Thứ Năm, 28/03/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình

Tài nguyên du lịch Ninh Bình

Thứ tư, 18/03/2020

Tài nguyên du lịch tự nhiên

Đặc điểm về địa hình kết hợp với các thành phần tự nhiên khác như hệ thống thủy văn, lớp phủ thực vật... đã tạo cho Ninh Bình có được tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú. Thiên nhiên đã ban tặng cho Ninh Bình nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú, nhiều hang động nổi tiếng, Vườn quốc gia Cúc Phương với hệ động thực vật phong phú, khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, khu du lịch sinh thái hồ Yên Thắng, Yên Đồng, Yên Thái, Đồng Chương... với cảnh quan đặc sắc và tính đa dạng sinh học cao, khu du lịch Tràng An, Nhà thờ Đá Phát Diệm, Chùa Bái Đính, sân golf hồ Yên Thắng… Đây là tiền đề quan trọng cho việc phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn như du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí, du lịch chữa bệnh, du lịch mạo hiểm, du lịch tham quan, du lịch tâm linh, du lịch thể thao… tiêu biểu như:
 
 
 
 Khu du lịch Tràng An cách Cố đô Hoa Lư khoảng 4km về phía Nam, diện tích trên 1.961 ha, với quần thể hang động đặc sắc, các dải đá vôi, các thung và những dòng sông, ngòi đan xen vào nhau tạo nên một không gian huyền ảo và thơ mộng, nguyên sơ và kỳ thú. Tháng 9/2012, tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành Hồ sơ di sản thế giới đối với quần thể danh thắng Tràng An và trình UNESCO.
 
 
Núi, chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn có diện tích 390 ha, mới được hoàn thành giai đoạn I, đi vào hoạt động và khai thác năm 2009. Chùa ở vị trí đẹp, sơn thuỷ hữu tình với năm cái “nhất”: Chùa lớn nhất, tượng đồng to nhất (100 tấn), nhiều tượng nhất (500 pho tượng La Hán), chuông to nhất, giếng ngọc lớn nhất, thể hiện tính độc đáo hiếm có của một khu du lịch văn hoá tâm linh, là một trong những điểm du lịch quan trọng của tỉnh.
 
 
 Vườn quốc gia Cúc Phương, huyện Nho Quan có diện tích 22.200 ha, trong đó 1/2 là núi đá vôi cao từ 300 - 648 m so với mặt nước biển. Đây là vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Vườn có hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Hiện nay, Vườn quốc gia Cúc Phương đã trở thành một trung tâm cung cấp các loài thực vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao phục vụ cho các chương trình trồng rừng trong khu vực và trên cả nước. Đến Cúc Phương đẹp nhất vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4, đây là một khu rừng nguyên sinh với hệ sinh thái rừng nhiệt đới đa dạng, phong phú được bảo vệ nghiêm ngặt.
 
dam van long ninh binh
 
 Du thuyền Vân Long.
 
Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long là khu bảo tồn sinh cảnh đặc trưng cho hệ sinh thái núi đá ngập nước có diện tích lớn nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng (khoảng 2.643 ha). Đây cũng là nơi khoanh vùng bảo vệ loài Voọc quần đùi trắng - một loài linh trưởng quý hiếm đã được ghi trong Sách đỏ thế giới. Vân Long là một vùng đất còn ít được khám phá với cảnh quan đặc biệt hấp dẫn. 
 
 
 Đường vào Tam Cốc. Ảnh: NMT
 
Tam Cốc gồm ba hang: hang Cả, hang Hai và hang Ba thuộc thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Du khách vào thăm Tam Cốc chỉ có một con đường thủy duy nhất, vào ra mất khoảng hơn 1 giờ đồng hồ. Lúc thuyền luồn vào ba hang, du khách sẽ cảm nhận được làn không khí trong lành, mát lạnh của hương đồng gió nội, thạch nhũ từ trần hang rủ xuống lô nhô óng ánh như những khối châu ngọc kỳ ảo.
 
 
 Núi Non nước. Ảnh: NMT
 
Núi Dục Thúy (núi Non Nước) tạo nên vẻ huyền diệu, sơn thủy hữu tình ngay tại trung tâm thành phố Ninh Bình. Núi cao khoảng gần 70m, đỉnh tương đối bằng phẳng. Thế núi như muốn nhô ra để soi trọn mình trên dòng sông Đáy, tạo thành một mái hiên hình vòm cuốn, đổ bóng che rợp một khoảng sông có chiều dài gần 50m. Núi còn có một số tên gọi khác như Băng Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Sơn Thủy, Hộ Thành Sơn, Thanh Hoa Ngoại Trấn Sơn, Trấn Hải Đài...
 
