Thứ sáu, 29/03/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh

Thứ tư, 03/11/2021
Chiều 2/11, theo chương trình thăm và làm việc tại Ninh Bình về phát triển kinh tế- xã hội và kinh tế tập thể, hợp tác xã, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và Đoàn công tác đã làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
 

Quang cảnh buổi làm việc.

Dự buổi làm việc, đại biểu Trung ương có các đồng chí: Lê Khánh Hải, UVT.Ư Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Lương Quốc Đoàn, UVT.Ư Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương.

Đón, tiếp, làm việc với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Phát biểu chào mừng, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình rất vinh dự, vui mừng được đón đồng chí Chủ tịch nước; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương về thăm và làm việc tại tỉnh. 
 
 
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
 
Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trân trọng chúc mừng đồng chí Chủ tịch nước đã cùng với tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị lãnh đạo đất nước, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, từng bước vượt qua những khó khăn chưa từng có của đại dịch COVID-19. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng vui mừng báo cáo với Chủ tịch nước và Đoàn công tác, trong 10 tháng đầu năm 2021, dù có nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình đã đoàn kết, chủ động, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đạt được những kết quả quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.

Tính đến thời điểm này, tỉnh gần như không có F0 trong cộng đồng dù các tỉnh giáp ranh đã xuất hiện các ổ dịch. Ninh Bình là một trong những tỉnh vùng xanh nhưng lại thuộc nhóm đứng đầu cả nước về độ bao phủ vắc xin cho người dân, tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 1 đạt trên 88% và dự kiến trong nửa đầu tháng 11 sẽ hoàn thành việc tiêm vắc- xin mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, Ninh Bình cũng là một trong số ít các tỉnh đã hoàn thành việc tiêm vắc - cho toàn bộ học sinh phổ thông trung học; Ninh Bình cũng đã ban hành và thực hiện tốt phương án, kịch bản, mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; đã nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng và đang phấn đấu để chậm nhất đầu tháng 12 tới sẽ mở cửa trở lại các hoạt động du lịch.

Nhờ kiểm soát được dịch bệnh, các hoạt động sản xuất cơ bản không bị đình trệ, học sinh vẫn được đến trường ngay từ đầu năm học, các chỉ tiêu kinh tế tiếp tục tăng trưởng toàn diện, chỉ duy nhất dịch vụ, du lịch giảm sâu, còn lại các khu vực khác đều tăng. Tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 7,18%; thu ngân sách 10 tháng đạt 88% dự toán, trong đó số thu từ sản xuất kinh doanh đạt 94%, tăng 40% so cùng kỳ năm trước; năm nay là năm thứ 5 liên tiếp điểm thi tốt nghiệp phổ thông trung học của Ninh Bình xếp thứ 3 toàn quốc.

Là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung cao cho lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, đề án, nhất là các vấn đề chiến lược nhằm phát huy những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh cũng như tháo gỡ khó khăn, giải quyết những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của tỉnh. Nhiều văn bản về xây dựng đảng lần đầu tiên được ban hành như Nghị quyết về công tác kiểm tra, giám sát, về phát triển đảng viên, về chương trình phòng chống tham nhũng, về quy chế công tác dân vận. 

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã quyết sách một số vấn đề lớn như chủ trương xây dựng trục đường Đông- Tây kết nối vùng miền núi Nho Quan với vùng biển Kim Sơn, tiếp tục thực hiện tuyến đường bộ ven biển, đường Bái Đính- Ba Sao; đầu tư xây dựng tổ hợp bảo tàng, thư viện, trung tâm hành chính; dự án bảo tồn, tôn tạo, khai quật khảo cổ và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa Khu di tích đặc biệt Cố đô Hoa Lư tạo dư địa phát triển mới và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của tỉnh...

Báo cáo với Chủ tịch nước về việc thực hiện nhiệm vụ đồng chí giao khi về làm việc với tỉnh trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết đến thời điểm này, gần như chắc chắn là đến năm 2022 (hiện đã trình Quốc hội), Ninh Bình là tỉnh tự cân đối ngân sách và thực hiện điều tiết về ngân sách trung ương, đây là mục tiêu về đích sớm ba năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. 

Ninh Bình cũng đang phấn đấu trở thành trung tâm du lịch của Quốc gia trước năm 2030, về đích nông thôn mới vào năm 2024. An ninh chính trị, an sinh cho người dân, công tác cải cách tư pháp, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, huy động nguồn lực xã hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả tốt.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ mong muốn qua buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch nước, các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương tiếp tục sẽ có những lãnh đạo, chỉ đạo, gợi mở những đường hướng phát triển của tỉnh Ninh Bình trên các lĩnh vực, đặc biệt là thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp phụ trợ ô tô, phát triển du lịch; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã; tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh trong thời gian tới để Ninh Bình có bước phát triển mạnh mẽ, đột phá hơn nữa. 

 
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo về kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, nhiệm vụ năm 2022.

