Thứ sáu, 19/04/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Gìn giữ giá trị văn hóa độc đáo của nghệ thuật hát Xẩm

Thứ sáu, 30/10/2020

Huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình được biết đến là một trong những cái "nôi" của hát Xẩm, nổi danh với tên tuổi của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu - người hát Xẩm cuối cùng của thế kỷ XX. 

 Các thành viên CLB Xẩm chợ Lồng, xã Yên Phong (huyện Yên Mô)
 
Sau bao thăng trầm và ít nhiều bị mai một, hát Xẩm đang dần được khôi phục bởi những tấm lòng nhiệt huyết và đam mê với nghệ thuật truyền thống. Từ một loại hình diễn xướng dân gian phổ biến nơi đông người qua lại như bến sông, hè đường, góc chợ…, Xẩm đã lên sân khấu trong các chương trình nghệ thuật, phục vụ khách du lịch. Đáng mừng hơn, thế hệ trẻ ngày nay đang chung tay bảo tồn giá trị di sản văn hóa mang đậm tính giáo dục, tính nhân văn sâu sắc này.
 
Theo các tài liệu nghiên cứu, hát Xẩm được hình thành khoảng thế kỷ thứ XIV. Từ khi ra đời đến khoảng nửa đầu thế kỷ XX, hát Xẩm được gọi với những tên khác nhau như hát rong, hát dạo… Nhưng trên thực tế, hát Xẩm là thể loại âm nhạc dân gian chuyên nghiệp, một lối diễn xướng độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc ta. 
 
Trong quá khứ, hát Xẩm thường diễn ra ở những nơi đông người qua lại như bến sông, bãi chợ và là một nghề để kiếm sống, nhất là đối với những người khiếm thị. Từ thập niên 60 trở lại đây, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, do điều kiện môi trường và xã hội, đặc biệt là do những quan niệm sai lầm, các phường Xẩm dần tan rã và không hoạt động nữa. 
 
Trải qua nhiều thăng trầm, tuy không gian hát Xẩm không còn như ngày xưa, nhưng vẫn còn trong dân gian, được những người trẻ tuổi bảo tồn và phát huy với nhiều tên tuổi nổi tiếng. Trong đó, tại Ninh Bình, có nghệ nhân Hà Thị Cầu, sinh ra ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, trong một gia đình có truyền thống hát Xẩm. 
 
Cụ Cầu được gả cho gánh Xẩm của cụ Chánh Trương Mậu ở Ninh Bình và gắn bó với gánh Xẩm này cả cuộc đời. Ngay cả khi gánh Xẩm chỉ còn duy nhất một mình, nghệ nhân Hà Thị Cầu vẫn tự sáng tác, tự trình diễn nhạc cụ và biểu diễn một cách nhuần nhuyễn các bài hát Xẩm.
 
Năm 2013, nghệ nhân Hà Thị Cầu qua đời. Con gái cụ là bà Nguyễn Thị Mận, vì muốn lưu giữ lại những giá trị độc đáo của hát Xẩm đã tích cực học hỏi từ người mẹ của mình về nghệ thuật hát Xẩm, từ cách lấy hơi, buông hơi, nhả chữ, luyến láy, sử dụng nhạc cụ...
 
Năm 2018, bà Mận thành lập CLB chiếu Xẩm Hà Thị Cầu, với 12 thành viên, truyền dạy miễn phí cho các nghệ sỹ không chuyên và các cháu học sinh trên địa bàn xã Yên Phong và huyện Yên Mô những bài Xẩm do mẹ mình đặt lời và biểu diễn khi còn sống.
 

 
Chiếu Xẩm chợ Lồng biểu diễn kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt
 
Theo bà Nguyễn Thị Mận, hát Xẩm bao gồm nhiều làn điệu khác nhau. Xẩm có giai điệu chậm rãi, khoan thai, trầm bổng, mang tính kể chuyện thông qua rất nhiều làn điệu và ca từ bắt nguồn từ dân gian. Loại hình nghệ thuật này còn có cấu trúc giai điệu uyển chuyển, tinh tế. Đặc biệt, hát Xẩm không hề kén người thưởng thức, bởi lời hát mộc mạc, dễ hiểu, phong cách chậm rãi, tự do...
 
