Thứ sáu, 19/04/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Xác lập chủ quyền biển đảo từ rất sớm

Thứ ba, 01/09/2020

 Việc cắm mốc, dựng bia chủ quyền ở xứ Hoàng Sa từ thời vua Gia Long, Minh Mạng là những cơ sở lịch sử quan trọng, khẳng định chủ quyền tuyệt đối, bất khả xâm phạm của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Là vị vua đầu tiên của triều Nguyễn, ngay từ khi lên ngôi, Gia Long đã có những quyết sách khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa - Trường Sa hết sức mạnh mẽ, cứng rắn như cho cắm mốc chủ quyền, khảo sát và khai thác tài nguyên tại Hoàng Sa. Sau khi vua Gia Long mất, vua Minh Mạng kế vị, tiếp tục kế thừa và phát huy quyền làm chủ biển, đảo của nước ta.

Tầm nhìn chiến lược

Năm 1815, vua Gia Long sai Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra thăm dò đường biển, sau đó sai thủy quân cùng đội Hoàng Sa ra khảo sát quần đảo này. Điều này cho thấy tầm nhìn chiến lược, ý thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo của vị vua đầu tiên nhà Nguyễn.

Sau đó một năm, tức năm 1816, vua Gia Long cho cắm mốc tại Hoàng Sa. Sự kiện năm 1816 không chỉ được ghi lại trong chính sử triều Nguyễn, mà còn được các học giả phương Tây lúc bấy giờ ghi lại. Baptiste Chaigneau (1769 - 1825), một người nước ngoài có mặt tại Huế ghi lại trong nhật ký "Le Mémoire sur la Cochinchine": "Nước Giao Chỉ gồm xứ Đàng Trong, xứ Đông Kinh, một phần xứ Cao Miên, một vài đảo có cư dân không xa bờ bể và quần đảo Paracels hợp thành bởi những đảo nhỏ, đá ngầm và mỏm đá không có dân cư. Đến năm 1816, Hoàng đế bấy giờ (vua Gia Long) mới lấy chủ quyền trên quần đảo ấy (tức Hoàng Sa)". Hay giám mục Jean Louis Taberd khẳng định: "Năm 1816, ông (vua Gia Long) đã tới long trọng cắm cờ chính thức giữ chủ quyền tại các hòn đảo đá này mà hình như không một ai tranh giành với ông". Sự kiện này là minh chứng đậm nét nhất, lần đầu tiên về mặt nhà nước, một triều đại phong kiến chính thức của Việt Nam cắm mốc để khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa.

20200921-l9.jpg

Bản vẽ Đại Nam nhất thống toàn đồ thời Minh Mạng thể hiện rõ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Ảnh: Tư liệu


Một dấu ấn nữa được triều Nguyễn tạo nên dưới triều vua Minh Mạng. Trong sách "Đại Nam thực lục chính biên - đệ nhị kỷ", quyển 122 của Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi rõ vào tháng giêng năm Minh Mạng thứ 17-1836, Bộ Công tâu với triều đình: "... Xin từ năm nay trở về sau mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chọn phái biền binh thủy quân và vệ giáp thành đáp một chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng 2 thì đến Quảng Ngãi, bắt 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa. Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến, cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển bốn bên xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại, xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào thuyền đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ bến, đối thẳng vào là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói rõ, đem về dâng trình".

Sau đó, vua Minh Mạng chuẩn y lời tâu của Bộ Công, sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi, đồng thời cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến Hoàng Sa dựng. Mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc dòng chữ: "Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ".

Cả 2 sự kiện trên được thực hiện vô cùng thuận lợi mà không có bất kỳ sự tranh chấp, can thiệp của bất kỳ quốc gia nào khác.

Bên cạnh việc cắm mốc chủ quyền, trước đó 1 năm, năm Minh Mạng thứ 16-1835, nhà vua còn cho xây miếu, dựng bia chủ quyền. "Đại Nam thực lục" ghi lại như sau: "Bãi Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi có một chỗ nổi cồn cát trắng cây cối xanh um, giữa cồn cát có cái giếng, phía Tây Nam có miếu cổ, có bia khắc bốn chữ "vạn lý ba bình". Năm ngoái (tức năm Minh Mạng thứ 15-1834) vua toan dựng miếu, lập bia ở chỗ ấy bỗng vì sao không làm được. Đến đây mới sai cai đội thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ giám thành cùng phu thuyền 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến đây dựng miếu (cách tòa miếu cổ 7 trượng). Bên tả miếu dựng bia đá, phía trước xây cái bình phong. 15 ngày làm xong rồi về".

Sở hữu hợp pháp

Ngược dòng lịch sử, ngay sau khi giành được thắng lợi trước quân Tây Sơn, lập nên nhà Nguyễn (1802), năm 1803, vua Gia Long cho lập lại đội Hoàng Sa, cử cai đội Võ Văn Phú làm chỉ huy đi khảo sát, vẽ bản đồ của các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, phục vụ cho việc khai thác tài nguyên và thực thi chủ quyền.

Đến lúc kế nhiệm, vua Minh Mạng nhận thức phái người đến vùng đảo Hoàng Sa thực hiện việc đo đạc thủy trình và vẽ bổ sung những điểm còn thiếu trên bản đồ, hình thành một hệ thống bản đồ chi tiết. Vua Minh Mạng giao cho thủy quân có trách nhiệm đo đạc thủy trình và thuê thuyền của dân hướng dẫn hải trình. Việc này được thực hiện thường xuyên và có hệ thống, góp phần vào việc thành công của bản vẽ Đại Nam nhất thống toàn đồ thời Minh Mạng.

Về mặt khai thác tại xứ Hoàng Sa, các tài liệu ghi chép khá tản mạn, song trong "Đại Nam thực lục" và "Đại Nam nhất thống chí" cũng đã có ghi lại như sau: Vào năm (1834), vua Minh Mạng sai Giám thành đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vẽ bản đồ. Khi trở về đã "đem dâng vua những thứ chim, cá, ba ba, ốc, sò ngao đã bắt được ở nơi đó, đều là những vật lạ, ít thấy". Trong "Đại Nam nhất thống chí" cũng có ghi chép: "Trong quá trình dựng miếu, các bình phu đắp nên miếu đào được lá đồng và gang sắt có đến 2.000 cân".

Nhờ cho người thường xuyên đến khảo sát xứ Hoàng Sa nên đến thời vua Minh Mạng, bản Đại Nam nhất thống toàn đồ đã thể hiện rất rõ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cho dù trong cách nhìn nhận của triều Nguyễn vẫn chỉ xem 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là xứ Hoàng Sa nhưng có thể thấy rằng thông qua việc khảo sát, đo đạc, khai thác tại xứ Hoàng Sa, triều Nguyễn đã làm rõ ràng hơn sự chiếm hữu hợp pháp của Việt Nam tại 2 quần đảo này.

Điều quan trọng là thông qua những cứ liệu lịch sử được ghi lại của Quốc sử quán triều Nguyễn và một số cứ liệu lịch sử của các học giả nước ngoài, chúng ta thấy được ý thức về biển, đảo của 2 vị vua đầu tiên nhà Nguyễn và có được những minh chứng đậm nét để khẳng định chủ quyền tuyệt đối, bất khả xâm phạm của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
 
Việc cắm mốc, xây miếu, dựng bia chủ quyền là một trong những biện pháp cốt lõi để khẳng định chủ quyền của 2 vị vua Gia Long và Minh Mạng, để lại những cơ sở lịch sử vô cùng quan trọng trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước ta hiện nay.
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4482481

Trực tuyến: 66

Hôm nay: 187

Hôm qua: 7507