Thứ Năm, 18/04/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Ninh Bình phát triển du lịch tâm linh

Thứ sáu, 25/09/2020

Ninh Bình hiện có trên 1000 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 79 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 183 di tích được xếp hạng cấp tỉnh cùng với 114 lễ hội truyền thống và nhiều hội làng đậm chất dân gian. Đây là tiềm năng lớn để Ninh Bình phát triển du lịch tâm linh.

Những năm gần đây, du lịch Ninh Bình có sự phát triển mạnh mẽ. Bạn bè trong và ngoài nước biết đến Ninh Bình không chỉ với những cảnh đẹp nên thơ, hùng vĩ mà còn qua các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống đậm chất dân gian của vùng “Cố đô đá”. Các di tích lịch sử văn hóa có giá trị là điều kiện thuận lợi để Ninh Bình phát triển du lịch tâm linh. Một số di tích là niềm tự hào của người Ninh Bình như: Cố đô Hoa Lư, chùa Bích Động, chùa Bái Đính, chùa Non Nước, nhà thờ đá Phát Diệm…Tất cả đã góp phần làm nên bức tranh sinh động về du lịch tâm linh Ninh Bình. 

  
 
 
Cố đô Hoa Lư là kinh đô của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta, thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư với diện tích khoảng 400 ha. Nơi đây có đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ Vua Lê Đại Hành - là những kiến trúc độc đáo đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ, đá ở thế kỷ thứ XVII - XIX. Gần đó là các di tích khác như động Thiên Tôn, đền Thái Vi, chùa Nhất Trụ. Đến với Cố đô Hoa Lư, du khách không chỉ được khám phá nghệ thuật kiến trúc độc đáo mà còn được tìm hiểu những câu chuyện lịch sử, các truyền thuyết đậm chất dân gian gắn liền với mỗi điểm di tích trên đất Cố đô.
Chùa Bích Động (thôn Đam Khê Trong, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Ninh Bình và được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị động”. Đây là công trình kiến trúc cổ, là nơi hội tụ “Bích Sơn bát cảnh” - có sự kết hợp hài hòa giữa núi, động và chùa ẩn hiện giữa những cây đại thụ xanh biếc như vẽ nên bức tranh phong cảnh thiên nhiên mang nhiều sắc thái của chốn tâm linh huyền bí.
 
 
Khu tâm linh núi chùa Bái Đính tọa lạc tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn với diện tích 700 ha. Bái Đính là sự kết hợp giữa sự linh thiêng, trầm mặc của Bái Đính cổ tự, cùng sự nguy nga, hoành tráng của một công trình kiến trúc Phật giáo mới đồ sộ bậc nhất Việt Nam với nhiều kỷ lục được xác lập như: Chùa có bộ Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam, chùa có hành lang La Hán lớn nhất, chùa có pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao nhất và chùa là nơi lưu giữ sáu viên ngọc xá lợi phật, bảo vật vô giá đối với các tăng ni, phật tử Việt Nam. Việc hoàn thiện và đưa vào khai thác Bái Đính tân tự đã góp phần đánh thức tiềm năng du lịch tâm linh của đất Cố đô.
Quần thể nhà thờ đá Phát Diệm (thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn) là tên gọi chung cho khu nhà thờ đẹp nhất Việt Nam, một quần thể kiến trúc kiểu đình, chùa phương Đông kết hợp với lối kiến trúc Gôtic của phương Tây. Nhà thờ đá Phát Diệm phản ánh một nền nghệ thuật kiến trúc điêu khắc độc đáo của Việt Nam, đặc biệt là điêu khắc đá. Ngoài nhà thờ chính tòa, quần thể nhà thờ đá Phát Diệm gồm: Hồ, Phương Đình, 4 nhà thờ nhỏ và nhà thờ kính trái tim Đức Mẹ (hay cò gọi là nhà thờ đá) - đây được coi là “viên ngọc” của quần thể.  Nhà thờ đá không chỉ là niềm tự hào của người công giáo Việt Nam mà còn nổi tiếng bởi lối kiến trúc độc đáo chỉ có ở Ninh Bình.
 
Cùng các di tích lịch sử văn hóa, Ninh Bình còn được biết đến là địa phương còn lưu giữ nhiều nhất nét văn hóa làng quê của vùng đồng bằng Bắc bộ với 114 lễ hội truyền thống. Tiêu biểu như: Lễ hội Cố đô Hoa Lư, lễ hội đền Thái Vi, lễ hội đền Đức Thánh Nguyễn, lễ hội chùa Bái Đính...
 
 
Lễ hội Hoa Lư được tổ chức vào ngày mồng 6 - 10 tháng 3 âm lịch hàng năm tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư để tưởng nhớ công đức Vua Đinh Tiên Hoàng và Vua Lê Đại Hành, bao gồm phần lễ và phần hội; Lễ hội đền Thái Vi được tổ chức hàng năm từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 3 âm lịch tại thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Đây là dịp để nhân dân Ninh Bình và nhân dân cả nước tưởng nhớ công lao các Vua Trần. Phần lễ được tiến hành với lễ rước kiệu và lễ tế. Phần hội có các trò dân gian như: Múa lân, múa rồng, cờ người, đấu vật; Lễ hội chùa Bái Đính được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm tại thôn Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn. 
 
 
Ninh Bình là vùng đất hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành điểm đến linh thiêng, hấp dẫn trong mỗi cuộc hành hương. Khi đến với mỗi điểm du lịch tâm linh ở Ninh Bình du khách không chỉ đạt được sự gia tăng về niềm tin và chất lượng cuộc sống mà còn tăng cường sợi dây gắn bó, kết nối mối quan hệ giữa cá nhân với những người đồng đạo.

Minh Ngọc
 

 

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4481502

Trực tuyến: 93

Hôm nay: 6715

Hôm qua: 7697