Trong và sau mưa lũ, rất nhiều vi sinh vật, rác, chất thải… theo dòng nước tràn nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước sinh hoạt. Ảnh TTXVN
Nguy cơ dịch bệnh sau mưa lũ
Sau mưa bão, lũ lụt, rất nhiều vi sinh vật, chất thải trôi theo dòng nước gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa, cảm cúm, đau mắt đỏ... người dân ở những vùng bị ảnh hưởng do mưa, lũ rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa do nguồn nước, thực phẩm, điều kiện vệ sinh không bảo đảm.
Các bệnh thường gặp như nước ăn chân, các bệnh lý da liễu khác, cảm lạnh, cúm, đau mắt… Cũng do môi trường ẩm ướt, nước tù đọng ở các vật dụng nên sinh sản nhiều muỗi, vì vậy bệnh sốt xuất huyết rất dễ lây lan.
Các bác sĩ da liễu cũng lưu ý người dân phòng các bệnh về da như ghẻ, nấm da sau khi tiếp xúc với nước bẩn. Người dân nên rửa ngay bằng nước sạch, đặc biệt chú ý vệ sinh kỹ vùng kẽ ngón chân, kẽ ngón tay - những nơi dễ đọng nước và bụi bẩn.
Đồng thời, bảo đảm rửa sạch và lau khô hoàn toàn, tránh tình trạng ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Ngoài ra, không nên sử dụng các vật dụng như giày dép, quần áo khi còn ẩm. Tất cả vật dụng này cần được phơi nắng hoặc sấy khô hoàn toàn trước khi sử dụng, hạn chế tiếp xúc lâu dài với môi trường nước.
Nếu bắt buộc phải di chuyển trong trời mưa hoặc qua đường ngập, cần chuẩn bị sẵn áo mưa, giày chống thấm, ủng và găng tay để bảo vệ cơ thể.
Biện pháp chủ động phòng bệnh
Ngành Y tế Ninh Bình đã chỉ đạo 100% các đơn vị trực thuộc đã chủ động triển khai các phương án ứng phó với bão số 3 theo phương châm 4 tại chỗ; triển khai các giải pháp ứng phó trong trường hợp phải xả tràn Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn. Sở thành lập 17 tổ cấp cứu (mỗi tổ gồm 1 Bác sỹ, 1 Điều dưỡng) với đầy đủ trang thiết bị y tế, thuốc cấp cứu, nhu yếu phẩm cần thiết. Trung tâm Cấp cứu 115 đã điều 2 xe cứu thương để thường trực vận chuyển bệnh nhân cấp cứu tại địa bàn huyện Nho Quan, huyện Gia Viễn và có mặt trước 13h00 chiều ngày 12/9/2024.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thành lập 3 đội chống dịch cơ động, kèm theo cơ số thuốc, hóa chất và sẵn sàng triển khai các giải pháp chống dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường mùa mưa bão. Các đơn vị trực thuộc còn lại chuẩn bị nhân lực, thuốc, vật tư y tế và các nhu yếu phẩm khác (theo Kế hoạch số 62/KH-SYT ngày 04/6/2024 về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024) và sẵn sàng lên đường đi hỗ trợ khi có lệnh điều động của Sở Y tế.
Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đảm bảo an toàn về người và tài sản, trang thiết bị, đảm bảo an toàn công tác bảo quản vắc xin tiêm chủng mở rộng; Chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra; củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh; Tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng nguy cơ bị ảnh hưởng mưa lũ và ngập lụt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, các biện pháp vệ sinh khác theo các khuyến cáo về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau bão lụt đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt lưu ý tăng cường truyền thông phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trong bối cảnh mưa lớn kéo dài gây khó khăn trong việc kiểm soát muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.
Sở đã chỉ đạo các cơ sở y tế dự phòng bảo đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ và ngập lụt; Thực hiện việc thông tin, báo cáo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo đúng quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế.
Hệ thống giám sát ghi nhận thêm 03 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại ổ dịch thôn Lộc Động, Yên Thái, Yên Mô đã được ghi nhận từ trước, nâng tổng số trường hợp mắc tại ổ dịch này lên 14 trường hợp. Số mắc sốt xuất huyết trên toàn tỉnh đã ghi nhận từ đầu năm đến nay là 41 trường hợp; với 07 ổ dịch đã xác định, trong đó 06 ổ dịch đã kết thúc và 01 ổ dịch đang hoạt động tại Lộc Động, Yên Thái, Yên Mô.
Các bệnh truyền nhiễm khác cơ bản đang ổn định và được kiểm soát tốt, như ho gà, tay chân miệng chỉ ghi nhận các trường hợp rải rác trong tháng 8 và đầu tháng 9; riêng sởi chưa ghi nhận trường hợp mắc. Chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh truyền nhiễm.
Sở đã chỉ đạo Trung tâm y tế các huyện, thành phố hướng dẫn người dân thực hiện đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường trong mùa mưa lũ. Sau bão, tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước cấp cho ăn uống, sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đảm bảo nồng độ clo dư theo quy định; tăng cường kiểm tra vệ sinh chất lượng nước hộ gia đình; kiểm tra giám sát việc thu gom, xử lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế đảm bảo thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Trên địa bàn tỉnh không ghi nhận sự cố mất an toàn thực phẩm và vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra do người dân tiêu dùng thực phẩm không đảm bảo trước, trong và sau bão số 3.
Số hộ dân sống ngoài đê bị ngập nước và cô lập là 3.874 hộ hiện đang chờ nước rút (huyện Nho Quan 2.074 hộ; huyện Gia Viễn 1.698 hộ; huyện Yên Mô 56 hộ; huyện Yên Khánh 46 hộ,). Tài sản thiệt hại ước tính khoảng 100 triệu (sét đánh, chập điện…); 02 Trạm Y tế xã thuộc huyện Nho Quan bị ngập dưới 1m (Gia Thủy, Sơn Hà), nhưng vẫn tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân được (tại tầng 2), không bị thiệt hại về người, thuốc, hoá chất, trang thiết bị y tế.
Sở Y tế đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp ngành y tế triển khai các biện pháp xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm sau bão, lũ.
Yêu cầu về an toàn thực phẩm
Trong công văn gửi các địa phương về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến khích người dân sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, ăn ngay như lương khô, mì gói, nước uống đóng chai... với những khu vực bị ngập lụt, sạt lở gây chia cắt.
Bộ Y tế cũng đề nghị Chi cục An toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn.
Tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Trường hợp các nguồn cấp nước như: giếng khoan, giếng khơi bị ngập úng thì phải được lọc và khử trùng trước khi sử dụng theo hướng dẫn của ngành y tế.
Không sử dụng thực phẩm đã tiếp xúc với nước lũ hoặc thực phẩm đã bị hư hỏng. Thực hiện ăn chín uống sôi, tránh thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, đồng thời tăng cường bổ sung vitamin, nhất là C và E, từ hoa quả và rau củ để cải thiện hệ miễn dịch. Uống đủ nước, giúp cơ thể loại bỏ vi khuẩn và ngăn ngừa cảm cúm…
Thành Trung
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?