Thứ sáu, 19/04/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Nỗ lực khôi phục nghệ thuật ca trù ở vùng đất mở

Thứ tư, 11/11/2020

 Hát ca trù còn gọi là Hát cô đầu, Hát ả đào là loại hình nghệ thuật độc đáo, có một vị trí đặc biệt trong kho tàng âm nhạc truyền thống của dân tộc. Ca trù thịnh hành tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ thế kỷ XV. Cụ Nguyễn Công Trứ - người có công quai đê, lấn biển, di dân lập ấp xây dựng nên vùng đất mở Kim Sơn nổi tiếng là người sành nghe và giỏi sáng tác ca trù. 

Nhằm tri ân công đức của bậc tiền nhân, huyện Kim Sơn đã đưa loại hình nghệ thuật truyền thống này về phát triển tại quê hương. Kim Sơn đã dành nhiều tâm huyết để đưa ca trù đến gần hơn với công chúng. 
 
Ông Bùi Đức Tăng, Chủ nhiệm CLB ca trù Kim Sơn là người cao tuổi nhất trong CLB. Trước khi chơi đàn đáy trong CLB ca trù, ông Tăng vốn là đội trưởng đội quân nhạc cựu chiến binh xã Quang Thiện với vai trò chính là thổi kèn tây.
 
Khi huyện tổ chức "chiêu sinh" nhạc công cho lớp học ca trù do các nghệ nhân CLB ca trù Nguyễn Công Trứ, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) truyền dạy, ông Tăng và hàng chục người khác đã đăng ký tham gia. "Tham gia học đàn đáy khi ấy đều là những người có năng khiếu, đam mê và biết chơi, thậm chí chơi giỏi một loại nhạc cụ nào đó. Tuy nhiên, sau đó, các học viên bỏ cuộc dần. Cuối cùng, chỉ còn lại tôi và ông Phạm Thế Mạnh là đi… tới đích. Nhiều người bỏ cuộc vì họ chưa đủ đam mê, chưa đủ sự kiên trì để bắt đầu với loại nhạc cụ mới này "- ông Tăng chia sẻ.
 
Cũng như lớp học nhạc, lớp hát ca trù được huyện Kim Sơn chiêu sinh rộng rãi, trong đó chú trọng lựa chọn "hạt nhân" cho lớp học là những cô giáo dạy nhạc, những người có năng khiếu và hiểu về nhạc lý. Cuối cùng, chỉ còn 5 ca nương còn gắn bó với CLB. Chị Nguyễn Thị Bích Thủy, giáo viên Trường THCS Thượng Kiệm là một trong số ca nương đó. Chị Bích Thủy chia sẻ, là giáo viên dạy nhạc, dù không qua đào tạo, song tôi vẫn hát được vài loại nhạc truyền thống của dân tộc như chèo, dân ca, chầu văn… nhưng đối với hát ca trù thì thực sự là một thử thách không nhỏ. Khi tham gia vào lớp học, chúng tôi được say sưa trong âm thanh trầm đục của đàn đáy, trong tiếng chầu tôm chát, đắm đuối trong tiếng hát của các đào nương vùng đất tổ của ca trù… từ đó, nuôi dưỡng tình yêu với môn nghệ thuật tuy xưa cũ nhưng vẫn còn mới lạ với chúng tôi. Qua 2 đợt truyền dạy, tất cả chúng tôi đã có thể hát ca trù.  Đối với hát ca trù, đòi hỏi người hát phải có chất giọng thật vang, rền, nảy. Bởi thế, ngoài năng khiếu thì chúng tôi thường xuyên luyện tập để luyện cho giọng hát tốt hơn, tạo sự nhuần nhuyễn, ăn ý trên sân khấu và làm giàu thêm vốn các làn điệu ca trù cho bản thân. 
 
Ông Phạm Văn Sang, Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Kim Sơn chia sẻ: Trong những lần đi viếng cụ Nguyễn Công Trứ ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi được nghe kể nhiều về cụ Nguyễn Công Trứ,  một người thưởng thức, một kép đàn điệu nghệ và cũng chính là người dày công dạy dỗ, tập luyện cho đào nương và kép đàn của giáo phường thành những nghệ nhân tài hoa. Ca trù sớm bước vào tâm hồn cụ Nguyễn Công Trứ và đã theo cụ suốt cả những bước thăng trầm của cuộc đời. Bằng tài năng về văn chương chữ nghĩa, vừa am tường nhạc lý nên cụ Nguyễn Công Trứ đã có các sáng tác hát nói xuất sắc, sống cùng với thời gian… Với lớp hậu sinh, những câu chuyện về cụ Nguyễn Công Trứ luôn là niềm cảm hứng bất tận để các nghệ nhân trong CLB ca trù Nguyễn Công Trứ (huyện Nghi Xuân) tiếp tục cống hiến hết mình cho việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy môn nghệ thuật truyền thống này. 
 
Trước nguyện vọng muốn đưa ca trù trở lại với vùng đất mở Kim Sơn của cán bộ, nhân dân huyện nhà, các nghệ nhân CLB ca trù Nguyễn Công Trứ đã về truyền dạy, gây dựng hạt nhân cho môn nghệ thuật này. Đến nay, CLB ca trù Kim Sơn đã hoạt động ổn định, đại diện cho huyện tham gia nhiều cuộc thi, hội diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, ca trù đang bước đầu gây được sự chú ý, yêu thích của nhân dân địa phương, trong đó có những khán giả trẻ tuổi.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, ca trù rất kén người nghe và theo học. Hát ca trù khó, người giỏi không nhiều, người yêu thích lại càng ít. Bởi thế, việc tìm khán giả cho loại hình nghệ thuật này cũng đòi hỏi sự kiên trì và lắm công phu. Ông Bùi Đức Tăng, Chủ nhiệm CLB ca trù Kim Sơn cho biết, muốn đưa ca trù đến gần hơn với khán giả, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng dân cư thì rất cần một sự kiên trì. Bên cạnh đó, chúng tôi cần được tạo nhiều cơ hội hơn, nhiều đất diễn hơn để có thể giao lưu với khán giả, dạy họ những ngón đàn cơ bản, tay phách, cùng họ chơi thử nhạc cụ, tìm hiểu sâu hơn về loại hình nghệ thuật này… từ đó mới hun đúc lên tình yêu, khơi gợi sự tò mò, thích thú của khán giả đối với ca trù.
 
Nguyễn Hùng (baoninhbinh.org.vn)

 

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4483830

Trực tuyến: 58

Hôm nay: 1536

Hôm qua: 7507