 
 Động Địch Lộng thuộc xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, được nhân dân phát hiện từ năm 1739. Động Địch Lộng còn có tên khác là động Nham Sơn. Cảnh đẹp của Địch Lộng được Vua Minh Mạng ban tặng cho 5 chữ khi đến tham quan nơi đây - “Nam thiên đệ tam động” (động đẹp thứ 3 trời Nam).
 
 
 
Động Vân Trình rộng gần 3.500m2, là một động lớn nhất và đẹp nhất của tỉnh Ninh Bình, sánh ngang với động Thiên Cung ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Động Vân Trình còn giữ nguyên được nét đẹp trinh nguyên, tinh khiết của đá. Du khách đến đây không cần phải tưởng tượng về chốn bồng lai tiên cảnh, mà chính hang đá là cảnh thần tiên hiện giữa cõi trần.
 
 
 
Suối nước nóng Kênh Gà, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn. Núi Kênh Gà trông xa như hình một con lạc đà đang đi, nơi đây có một nguồn nước suối nóng mặn, vì thế suối có tên là Kênh Gà. Nước khoáng Kênh Gà là một trong số rất ít mỏ nước khoáng lộ thiên ở nước ta có giá trị to lớn trong y học để phòng và chữa bệnh.
 
 
Một góc hồ Đồng Chương
 
 Hồ Đồng Chương nằm giữa hai xã Phú Lộc và Phú Long, huyện Nho Quan. Hồ Đồng Chương được ví như “Đà Lạt” của Ninh Bình. Du khách đến đây sẽ thấy được vẻ đẹp hòa quyện của thiên nhiên và con người với không khí trong lành, tiếng hàng thông reo vi vút, từng đàn cò trắng bay lượn trên mặt hồ tạo nên cảnh quan thiên nhiên quyến rũ.
 Hồ Đồng Thái thuộc địa bàn 2 xã Đông Sơn (thị xã Tam Điệp) và Yên Đồng (huyện Yên Mô) có diện tích rộng hơn 380ha được bao bọc bởi dãy núi Tam Điệp hùng vĩ và con đê trải dài hơn 10 km. Hồ có trữ lượng hơn 8.000.000m3 nước, không chỉ phục vụ cho tưới tiêu nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản mà còn là một điểm du lịch sinh thái lý tưởng.
 
Tài nguyên du lịch lịch sử và văn hóa
 
Tài nguyên du lịch lịch sử và văn hóa là những giá trị vật chất cũng như tinh thần do bàn tay và khối óc của sự đoàn kết của cộng đồng các dân tộc anh em cùng chung sống ở Ninh Bình sáng tạo và gìn giữ trong dòng chảy của cuộc sống. Các tài nguyên này bao gồm những di tích lịch sử - văn hóa, di tích lịch sử - cách mạng, các làng nghề thủ công truyền thống, những giá trị văn hóa phi vật thể như văn nghệ dân gian, lễ hội... thể hiện bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của nhân dân Ninh Bình.
 
- Nhóm các di tích lịch sử - văn hóa: 
  
 
 
Sân rồng đền Đinh. Ảnh: NMT.
 
 Cố đô Hoa Lư: Là kinh đô của nhà nước phong kiến tập quyền ở nước ta, thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, nằm trên một diện tích trải rộng khoảng 400ha. Nơi đây có đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng là một kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ và đá của các nghệ sĩ dân gian Việt Nam ở thế kỷ XVII – XIX và Đền thờ Vua Lê Đại Hành (cách đền Vua Đinh khoảng 300m). Phía trước đền thờ Lê Đại Hành là núi Đèn, sau lưng là núi Đìa. Điều đặc biệt ở đền thờ Vua Lê Đại Hành là nghệ thuật chạm khắc gỗ ở thế kỷ XVII đã đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo. 
 
