Thứ Năm, 28/03/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình

Ngành Thông tin và Truyền thông: Vững tin bước vào giai đoạn mới

Thứ tư, 02/02/2022

Trong những năm qua, ngành Thông tin và Truyền thông Ninh Bình đã và đang có những bước phát triển mới, khẳng định vị trí, vai trò của một ngành nhiều lĩnh vực, có tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước từ tỉnh đến cơ sở được tăng cường, phát huy hiệu quả trên các lĩnh vực quản lý nhà nước báo chí xuất bản, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, từng bước tạo thế và lực mới cho sự phát triển TT&TT trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt năm 2021, Sở TT&TT đã khẩn trương, quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu kép và đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, đóng góp tích cực vào phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

* Triển khai quyết liệt các nhiệm vụ của ngành tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Triển khai có hiện quả công tác thông tin tuyên truyền phòng chống dịch: Ban hành 09 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan báo chí, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh các huyện, thành phố tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện yêu cầu 5K của Bộ Y tế, khuyến khích thực hiện khai báo y tế tự nguyện, khai báo điện tử, đăng ký thông tin để lấy mã và sử dụng mã QR-Code, cài đặt các ứng dụng truy vết Bluezone... Xây dựng phóng sự tuyên truyền, các file âm thanh để tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng chống dịch bệnh.

Thực hiện đăng ký, khai báo và sử dụng điểm kiểm soát dịch điện tử: Ban hành các văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp thực hiện khai báo và sử dụng Điểm kiểm soát dịch điện tử và triển khai giải pháp công nghệ để thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, kích hoạt bản đồ cảnh báo địa điểm cách ly, nguy cơ nhiễm dịch; triển khai hệ thống phần mềm phòng, chống, đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong các cơ sở sản xuất kinh doanh của tỉnh. 

Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Tổ công nghệ hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Ban hành Kế hoạch hoạt động của Tiểu ban Ứng dụng CNTT quản lý tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch Covid-19 và truyền thông.

Phối hợp triển khai hệ thống camera giám sát tại các cơ sở cách ly tập trung để phòng, chống Covid-19: Thực hiện Văn bản số 225/UBND-VP6 ngày 06/05/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai hệ thống camera giám sát tại các cơ sở cách ly tập trung để phòng, chống Covid-19 và Văn bản số 427/UBND-VP6 ngày 22/7/2021 về việc triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu cách ly y tế tập trung, đến nay, đã kết nối, tích hợp 14 điểm cách ly/118 mắt camera của tỉnh với Trung ương. 

Đôn đốc, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị tăng cường sử dụng hệ thống truyền hình hội nghị: Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, hệ thống Truyền hình hội nghị của tỉnh với 162 điểm cầu từ tỉnh đến cơ sở đã phá huy vai trò trong công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh với việc hỗ trợ, kết nối, tổ chức 10 cuộc họp trực tuyến ở tất cả các cấp. 

* Thông tin – Tuyên truyền tạo đồng thuận xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh Ninh Bình với bạn bè trong nước và quốc tế

Theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan báo chí làm tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, phổ biến đường lối quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thông tin về thành tựu của đất nước và của tỉnh, góp phần ổn định chính trị, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân trong tỉnh. Hoạt động của các cơ quan báo chí đã góp phần định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân. Thông qua công tác tuyên truyền ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của báo chí đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Việc quảng bá hình ảnh, tiềm năng thu hút đầu tư, phát triển du lịch…trên địa bàn tỉnh ngày càng được tăng cường, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh, Ninh Bình được người dân trong và ngoài nước biết đến ngày càng nhiều hơn.

Thực hiện điểm tin tức nổi bật trong nước và quốc tế; tin tức nổi bật trên báo chí Ninh Bình và tin tức viết về Ninh Bình trên báo chí Trung ương phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo tỉnh. Thường xuyên rà soát, theo dõi hoạt động của gần 2.000 trang thông tin điện tử có chủ sở hữu là người Ninh Bình. Triển khai, phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam quảng bá về đất và người Ninh Bình. Tổ chức thành công Ngày Sách Việt Nam tỉnh Ninh Bình lần thứ 8 năm 2021 - Triển lãm ảnh “Bác Hồ với bầu cử Quốc hội” và khai trương Cổng thông tin- giao tiếp điện tử phục vụ bầu cử tỉnh tại Thư viện tỉnh ngày từ ngày 13-21/4/2021, thu hút khoảng 2000 lượt người tham gia. 

* Tập trung triển khai Ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện Chương trình Chuyển đổi số của tỉnh 

Tham mưu UBND tỉnh tham mưu ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình chuyển đổi số của tỉnh được khởi động với nhiều kết quả. Quan tâm đầu tư, phát triển nền tảng của chính quyền điện tử, đô thị thông minh tỉnh Ninh Bình; một số nền tảng dùng chung của tỉnh đã được đầu tư xây dựng và hoạt động ổn định, hiệu quả; hạ tầng mạng truyền dẫn thường xuyên được xây dựng, phát triển, đáp ứng cơ bản yêu cầu công tác xây dựng chính quyền điện tử/chính quyền số, chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh của tỉnh; đồng thời, đảm bảo phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 12/7/2021 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai thí điểm mô hình “Chính quyền số” tại thành phố Tam Điệp và thí điểm mô hình chuyển đổi số cho 13 xã thuộc 5 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thí điểm chuyển đổi số cho xã Yên Hòa, huyện Yên Mô. 

Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã triển khai liên thông 3 cấp chính quyền. Đến nay, hệ thống đã cung cấp 7.333 tài khoản người dùng và đã có trên 4.8 triệu lượt văn bản được lưu chuyển trên hệ thống. 100% cơ quan, đơn vị đã thực hiện ký số hồ sơ, văn bản điện tử. Hoàn thành việc đưa 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện lên áp dụng dịch vụ công ở mức độ 4.

Các doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và đáp ứng nhu cầu của người dân; đặc biệt là đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ các nhiệm chính trị, sự kiện lớn của tỉnh. Xây dựng, ban hành phương án đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021. Tăng cường quản lý và phát triển hạ tầng viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh và triển khai mục tiêu 100% xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ. Doanh thu dịch vụ bưu chính viễn thông ước đạt 1.400 tỷ đồng.

* Vững tin bước vào giai đoạn mới

Trên cơ sở thành tựu đạt được những năm qua, thời gian tới ngành Thông tin và Truyền thông Ninh Bình tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực, tận dụng tối đa lợi thế của ngành nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao trình độ công nghệ; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Phương Thảo
 

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4320547

Trực tuyến: 55

Hôm nay: 7570

Hôm qua: 8017