Báo cáo với Chủ tịch nước và Đoàn công tác về kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, nhiệm vụ năm 2022, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2021 trước tình hình khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, cùng sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, sự đồng hành của cộng động doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh, do vậy, đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Đã lãnh đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt 99,57%, không có đơn vị bầu bổ sung, bầu lại. 

Đặc biệt đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, nhất quán, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19. Từ tháng 1/2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có duy nhất 2 trường hợp mắc COVID-19 ở cộng đồng và đã nhanh chóng khống chế, không để lây lan; đã qua 28 ngày tỉnh không ghi nhận ca bệnh thứ phát; đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP, toàn tỉnh đang ở cấp độ 1 (màu xanh). Đã huy động nguồn lực, triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho toàn dân sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh từ đủ 18 tuổi trở lên đạt 88,27% từ trước ngày 13/10/2021; trong đó có 102.607 người được tiêm đủ 2 mũi (đạt 15,41% tổng dân số trên 18 tuổi đang sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh); đã tiêm được 32.459 liều vắc-xin mũi 1 cho học sinh THPT 15-18 tuổi (đạt 96,98% tổng số học sinh THPT); đang tổ chức tiêm vắc-xin mũi 2 người dân trên 18 tuổi (cơ bản hoàn thành trước ngày 08/11/2021). 

Bên cạnh đó, tỉnh đã kịp thời thành lập, cử các Đoàn cán bộ y tế của tỉnh tham gia và hỗ trợ các tỉnh, thành phố phía Nam phòng chống dịch COVID-19; Tổ chức đón công dân Ninh Bình tại các tỉnh phía Nam về địa phương và hỗ trợ miễn phí cho công dân các tỉnh khác về quê khi qua đi địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt công tác hỗ trợ cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, đảm bảo kịp thời, công khai, chính xác, đúng đối tượng. 

Đã ban hành Kế hoạch về phương án, kịch bản phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh".

Kinh tế tiếp tục phát triển; xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo, đến hết năm 2021 có 117/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 98,3%, có 17 xã NTM nâng cao, 11 xã NTM kiểu mẫu, 4 huyện đạt chuẩn NTM và 1 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; năm 2021 có thêm 11 xã và huyện Yên Mô đạt chuẩn nông thôn mới. Thu ngân sách đạt kết quả tích cực, dự kiến tổng thu năm 2021 vượt kế hoạch (ước đạt khoảng 19.000 tỷ đồng), năm 2022 tỉnh sẽ tự cân đối ngân sách...

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm.

Về kết quả phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX), tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ, lồng ghép các chương trình, chính sách hỗ trợ thành lập mới, hỗ trợ chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Đến nay, toàn tỉnh có 421 HTX; số HTX, Tổ hợp tác hoạt động năng động, đổi mới và có hiệu quả tăng lên. Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX giai đoạn 2013-2021 có bước phát triển vượt bậc, thu nhập của thành viên và lao động HTX tăng 5 lần so với năm 2013.

Trong giai đoạn 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và 10 năm triển khai thực hiện Luật HTX năm 2012, KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển về cả chất và lượng, doanh thu và lợi nhuận được tăng dần, từng bước làm tốt hơn vai trò phục vụ thành viên, tạo được niềm tin trong thành viên HTX, khẳng định được vai trò, vị thế trong xã hội, đáp ứng các nhu cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và tạo công ăn việc làm cho thành viên và người lao động yếu thế trong khu vực nông thôn, góp phần quan trong trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị và đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong tỉnh. Qua đó khẳng định KTTT, HTX là hình thức tổ chức kinh tế - xã hội cần được ưu tiên phát triển, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và khu vực người dân gặp nhiều khó khăn hay bất lợi.

Bên cạnh kết quả đạt được, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề cập các hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn; đè xuất, kiến nghị một số vấn đề cần được quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện giải quyết đối với kinh tế tập thể và các HTX.

Theo yêu cầu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, các đại biểu tập trung thảo luận, nêu bật kết quả chung, những hạn chế yếu kém cần khắc phục và đường hướng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của cả nước, kinh nghiệm quốc tế, thực tế của Ninh Bình.
 
 
Đồng chí Lê Khánh Hải, UVT.Ư Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước phát biểu tại buổi làm việc.

 
Đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng với những kết quả đạt được toàn diện của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình thời gian qua; đặc biệt là công tác phòng chống dịch đạt kết quả tốt. Phát triển kinh tế nói chung, KTTT, HTX đạt thành quả toàn diện; cơ cấu kinh tế; công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ đang phát triển mạnh mẽ; du lịch đang dần trở thành ngành mũi nhọn là những kết quả rất đáng mừng.

 
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc.
 
Chủ tịch nước nhấn mạnh: Với kết quả thu ngân sách đã đạt được, tỉnh phấn đấu tự cân đối ngân sách vào năm 2022 là cố gắng rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Việc giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án lớn được lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đạt kết quả tốt.

Chủ tịch nước đặc biệt biểu dương công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, trong đó có việc xã hội hóa vắc xin phòng COVID-19; việc triển khai chủ động, tích cực thực hiện tốt mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra; người dân an toàn, Ninh Bình vẫn là vùng xanh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Chủ tịch nước cũng ghi nhận thành quả phát huy, bảo tồn văn hóa của tỉnh và cho rằng đây chính là nền tảng quan trọng để xây dựng Ninh Bình là Cố đô đặc sắc về du lịch. 

