Thứ Bảy, 20/04/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Chuyển đổi số

Chủ nhật, 26/02/2023

Sáng 25/2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Phạm Minh Chính, Hội nghị toàn quốc về chuyển đổi số đã diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Đồng chủ trì có Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình

Dự tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh; đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; các thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06, Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh.

Năm 2022, công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực trên nhiều mặt về: Nhận thức và hành động; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi; phát triển hạ tầng số, các nền tảng số, cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDL), nhất là CSDL quốc gia về dân cư; dịch vụ công trực tuyến; an toàn, an ninh thông tin; phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số; phát triển kinh tế số, xã hội số, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Trong 2 tháng đầu năm nay, chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 tiếp tục được đẩy mạnh: Dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh gắn với kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt những kết quả tích cực, đã có trên 177 triệu hồ sơ xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tăng trên 23 triệu so với cuối năm 2022. Các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, tăng tính kết nối liên thông, chia sẻ, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 13 bộ, ngành, 58 địa phương và 4 doanh nghiệp Nhà nước; đã kết nối và chia sẻ thông tin dữ liệu tổng hợp về dân cư với Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đối với tỉnh Ninh Bình, công tác chuyển đổi số đã được chỉ đạo quyết liệt, quan điểm rõ ràng, tạo được đồng thuận cao của các cấp, các ngành. Kết quả, các hệ thống thông tin, hạ tầng mạng của tỉnh vận hành ổn định, thông suốt đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng. Năm 2021, Ninh Bình được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, xếp hạng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về kết quả thực hiện các chỉ số chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.

Trong thực hiện Đề án 06, đã phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu; tiếp nhận, giải quyết trực tuyến đạt 72%, nhiều thủ tục đạt 100%. Đối với việc kết nối chia sẻ dữ liệu dân cư với hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, thì Ninh Bình là 1 trong 3 tỉnh kết nối chính thức đầu tiên trên cả nước. Toàn tỉnh hiện có 191/192 cơ sở khám chữa bệnh trang bị máy móc, thiết bị để người dân sử dụng căn cước công dân thẻ chip khám chữa bệnh.

Tại Hội nghị, đại biểu đại diện 1 số bộ, ngành và địa phương đã phát biểu tham luận về thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; việc sử dụng, lưu trữ dữ liệu; Giải pháp triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với dịch vụ ăn uống, chống thất thu thuế, thất thu ngân sách; Các giải pháp kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng, góp phần phát triển kinh tế xã hội; giải pháp tuyên truyền để người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến; Phương án hạn chế cán bộ một cửa nhận hồ sơ trực tiếp; kinh nghiệm phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán triển khai việc thu học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản thu khác bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại cơ sở giáo dục…

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) thời gian qua. Nhấn mạnh: CĐS số là động lực, then chốt dẫn dắt xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, công dân số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các nghị quyết của Trung ương, Thủ tướng đã nêu lên 1 số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện.

Trong đó cần khẩn trương ban hành chương trình, kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện CĐS đảm bảo hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức. Theo đó, việc xây dựng kế hoạch trên cơ sở rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, có lộ trình gắn với bố trí nguồn lực phù hợp. Các mục tiêu, chỉ tiêu đưa ra phải mang tính định lượng, đảm bảo dễ triển khai, dễ giám sát và phải được đánh giá cụ thể ở từng thời điểm, giai đoạn. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, đôn đốc, nghiêm khắc phê bình những cá nhâ, đơn vị chậm trễ, không theo đúng kế hoạch; đồng thời khen thưởng, biểu dương những cá nhân, tập thể làm tốt để nhân rộng, khích lệ, động viên và tạo sức lan tỏa.

Các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ CĐS Quốc gia; bám sát thực tế, tập trung rà soát sửa đổi, bổ sung thể chế, cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy CĐS. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong cả công tác chỉ đạo, điều hành. Kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia; chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương nhằm phục vụ có hiệu quả công tác tham mưu, hoạch định chính sách phù hợp với thực tế. 

Tập trung hoàn thành và triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu; đồng thời hoàn thiện quy trình nghiệp vụ số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính, kết nối các dịch vụ công trực tuyến với cổng dịch vụ công quốc gi, góp phần giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, hạn chế tham nhũng, tiêu cực. Thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện thông qua mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp; tập trung rà soát, chuẩn hóa mẫu tờ khai theo hướng cắt giảm thủ tục tối thiểu 20% trên cơ sở tái sử dụng các dữ liệu đã được số hóa. 

Thực hiện nghiêm quy định bỏ sổ hộ khẩu bằng giấy, sổ tạm trú giấy; tăng cường khai thác thông tin cư trú từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán các dịch vụ chi trả trợ cấp xã hội, an sinh xã hội không dùng tiền mặt, xác thực tài khoản ngân hàng. Lãnh đạo địa phương quan tâm chỉ đạo công tác thống kê, phân tích, đánh giá các dữ liệu để đưa ra giải pháp phù hợp. Rà soát, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Có cơ chế, chính sách ưu tiên về đào tạo, tuyển dụng, bố trí, đãi ngộ nhân lực chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám. Tăng cường hợp tác quốc tế trong CĐS, nhất là hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, để đáp ứng xu thế toàn cầu.

Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng: Trong chuyển đổi số, quan trọng nhất là người đứng đầu thể hiện ở việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; kiên quyết, kiên trì, kiên định với mục tiêu nhưng cũng cần phải đổi mới, sáng tạo, nhất là về công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, quản trị tiên tiến. Từ nhiệm vụ đã nêu, các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị cần tích cực triển khai và phối hợp thực hiện đảm bảo thống nhất và hiệu quả./.

TH

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4491947

Trực tuyến: 9

Hôm nay: 832

Hôm qua: 8821