Thứ Tư, 17/04/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Triển khai hỗ trợ cho lao động ngành du lịch vẫn còn nhiều khó khăn

Thứ sáu, 15/05/2020
Du lịch là một trong những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này phải đóng cửa, người lao động làm việc cầm chừng, tạm thời nghỉ việc hoặc thôi việc. Tình trạng này không chỉ khó khăn cho doanh nghiệp mà đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động, nhất là lao động thời vụ trong lĩnh vực này.
 

 
Người lao động trong ngành du lịch gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh:PV

Là nhân viên quản lý nhà hàng luôn tất bật quanh năm nhưng kể từ sau Tết nguyên đán, chị Ngọc Hà (thành phố Ninh Bình) phải nghỉ việc ở nhà. Thực hiện chỉ đạo của ngành du lịch về đóng cửa các khu, điểm du lịch trên địa bàn, Công ty du lịch Hang Múa nơi chị làm việc đã buộc phải cắt giảm lao động, đặc biệt là lao động thời vụ.

 Chị Hà cho biết: Tôi đã làm việc ở Công ty được hơn 5 năm, nhưng chưa bao giờ chứng kiến ngành du lịch nói chung và công ty nói riêng gặp khó khăn đến vậy. Thường thì sau Tết là mùa cao điểm của du lịch Ninh Bình, chúng tôi hầu như không có thời gian để nghỉ. Vậy mà năm nay dịch COVID-19 bùng phát đã khiến doanh nghiệp lao đao vì không có khách.

Kể cả thời điểm này, khi ngành du lịch hoạt động trở lại nhưng hầu như vẫn vắng khách và chủ yếu là khách lẻ. Tình trạng này kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà người lao động cũng hết sức khó khăn. Thời gian này, doanh nghiệp cũng tạo điều kiện hỗ trợ cho người lao động 70 nghìn đồng/ngày nghỉ. Với thu nhập này ,gia đình tôi buộc phải cắt giảm chi tiêu, bởi đây là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Trong tình cảnh tương tự, chị Nguyễn Thị Bắc (Ninh Xuân, Hoa Lư) cho biết: Gia đình tôi có 4 người thì 3 người tham gia lao động tại các khu, điểm du lịch trong nhiều năm nay. Từ sau Tết đến nay, do dịch COVID-19 nên doanh nghiệp, các khu, điểm du lịch phải đóng cửa, người lao động không có việc làm. Nhất là người làm các công việc thời vụ như tôi phải nghỉ việc, cuộc sống rất khó khăn.

Chúng tôi nghe nói về gói hỗ trợ cho người dân của Chính phủ nhưng đến nay chúng tôi cũng không biết mình có thuộc đối tượng được hỗ trợ hay không. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn Nhà nước quan tâm, có các chính sách cụ thể và điều kiện được nhận hỗ trợ thất nghiệp hợp lý hơn cho đối tượng là người lao động thời vụ trong lĩnh vực du lịch như chúng tôi.

Dưới tác động của dịch COVID-19, trong tháng 4 trên địa bàn tỉnh đã có 450/653 cơ sở lưu trú du lịch phải tạm ngừng hoạt động, chiếm 65,5%. Toàn tỉnh có 16/16 doanh nghiệp lữ hành, 18/18 đơn vị quản lý các khu, điểm du lịch đã tạm ngừng hoạt động, đã có khoảng trên 1.250 lao động trong ngành du lịch phải chấm dứt hợp đồng lao động, 17.000 lao động phải tạm ngừng việc làm. Phần lớn lao động tạm ngừng việc do các đơn vị kinh doanh phải tạm ngừng hoạt động hoặc giảm quy mô lao động, trong đó chỉ có một bộ phận lao động rất nhỏ được doanh nghiệp hỗ trợ 50% mức lương trong tháng 4.

Chỉ tính riêng doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã có khoảng gần 3500 người lái đò tại các khu, điểm du lịch vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy nội địa đang tạm ngừng hoạt động, đây là đối tượng có thu nhập thấp bị ngừng việc làm nên gặp rất nhiều khó khăn.

Để hỗ trợ, đảm bảo cuộc sống cho người lao động, từ tháng 3 doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã hỗ trợ cho 1.237 người chở đò khu du lịch sinh thái Tràng An và 640 người chở đò khu du lịch Tam Cốc- Bích Động bình quân mức 2 triệu đồng/người/tháng. Số lao động đang tiếp tục làm việc khoảng 1.750 người, chủ yếu là bộ phận hành chính, bảo vệ để duy trì hoạt động cơ bản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do khối lượng công việc rất ít nên các lao động này chấp nhận hưởng mức lương bằng 70-85% mức lương cơ bản để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp Hoàng Sơn là một trong những doanh nghiệp lớn của tỉnh trong lĩnh vực du lịch, hiện có khoảng trên 200 lao động. Do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhà hàng, khách sạn buộc phải tạm ngừng hoạt động.

Theo ước tính doanh thu trong quý I giảm từ 85-90%. Đặc biệt trong tháng 4, doanh nghiệp không có doanh thu. Doanh nghiệp đã buộc phải cho lao động một số bộ phận nghỉ việc tạm thời và hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng để đảm bảo đời sống và giữ chân người lao động.

Ông Đoàn Minh Thành, Phó Giám đốc điều hành khách sạn Hoàng Sơn cho biết: Khó khăn nhất của chúng tôi là không biết phải triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ của Chính phủ đến người lao động như thế nào. Bởi theo quy định, gói hỗ trợ trên bao gồm người lao động bị nghỉ việc, mất việc, chấm dứt hợp đồng lao động; người sử dụng lao động khó khăn về tài chính... Nhưng đặc thù của ngành du lịch là sử dụng nhiều lao động thời vụ, hơn nữa nhiều người không tự nguyện đóng bảo hiểm. Do vậy, khi triển khai chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đều lúng túng khi tiếp cận như thế nào để tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động.

Ông Tống Anh Đệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh cho biết: Việc hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực du lịch là điều cần thiết xong để chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến tay người lao động cần phải có hướng dẫn cụ thể, có tính đặc thù đối với từng ngành, địa phương để việc triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch và bảo đảm đúng đối tượng được hỗ trợ, các doanh nghiệp được hỗ trợ cũng phải sử dụng gói hỗ trợ đúng mục đích duy trì sản xuất, kinh doanh và bảo đảm đời sống cho người lao động.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm (baoninhbinh.org.vn)
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4467188

Trực tuyến: 25

Hôm nay: 98

Hôm qua: 8256