Thứ sáu, 29/03/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình

Chưa ngăn chặn được nguồn cung ma túy ở nước ngoài vào

Thứ ba, 10/11/2020
Trả lời câu hỏi chất vấn về tội phạm ma túy, Đại tướng Tô Lâm, Bộ Công an nêu bối cảnh năm 2020 có rất nhiều khó khăn trong cách ly xã hội do dịch bệnh, nhưng tội phạm ma túy vẫn hoạt động rất mạnh.
 
 
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
 
Dẫn số liệu thống kê từ Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cho biết tỷ lệ phát hiện và xử lý các vụ ma túy tăng so với 2019 là 30%, thu giữ trên 700 kg heroin, gần 4 tấn và 2,2 triệu viên ma túy tổng hợp.
 
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết việc đấu tranh với loại tội phạm này đang đứng trước 3 thách thức lớn.
 
Trước hết, áp lực về ma túy ở nước ngoài rất lớn với chúng ta, không phải chỉ ở vùng Tam Giác Vàng mà còn là sản xuất ma túy tổng hợp trong nước. “Nguồn cung ma túy còn rất lớn, chúng tôi đã tập trung xử lý nhưng chưa ngăn chặn được nguồn cung ở nước ngoài vào”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
 
Trong khi đó, ở trong nước, thống kê có hơn 250.000 người nghiện ma túy có hồ sơ nhưng con số thực tế lớn hơn rất nhiều. Điều này cho thấy công tác cai nghiện, sử dụng ma túy còn vấn đề.
 
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Công an cho biết còn khó khăn, vướng mắc về pháp luật nên Bộ Công an đang trình Quốc hội sửa đổi Luật Phòng chống ma túy để khắc phục trong thời gian tới.
 
Giải pháp được đại tướng Tô Lâm đưa ra là tiếp tục chỉ thị 36 của Bộ Chính trị, đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật phòng chống ma túy, tiếp tục giải quyết, ngăn chặn các nguồn cung, nguồn cầu trong nước.
 
Dự kiến sáng 12/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Dự thảo Luật gồm 8 chương, 69 điều (so với Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 tăng 13 điều) trong đó giữ nguyên 7 điều và sửa đổi, bổ sung 47 điều và quy định 15 điều mới.
 
Theo dự thảo Luật, ba chính sách của dự án Luật được đề xuất gồm: Quy định cơ chế quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; Xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc và khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện; Xây dựng quy định về phòng, chống ma túy bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
 
Đánh giá tác động của chính sách quy định cơ chế quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy cho thấy quy định này góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong phòng, chống ma túy và phòng ngừa tội phạm, tệ nạn ma túy thông qua công tác quản lý người sử dụng ma túy; tăng cường một bước cơ chế hữu hiệu phòng, chống ma túy và phòng ngừa tệ nạn ma túy...
 
Đối với chính sách bảo đảm hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc và khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện, về tác động xã hội, chính sách góp phần nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc, đảm bảo cho người nghiện được áp dụng các biện pháp cai nghiện tốt nhất, góp phần giảm người nghiện ngoài xã hội, mang lại hiệu quả cao cho xã hội.
 
Đồng thời, Luật khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện sẽ huy động được nguồn lực của xã hội trong công tác cai nghiện, giảm chi ngân sách cho công tác này; tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể, đầy đủ để thực hiện công tác cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc. Người nghiện ma túy có nhiều lựa chọn hơn, chế độ, chính sách tốt hơn trong việc cai nghiện để trở thành người có ích cho xã hội, tái hòa nhập lại cuộc sống xã hội.
 
Dự Luật cũng có chính sách xây dựng quy định về phòng, chống ma túy đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Dự thảo Luật quy định về nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan; về kiểm tra, thanh tra trong quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy...
 
Hoàng Anh (tiengchuong.vn)
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4328860

Trực tuyến: 57

Hôm nay: 7965

Hôm qua: 7918