Cũng theo bà Mận, mẹ bà - cố nghệ nhân Hà Thị Cầu thường chọn điệu Xẩm chợ, bởi câu từ thường giản dị, ngắn gọn, có giai điệu dựa theo thanh điệu, đậm tính hát nói, kể lể, dễ hát… Trong các làn điệu Xẩm, tinh thần hướng về cội nguồn, nhớ ơn người đi trước, về cuộc sống lao động, sinh hoạt hàng ngày.... Đặc biệt, những ca từ của Xẩm hàm chứa những triết lý, những lời răn dạy đạo lý rất ý nghĩa, đưa Xẩm trở thành loại hình nghệ thuật gần gũi, bình dị, gắn bó với đời sống nhân dân.
Anh Bùi Công Sơn, quê ở tỉnh Thái Bình, hiện là Phó chủ nhiệm CLB Xẩm chợ Lồng, xã Yên Phong (huyện Yên Mô). Anh chính là cá nhân đã đạt giải A tại Liên hoan CLB hát Xẩm các tỉnh phía Bắc năm 2019 với tiết mục Xẩm "Thập Ân". 7 năm nay, anh Sơn cùng nhiều nghệ nhân tìm hiểu về Xẩm, từ Xẩm chợ đến Xẩm sân khấu hiện đại như ngày nay. Hơn ai hết, anh Sơn hiểu rõ những giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian này. 
 
Theo anh Sơn, hiện tại, môi trường biểu diễn Xẩm chợ không còn, thay vào đó là các sân khấu ít nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố chuyên nghiệp hóa, khiến Xẩm mang dáng dấp phố thị. Tuy nhiên, dù được sân khấu hóa, được mở rộng không gian biểu diễn, nhưng Xẩm vẫn luôn gần gũi với người dân lao động, không mất đi giá trị truyền thống.
 
Để lưu giữ bền bỉ nghệ thuật hát Xẩm, những năm qua, anh Sơn không ngừng say mê và tích cực truyền dạy cho các em học sinh trong CLB các làn điệu Xẩm, cách sử dụng nhạc cụ và cùng các thành viên trong CLB dàn dựng lại khung cảnh hát Xẩm tại các chợ, sân đình; tham gia nhiều cuộc thi do tỉnh, huyện tổ chức; đến các trường học giao lưu, truyền dạy về nghệ thuật hát Xẩm....
 
Nhằm bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật đang có nguy cơ bị thất truyền, từ năm 2011, UBND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt Đề án "Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xẩm", giao cho Nhà hát chèo Ninh Bình phối hợp với UBND huyện Yên Mô thực hiện.
Từ năm 2011 đến nay, Yên Mô đã tổ chức hàng chục lớp truyền dạy hát Xẩm miễn phí cho học sinh và cho người yêu thích bộ môn này. Ngoài ra, còn tổ chức dạy cho giáo viên thanh nhạc của các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn nhằm không ngừng đưa bộ môn nghệ thuật truyền thống này vào trường học. 
 
Với các hoạt động truyền dạy hát Xẩm, biểu diễn, phục vụ các sự kiện và biểu diễn phục vụ khách du lịch, cùng nỗ lực từ hoạt động của các cơ quan chức năng ở địa phương, nghệ thuật hát Xẩm đang được bảo tồn, phát huy.
Điều đáng mừng, là hát Xẩm đã thu hút được sự quan tâm của thế hệ trẻ. Nhiều em đam mê tập luyện và biểu diễn, nhờ đó đã giành được những giải cao trong các cuộc thi như: Liên hoan CLB hát Xẩm các tỉnh phía Bắc - Ninh Bình năm 2019; Liên hoan tiếng hát Hoa Phượng đỏ do Đài PTTH Ninh Bình tổ chức hàng năm...
 
Cùng với các cấp, các ngành, địa phương, thế hệ trẻ ngày nay đang chung tay bảo tồn giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, để vẫn còn đó những câu hát Xẩm mang đậm tính giáo dục, tính nhân văn sâu sắc. 
 
Đến hôm nay, mặc dù đã mai một đi nhiều, nhưng Xẩm vẫn giữ được những nét văn hóa đặc trưng riêng có, khiến những người mộ điệu vẫn nhớ da diết khôn nguôi một lối hát dân gian bình dị mà thân thuộc của cha ông xưa. 
 
Bài, ảnh: Mai Phương (baoninhbinh.org.vn)
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4482918

Trực tuyến: 69

Hôm nay: 624

Hôm qua: 7507