Thứ Bảy, 20/04/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Kim Sơn phát triển nông nghiệp toàn diện và hiệu quả

Thứ sáu, 07/08/2020

 Thực hiện Nghị quyết 02-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Kim Sơn, nhiệm kỳ 2015-2020 về "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững", huyện đã tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hàng hóa và bền vững, trong đó giá trị sản xuất từ cây lúa, chăn nuôi và nuôi, trồng thủy sản là những lĩnh vực đạt hiệu quả cao.

Kim Sơn phát triển nông nghiệp toàn diện và hiệu quả

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Công ty cổ phần đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh (Kim Sơn). Ảnh: Đức Lam

Trồng trọt phát triển theo hướng nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất

Đồng chí Trần Anh Khiêm, Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện chia sẻ: Diện tích trồng lúa hàng năm trên địa bàn huyện có xu hướng giảm dần, năm 2016 có 16.474,2 ha đến năm 2019 còn 16.339,1 ha (giảm 135,1 ha), chiếm 31,99% trong cơ cấu giá trị nội bộ ngành. Diện tích trồng lúa giảm là do chuyển đổi sang trồng rau màu, nuôi, trồng thủy sản và chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp. 

Các giống lúa thuần, lúa chất lượng cao có xu hướng tăng và giảm diện tích các giống lúa lai. Năm 2019, diện tích các giống lúa thuần, lúa chất lượng cao là 15.425,8 ha, chiếm 94,4%; diện tích lúa lai là 913,3 ha, chiếm 5,6%. Những năm gần đây, diện tích các giống lúa tám, nếp, dự được tăng lên; vụ mùa 2019 diện tích các giống này là 2.617,4 ha, tăng 2.084,4 ha so với vụ mùa 2016. Các giống lúa này trước đây thường cho năng suất thấp và không ổn định, thường xuyên bị mất mùa do thiên tai và sâu bệnh phá hại. Hiện nay, do nhu cầu của thị trường tăng cao và các hộ dân đã thực hiện tốt việc chăm bón, phòng trừ sâu bệnh nên diện tích không ngừng tăng qua các năm. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đang thực hiện dự án phục tráng giống nếp hạt cau và xây dựng thương hiệu chứng nhận cho giống lúa này. 

Diện tích trồng cây ngô có xu hướng giảm và trồng ngô mang tính chất nhỏ lẻ, rải rác ở các xã. Diện tích cây rau màu tăng qua các năm và chủ yếu trồng trên đất màu vườn nhằm tự cung, tự cấp; cây dược liệu có bước phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao với các loại cây chủ yếu là: Bạch chỉ, trạch tả, đinh lăng, bồ công anh. Riêng lĩnh vực lâm nghiệp không đóng góp nhiều trong tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản nhưng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ đê biển, chống biến đổi khí hậu, mỗi năm trồng mới từ 20-25 ha. Tổng diện tích rừng ngập mặn hiện là 510.81 ha, trong đó: vị trí từ đê Bình Minh 2 đến đê Bình Minh 3 là 205 ha; ngoài đê Bình Minh 3 là 305.81 ha…

Có thể khẳng định, ở lĩnh vực này, diện tích gieo cấy lúa đã chuyển mạnh sang lúa thuần, lúa chất lượng cao, lúa đặc sản và trồng cây dược liệu… nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất. Mặc dù, diện tích lúa có xu hướng giảm nhưng diện tích, năng suất và sản lượng lúa của huyện vẫn đứng trong tốp đầu của tỉnh. 

Chăn nuôi, thủy sản được chú trọng

Đồng chí Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cũng cho biết: Đàn gia súc, gia cầm được duy trì, phát triển theo hướng trang trại, gia trại với tổng đàn gia súc hiện khoảng 100.000 con, gia cầm khoảng 1,1 triệu con;  giá trị sản xuất chiếm trên 15% trong cơ cấu của nội bộ ngành. ở lĩnh vực sản xuất này, chăn nuôi lợn cho hiệu quả kinh tế cao nhất, đóng góp chính vào sản lượng thịt hơi xuất chuồng hàng năm của huyện.

Giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản hiện chiếm khoảng 50% trong cơ cấu nội bộ ngành với tổng diện tích nuôi thả năm 2019 là trên 4.370 ha, sản lượng ước đạt gần 28 nghìn tấn. Diện tích thủy sản tăng cả ở nuôi nước ngọt và nuôi nước mặn, lợ là do chuyển đổi từ đất trồng lúa, ao ven đê sông và tăng diện tích nuôi ngao ngoài đê Bình Minh 3. Sản lượng thủy sản tăng một phần do diện tích nuôi tăng, một phần do khai thác đem lại, đặc biệt là khai thác từ biển. Thủy sản nước mặn, lợ là lợi thế của huyện Kim Sơn, đóng góp lớn trong tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản. Nuôi thủy sản nước ngọt cũng có bước phát triển; một số địa phương đã chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm gắn với nuôi, trồng thủy sản, hình thành một số vùng sản xuất thủy sản nước ngọt tập trung, quy mô từ 5-20 ha, như: Quang Thiện, Như Hòa, Kim Chính, Văn Hải, Kim Tân... Điểm đáng chú ý tại vùng nuôi, trồng thủy sản ven biển là Công ty Cổ phần đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh đã đầu tư 15 tỷ đồng để xây dựng khu nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, công nghệ sinh học trên diện tích 6,8 ha với hệ thống xử lý nước tiên tiến, hệ thống ao ươm, ao nuôi hiện đại, ao nổi, đáy lót bạt, có trụ bê tông ở giữa ao để kéo cáp ra xung quanh; mùa đông thì che phủ nilon trắng giữ nhiệt, mùa hè che lưới chống nắng, nóng cho tôm (Nhà nón). Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Trang, ở thị trấn Bình Minh đã đầu tư trên 5 tỷ đồng xây dựng khu nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, công nghệ sinh học trên diện tích 4 ha, gồm: Hệ thống xử lý nước tiên tiến, hệ thống ao ươm, ao nuôi hiện đại, ao nổi, đáy lót bạt, có hai mái che kéo cáp để mùa đông thì che phủ nilon trắng giữ nhiệt, mùa hè che lưới chống nắng, nóng cho tôm. Cả hai dự án, mô hình trên nuôi tôm được 3 vụ/năm, năng suất đạt từ 20-25 tấn/ha/vụ, doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng/ha nuôi. Từ hai mô hình này đến nay, trên địa bàn huyện đã có thêm 3 khu nuôi tôm theo mô hình "Nhà nón" và hàng chục mô hình nuôi tôm theo mô hình "Nhà hai mái"…

Đây là những lĩnh vực sản xuất quan trọng của huyện, có giá trị sản xuất lớn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành nông, lâm, thủy sản đã và đang được quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, ứng dụng tiến bộ KHKT… bằng các nguồn vốn khác nhau nhằm đem lại hiệu quả và phát triển bền vững. 

Đinh Chúc (Theo baoninhbinh.org.vn)

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4497163

Trực tuyến: 46

Hôm nay: 6048

Hôm qua: 8821