: Các điểm trượt hỗn hợp có mặt trượt ẩn sâu thường có quy mô lớn, tính chất phức tạp, là sự tác động tổng hợp của nhiều nguyên nhân, trong đó vai trò của yếu tố kiến tạo rất lớn, nên việc xử lý bằng các giải pháp công trình rất tốn kém và hiệu quả không cao. Đối với một số điểm trượt lớn cần nghiên cứu chi tiết để xác định chiều dày khối trượt, hình thái mặt trượt, trên cơ sở đó tính toán lực tác động của đất đá trên xuống phía dưới để đề xuất giải pháp cụ thể.

- Đối với xói lở sông: Khắc phục xói lở bờ sông là rất khó khăn do thung lũng sông hẹp, cấu tạo đất đá đường bờ ít ổn định, dòng chảy hướng thẳng vào bờ, nên vào mùa lũ xói lở tất yếu sẽ xảy ra và sẽ kéo theo hiện tượng trượt lở phá đường bờ, gây mất nền đường. Giải pháp khả thi hiện nay là xây kè bê tông hoặc xếp rọ đá, lồng đá dọc đoạn bờ sông bị xói lở.

Huy Minh (t/h)

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?