Thứ Bảy, 20/04/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân

Chủ nhật, 10/07/2022

Hướng đến sự hài lòng của người dân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC), thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC), tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa, một cửa liên thông.

Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh hướng đến sự hài lòng của người dân.

Phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) là một trong những điểm sáng về công tác CCHC. Với quan điểm tất cả hướng đến sự hài lòng của người dân, phường đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát đối với bộ phận một cửa, không để xảy ra trường hợp cán bộ, công chức gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Năm 2021, phường Nam Bình xếp thứ 2 toàn thành phố về chỉ số cải cách hành chính, tăng 4 bậc so với năm 2020.

Đồng chí Phạm Thị Hồng Thắm, Phó Chủ tịch UBND phường Nam Bình cho biết: Thực hiện kế hoạch CCHC, phường thực hiện hiện đại hóa trang thiết bị, các điều kiện phục vụ cho công tác CCHC ở bộ phận một cửa; chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tăng cường công tác kiểm tra việc tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ ở bộ phận một cửa; hướng dẫn nhân dân và các tổ chức đoàn thể về các TTHC tại bộ phận một cửa để nhân dân nắm được khi đến thực hiện giao dịch… 

Còn tại Sở Văn hóa, Thể thao, đồng chí Nguyễn Thị Bích Hạnh, cán bộ tiếp nhận và trả kết quả của Sở cho biết: Từ năm 2021 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao có 100% thủ tục hành chính thực hiện trên môi trường điện tử ở mức độ 4. Để góp phần nâng cao chỉ số CCHC, tôi đã nỗ lực trong việc tiếp nhận và trả kết quả, nâng cao chỉ số hài lòng của tổ chức, nhân dân; tận tình hướng dẫn người dân khi có vướng mắc trong thực hiện TTHC trực tuyến, giúp người dân nộp hồ sơ nhanh gọn, hài lòng nhất. 

Đồng chí Phạm Văn Chung, Phó trưởng Phòng nghiệp vụ, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Nhằm nâng cao mức độ hài lòng cho tổ chức, công dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm đã đưa thêm tính năng tra cứu tiến trình giải quyết TTHC thông qua ứng dụng quét mã QR trên ứng dụng zalo được tạo tự động trên phiếu tiếp nhận và hẹn trả kết quả cho tổ chức, công dân (tiện lợi cho việc tra cứu tiến độ giải quyết TTHC đang ở bước nào bằng cách quét mã QR trên ứng dụng zalo, thay vì trước đây phải nhập mã hồ sơ để tra cứu trên Cổng dịch vụ công của tỉnh). 

Tập trung nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm về chuyển đổi số thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn hàng tuần, gắn với việc tạo tài khoản số cho công dân trên cổng dịch vụ công quốc gia (cán bộ tiếp nhận hồ sơ của các sở, ban, ngành sẽ số hóa các thành phần hồ sơ trong TTHC của công dân và tổ chức nộp để làm giàu thêm dữ liệu cho tổ chức, công dân và cơ quan quản lý Nhà nước). Trung tâm tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh đầu tư thêm một số trang thiết bị phục vụ việc số hóa các TTHC đặc thù như các bản vẽ A0, các hồ sơ có TTHC đặc thù liên quan đến âm thanh và hình ảnh để phục vụ số hóa TTHC và chuyển đổi số trong thời gian tới.

Trong những năm qua, đặc biệt là năm 2021 và 2022, thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thực hiện chủ đề công tác năm là "Kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính", các cấp, các ngành, đơn vị trong tỉnh đẩy mạnh việc CCHC, thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông. 

Rà soát, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT; nâng cấp hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công, hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh. Rà soát, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Nâng cấp, bổ sung tính năng, đáp ứng việc ký số, gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong tỉnh và liên thông với các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh qua trục liên thông văn bản quốc gia; liên thông giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước và MTTQ trên địa bàn tỉnh. Cung cấp cho 100% công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh với tổng số 15.000 tài khoản thư điện tử công vụ.

Bên cạnh đó, các đơn vị trong tỉnh đã quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, trình độ, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu. Tỉnh thường xuyên tổ chức đào tạo tập huấn, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho các cán bộ tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch và diễn tập an toàn thông tin, ứng cứu sự cố mạng máy tính của các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội. Hiện nay, toàn tỉnh có 267 cán bộ chuyên trách về CNTT tại các cơ quan, đơn vị, trong đó trình độ từ đại học trở lên chiếm tỷ lệ 69,6%.

Đến nay, Cổng Dịch vụ công của tỉnh đã triển khai và hoạt động hiệu quả trên cơ sở tích hợp, kết nối liên thông với hệ thống một cửa điện tử của 18 sở, ban, ngành, 8 UBND cấp huyện và 3 đơn vị ngành dọc là Công an tỉnh, BHXH tỉnh, Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình. 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được đưa lên mức độ 4 (cụ thể 1.250 dịch vụ) và 806 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và đang được tiếp tục triển khai trong thời gian tới. 

Tính từ ngày 1/1-30/5/2022, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 59,46%; từ ngày 1/1-10/6/2022, tổng văn bản trao đổi trên trục liên thông văn bản quốc gia 8.387 văn bản (trong đó 1.857 văn bản đi, 6.530 văn bản đến). 

Tiến Minh (baoninhbinh.org.vn)

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4495878

Trực tuyến: 44

Hôm nay: 4763

Hôm qua: 8821