Chủ tịch nước cũng ghi nhận sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Ninh Bình đã có những quyết sách cụ thể rất sát thực để lãnh đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ. Chủ tịch nước biểu dương, đánh giá cao những cố gắng lớn lao của Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình trong thời gian qua.

Đối với buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyên Xuân Phúc đánh giá cao sự chuẩn bị rất nghiêm túc, đầy đủ của tỉnh Ninh Bình cho buổi làm việc, nhất là các nội dung về KTTT, HTX rất đầy đủ, chi tiết, tỉ mỉ về kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế, nguyên nhân và đề xuất kiến nghị.

Khẳng định KTTT nói chung, HTX nói riêng có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần tổng kết lý luận, tổng kết mô hình, nhân rộng cách làm hiệu quả trong phát triển KTTT, HTX. 

Bày tỏ vui mừng với những kết quả phát triến HTX của Ninh Bình với nhiều mô hình HTX tốt, gần 60% tổng số lao động của tỉnh tham gia kinh tế hợp tác; có nhiều mô hình tốt, đặc biệt qua khảo sát 2 mô hình (HTX Gốm Bồ Bát và HTX Sinh Dược) có thể khẳng định dưới sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã đã quan tâm nhìn nhận về kinh tế thị trường rất tốt; giải quyết tốt vấn đề phúc lợi, quyền lợi của xã viên; quan tâm người lao động, có chiến lược phát triển; đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đến người lao động, có sự quan tâm của tổ chức Công đoàn, các đoàn thể...

Với kết quả bước đầu của tỉnh Ninh Bình có thể nói sự phát triển của kinh tế hợp tác xã, phát triển HTX là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và coi đây là nhiệm vụ chính trị cần tập trung thực hiện. Chủ tịch nước khẳng định nếu hệ thống chính trị không quan tâm thì khó có thể có thành công của kinh tế tập thể, HTX. Vai trò của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng đối với kinh tế hợp tác, HTX là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Bên cạnh đó, rất quan trọng là phải khai thác lợi thế tiềm năng của mô hình HTX, đó là lợi thế về mặt xã hội, lợi thế về số đông để tạo sự thay đổi sâu sắc, căn bản trong phương thức sản xuất; lưu ý phát triển bền vững, chiến lược phát triển kinh tế hợp tác, quản trị HTX. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức có liên quan tập trung tháo gỡ những vướng mắc, những khó khăn hiện nay, những hạn chế bất cập để tạo điều kiện cho  kinh tế hợp tác, HTX phát triển. 

Khái quát các yếu tố để kinh tế hợp tác và HTX thành công, Chủ tịch nước cho rằng cùng với phải có một tổ chức phù hợp, hiện đại, kiểu mới hoạt động hiệu quả, các HTX phải có tầm nhìn chiến lược, các HTX phải cùng chung tầm nhìn chiến lược để cùng nhau phát triển; áp dụng các mô hình quản trị tổ chức của một doanh nghiệp hiện đại; phải thu hút được nguồn nhân lực có tri thức và kỹ năng cao, nhất là nguồn nhân lực trẻ; mạnh dạn đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, quản trị để tăng năng suất, sức cạnh tranh. Kinh tế HTX phải gắn với thế mạnh địa phương.

Chủ tịch nước đề nghị trong thời gian tới tỉnh Ninh Bình tiếp tục phát huy kết quả 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Cấp ủy, chính quyền quan tâm hỗ trợ về cơ chế, chính sách nguồn lực để kinh tế hợp tác và HTX phát huy thế mạnh và đóng góp cho sự phát triển kinh tế trên địa bàn... để Ninh Bình tiếp tục là tỉnh phát triển kinh tế HTX tốt nhất với cách làm, các mô hình hiệu quả.

Kết quả đạt được là nền tảng rất quan trọng, Chủ tịch nước chúc Ninh Bình phát triển toàn diện nhiều mặt, chúc Đảng bộ, chính quyền với quyết tâm cao, đưa Ninh Bình phát triển mạnh mẽ hơn.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tặng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Ninh Bình bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tặng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Ninh Bình bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Ninh Bình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà trân trọng tiếp thu các ý kiến phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và khẳng định, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực, cụ thể hóa chỉ đạo của Chủ tịch nước trong các chương trình công tác của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các cấp các ngành để hoàn thành hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đặc biệt là thực hiện tốt những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước tại buổi làm việc. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chủ tịch nước, các bộ, ngành để tỉnh hoàn thành nhiệm vụ, sớm đạt được những mục tiêu đề ra, tạo động lực phát triển mới cho Ninh Bình trong thời gian tới.
 

 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao tặng Chủ tịch nước món quà là sản phẩm tranh lá Bồ đề- sản phẩm du lịch tiêu biểu của Ninh Bình. 
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4324776

Trực tuyến: 51

Hôm nay: 3881

Hôm qua: 7918