Thứ sáu, 29/03/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình

Công bố kết quả đánh giá mức độ ứng dụng CNTT năm 2019 và phổ biến Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số

Thứ năm, 12/11/2020

 Chiều ngày 11/11/2020, tại Hà Nội, Bộ TT&TT và Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) phối hợp tổ chức Hội thảo công bố kết quả đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của các bộ, ngành, địa phương năm 2019 và phổ biến Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã tới dự và phát biểu tại hội thảo. Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Minh Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT, các doanh nghiệp CNTT, một số Sở TT&TT.


20201111-u2.JPG
 Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại hội thảo 
Theo báo cáo, cũng như các năm trước,  kết quả đánh giá mức độ ứng dụng CNTT được thực hiện dựa theo 6 hạng mục, gồm: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan; Trang/Cổng thông tin điện tử; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Cơ chế, chính sách và quy định cho ứng dụng CNTT; Nhân lực cho ứng dụng CNTT. Mỗi hạng mục được kiểm tra, tính điểm, tổng điểm của các hạng mục được sử dụng để xếp hạng tổng thể cho cơ quan.  
Đại diện Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho biết, nhìn chung, chỉ số mức độ ứng dụng CNTT trung bình của khối Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (CQCP), tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2019 tăng so với năm trước. Trong đó, khối Bộ tăng nhiều nhất. Khối này đã đạt 0,82 điểm trong năm 2019 từ mức 0,69 điểm năm trước, tăng 0,13 điểm.
 Khối CQCP và tỉnh, thành phố chỉ tăng lần lượt 0,05 và 0,07 điểm. Báo cáo cho biết, tất cả chỉ số thành phần trung bình của các Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2019 đều tăng so với năm 2018. Xếp hạng top đầu về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2019 không thay đổi so với năm ngoái, lần lượt là Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ TT&TT.
 Một số đơn vị có thay đổi về vị trí xếp hạng, lý do chính là có sự biến động về mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4, đặc biệt là DVCTT mức độ 4.
 Về tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của các cơ quan thuộc Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đầu bảng. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2, kế đó là Thông tấn xã Việt Nam. Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ vị trí chót bảng vươn lên vị trí thứ 6. 
Về tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, như các năm trước, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng tiếp tục “giằng co” vị trí đầu bảng. Hiện Thừa Thiên Huế đã vươn lên dẫn đầu khi xếp thứ nhất. Năm ngoái, vị trí này thuộc về Đà Nẵng.
 Một số tỉnh có sự thay đổi tích cực về vị trí xếp hạng như An Giang (xếp thứ 7), Bắc Kạn (thứ 16), Bắc Ninh (thứ 17)... Nguyên nhân là các tỉnh đã triển khai tốt các hạng mục ứng dụng CNTT, đặc biệt là đẩy mạnh triển khai cung cấp DVCTT mức độ 3, 4.
 Một số tỉnh có sự thay đổi tích cực về vị trí xếp hạng như An Giang (xếp thứ 7), các hạng mục ứng dụng CNTT, đặc biệt là đẩy mạnh triển khai cung cấp DVCTT.
 Ngoài ra, số liệu cho thấy Hạ tầng kỹ thuật CNTT, Ứng dụng CNTT trong các tỉnh, thành phố và Trang/Cổng TTĐT năm 2019 tăng nhiều nhất. Điều này chứng tỏ rằng năm 2019, các địa phương đã chú trọng hơn trong việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật và triển khai nhiều ứng dụng phục vụ phát triển chính phủ điện tử.
 Ngoài ra, trong khuôn khổ buổi công bố, Cục Tin học hóa còn phổ biến Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh. Chỉ số này được cấu trúc theo 3 trụ cột gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Mỗi trụ cột gồm 7 chỉ số chính: chỉ số đánh giá về chuyển đổi nhận thức, chỉ số đánh giá về kiến tạo thể chế, chỉ số đánh giá về phát triển hạ tầng và nền tảng số, chỉ số đánh giá về thông tin và dữ liệu số, chỉ số đánh giá về hoạt động chuyển đổi số, chỉ số đánh giá về an toàn an ninh mạng, chỉ số đánh giá về đào tạo và phát triển nhân lực. Mỗi chỉ số chính có những chỉ số thành phần khác nhau và trong mỗi chỉ số thành phần có các tiêu chí. Trên cơ sở đó, từ năm sau, Bộ TT&TT sẽ sử dụng bộ chỉ số chuyển đổi số này để theo dõi, đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.
 Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết: Thực hiện nhiệm vụ hàng năm về việc đánh giá mức độ ứng dụng CNTT trong CQNN, Bộ TT&TT đã tổ chức đánh giá mức độ ứng dụng CNTT trong CQNN năm 2019 trên cơ sở dữ liệu báo cáo từ các CQNN và có sự đối soát của Bộ. Qua kết quả đánh giá, Bộ nhận thấy năm 2019 đa số các chỉ số trung bình mức độ ứng dụng CNTT trong CQNN đều tăng. Nhân hội thảo này, Bộ TT&TT ghi nhân và cảm ơn các Bộ ngành, địa phương đã nỗ lực đầu tư cho ứng dụng CNTT.
 Bộ TT&TT đề nghị các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu và tiếp tục quan tâm hơn nữa trong thời kỳ tới khi mà ứng dụng CNTT, chuyển đổi số được xác định là động lực đột phá trong KHCN.
 Thứ trưởng Phan Tâm cũng cho biết, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, giao Bộ TT&TT nghiên cứu, xây dựng Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số bao gồm chỉ số đánh giá về Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số của quốc gia, từng ngành, từng địa phương.
 Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1726/QĐ-BTTTT ngày 12/10/2020 phê duyệt Đề án xác định bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, bộ chỉ số chuyển đổi số gồm các nhóm chỉ số để đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ/tỉnh và cấp quốc gia. Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh/bộ nhằm theo dõi, đánh giá, xếp hạng một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hằng năm của các bộ/tỉnh, trong khi Chỉ số chuyển đổi số cấp quốc gia nhằm cung cấp thông tin về kết quả chuyển đổi số chung của cả nước để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phục vụ các cơ quan, tổ chức liên quan cũng như cho các tổ chức quốc tế sử dụng khi đánh giá các chỉ số toàn cầu (EGDI, IDI, GCI 4.0, GII, GCI).
 Thứ trưởng Phan Tâm cũng nhấn mạnh, bắt đầu từ năm tới, Bộ TT&TT sẽ sử dụng Bộ chỉ số chuyển đổi số để theo dõi, đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.
 