 
 
 
 
 Chùa Bích Động thuộc thôn Đam Khê trong, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Chùa Bích Động là một công trình kiến trúc cổ được xây dựng trên sườn núi Bích Động. Điều độc đáo là chùa được xây cất ở sườn núi cao, dựa vào thế núi. Toàn công trình chùa Bích Động bao gồm 3 ngôi chùa: chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng.
 
 
 Đền Thái Vi (thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư): Đền thờ Trần Nhân Tông, hoàng hậu Thuận Thiên và Trần Thánh Tôn. Đền Thái Vi được xây dựng theo kiểu “nội công, ngoại quốc”. Trước đền có giếng Ngọc xây bằng đá xanh. 
 
 
 Đền Vua Đinh Tiên Hoàng (thôn Văn Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn): Thôn Văn Bòng là quê hương của Đinh Tiên Hoàng đế, vì vậy người dân nơi đây đã lập đền thờ ông. Đền có quy mô nhỏ, tuy nhiên du khách đến thăm nơi đây như được trở về thăm quê hương của người anh hùng thế kỷ thứ X với nhiều huyền thoại về một thời thơ ấu của Đinh Bộ Lĩnh cùng với những người bạn thủa ấu thơ đã từng chăn trâu cắt cỏ như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ... và nuôi chí lớn dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước.
 
 Theo thống kê, hàng năm tỉnh Ninh Bình có khoảng 76 lễ hội truyền thống và nhiều hội làng mang đậm yếu tố dân gian, đậm đà văn hoá vùng đất châu thổ sông Hồng. Những lễ hội lớn như: Lễ hội đền Đinh - Lê (lễ hội Trường Yên): Tổ chức vào ngày mồng 6 - 10 tháng 3 âm lịch hàng năm tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Cố đô Hoa Lư) để tưởng nhớ công đức Vua Đinh Tiên Hoàng và Vua Lê Đại Hành, bao gồm hai phần lễ và hội. Lễ hội đền Thái Vi được tổ chức hàng năm từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 3 âm lịch tại thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Đây là dịp để nhân dân Ninh Bình và nhân dân cả nước tưởng nhớ công lao các Vua Trần, những người có công lớn với dân với nước. Lễ hội chùa Địch Lộng được tổ chức vào hai ngày mùng 5 và mùng 7 tháng Ba (âm lịch) tại chùa Địch Lộng thuộc xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn. Lễ hội chùa Bái Đính được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng Giêng hàng năm tại thôn Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn. Lễ hội Báo bản Nộn Khê: Lễ hội được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm tại đình làng Nộn Khê, xã Yên Từ, huyện Yên Mô. Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ:  Tổ chức vào 3 ngày, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 11 (âm lịch) tại đền Nguyễn Công Trứ thuộc xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn. 
 
 Các làng nghề truyền thống: 
 
Ninh Bình hiện có khoảng 160 làng trong tổng số 1.500 làng (thôn, bản...) còn lưu tồn và phát triển các nghề truyền thống, với trên 40 nghề khác nhau, trong đó có gần 20 làng nghề tiêu biểu như nghề chạm khắc đá (tập trung ở xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư); nghề thêu ren (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư); nghề làm hàng cói (ở huyện Kim Sơn, Yên Khánh); nghề mộc (tập trung nhiều ở phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình); nghề đan lát (ở Gia Viễn, Nho Quan)... 
 
 
Chế tác đá ở Ninh Vân. Ảnh: NMT
 
 
Thêu ren Hoa Lư. Ảnh: NMT
 
Văn hóa ẩm thực Ninh Bình:
 
 Về văn hoá ẩm thực, từ lâu, Ninh Bình đã nổi tiếng với bún mọc Kim Sơn, rượu Lai Thành, đặc sản thịt dê, ngọc dương tửu, cá rô Tổng Trường (Hoa Lư), nem chua Yên Mạc, mắm tép Gia Viễn, cá chuối nướng Vân Long, nhất hưởng thiên kim (cơm cháy), rượu cần Nho Quan… Các món ăn đặc sản trên cũng là nguồn tài nguyên du lịch có giá trị hay nói một cách hình tượng văn hoá ẩm thực như cái duyên, tô điểm cho môi trường du lịch hấp dẫn. 
 
 
 
Tái dê
 
 
Cơm cháy
 
Với những giá trị tài nguyên du lịch đặc sắc, Ninh Bình thực sự là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước./.
Vân Nam

 

 

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4316983

Trực tuyến: 83

Hôm nay: 4006

Hôm qua: 8017