20201111-u3.JPG
 Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng phát biểu đánh giá về những điểm mới của Bộ chỉ số chuyển đổi số
 Tại hội thảo, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng cho rằng, việc tổ chức đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước tại các Bộ, Ngành, các tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương là việc làm hết sức thiết thực, hữu ích, để các cơ quan thấy rõ mức độ ứng dụng của mình so với các cơ quan, đơn vị khác để từ đó đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hoàn thành Chương trình ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020. 
Ông Nguyễn Minh Hồng cũng cho biết, “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng phê duyệt đã có cách tiếp cận mới, đổi mới về chất lượng so với các Chương trình quốc gia tương tự trước đây. Theo đó, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2025-2030 đã chú trọng nâng cao nhận thức của toàn xã hội, của người đứng đầu. Thay vì chỉ chú trọng các vấn đề công nghệ, thì Chương trình Chuyển đổi số đã thay đổi tổ chức, phương thức làm việc, đồng thời, huy động sự tham gia mạnh mẽ của tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức nghề nghiệp.
 Tại quyết định 749, Thủ tướng cũng đã giao cho Bộ TT&TT xây dựng Bộ chỉ số chuyển đổi số. Trong thời gian ngắn, Bộ TT&TT đã khẩn trương nỗ lực cầu thị lắng nghe, trao đổi ý kiến đóng góp từ các cơ quan, đơn vị và đã kí ban hành Bộ chỉ số.
 Theo ông Nguyễn Minh Hồng, Bộ chỉ số có một số điểm mới đó là: chuyển đổi tư duy tiếp cận từ ứng dụng CNTT, coi CNTT là công cụ ứng dụng chuyển sang chuyển đổi số toàn diện, đưa công nghệ số vào mọi mặt của quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, xã hội; Mở rộng sự tham gia của các bên mà công tác đánh giá, với sự tham gia đánh giá, chấm điểm từ người dân, chuyên gia. Bên cạnh đó, số lượng các chỉ số đánh giá năng lực, hiệu quả và kết quả tính KPI đã tăng hơn so với hình thức cũ là tập trung vào chỉ số cơ sở hạ tầng, đầu vào.
 Tại hội thảo, đại diện Sở TT&TT Nam Định, Hội Tin học Việt Nam, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đã có tham luận chia sẻ cách sử dụng hiệu quả Bộ chỉ số chuyển đổi số; cách cải thiện chỉ số xếp hạng Ứng dụng CNTT/Chuyển đổi số của các Bộ, Ngành, địa phương…
 Nhân dịp này, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông và Cục Tin học hóa đã phối hợp ra mắt cuốn sách “Hỏi đáp về Chuyển đổi số”. Đây là một nỗ lực chia sẻ nhận thức và kinh nghiệm ban đầu của tác giả về chuyển đổi số. Cuốn sách được viết dưới dạng những câu hỏi và câu trả lời. Mỗi câu hỏi đề cập đến một vấn đề hay một khía cạnh chuyển đổi số và trả lời của tác giả. Cuốn sách được chia làm 05 phần, gồm câu hỏi chung về chuyển đổi số, đột phá của AI và các công nghệ số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Câu hỏi trong mỗi phần lại được gộp theo nhóm các vấn đề chuyển đổi số đặt ra là gì, tại sao, thế nào, bao giờ, ai liên quan../.

Thu Hương

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4326833

Trực tuyến: 61

Hôm nay: 5938

Hôm qua: 7918