Thứ Năm, 28/03/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình

Nam thiên đệ nhị động

Chủ nhật, 22/08/2021

Bích Động được xếp hạng đẹp thứ hai sau động Hương Tích là “Nam thiên đệ nhị động” (động đẹp thứ nhì trời Nam). Chùa được xây dựng trên núi, cây cối xanh um, thấp thoáng ẩn hiện những vạn mái ngói rêu phong của ngôi chùa cổ.

Chùa Bích Động được xây dựng với quy mô lớn từ đầu thời Lê. Trong chùa còn có quả chuông lớn đúc từ thời Lê Thái Tổ (1428- 1433) và có những ngôi mộ tháp của các vị hòa thượng có công xây chùa. Đến thời Cảnh Hưng (1740- 1786) chùa được trùng tu, mở rộng thêm gồm chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng theo kiến trúc kiểu chữ “Tam”  thành ba ngôi chùa riêng biệt dựa vào sườn núi. Chùa được mệnh danh là “Bích Sơn bát cảnh” (tám cảnh đẹp của Bích Động). 
 
Du khách muốn vào chùa Hạ phải qua một cầu đá ba nhịp, dưới cầu là đầm sen. Với kiến trúc 5 gian, 2 tầng 8 mái uốn cong chùa xây bằng đá tảng mài nhẵn trên nền cao dưới chân núi, trông khá bề thế. Cột thềm, lan can chủ yếu được tạo dựng từ chất liệu đá xanh. Gian giữa phía ngoài treo bức đại tự  bằng chữ Hán “Mạo Cổ thần thanh” (dáng dấp ngôi chùa xưa này thiêng lắm), trong chùa thờ Phật như bao nhiêu các ngôi chùa khác của làng quê Việt Nam. 
 
Sau khi tham quan chùa Hạ, du khách men theo phía bên phải, bước qua 80 bậc đá lên chùa Trung. Chùa có kiến trúc bán mái phía ngoài, một nửa gắn vào hang động, một nửa lộ thiên, chùa gồm 3 gian thờ Phật. Phía bên trái có tấm bia “Bích Sơn thiền tự bi” (bia ghi lịch sử chùa Bích Động) dựng thời Vua Lê Dụ Tông (1705-1729), phía bên phải là tấm bia thời Cảnh Hưng tạc ngay vào sườn núi. Phía trên mái chùa Trung ở vách đá thẳng đứng được chạm khắc hai chữ Hán là “Bích Động” (có nghĩa là Động Xanh) do chúa Trịnh Sâm đã đến thăm chùa và đặt tên. 
 
 
Lễ Phật xong, du khách bước lên 21 bậc đá nữa là đến động Tối. Đây là động chính, thâm nghiêm, tĩnh mịch, bên trên cửa động có treo một quả chuông cổ bằng đồng được đúc năm Đinh Hợi (1707), niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ ba, thời Vua Lê Dụ Tông. Cửa động hình cầu vồng, nhân dân thường gọi là cầu Giải Oan. Và hầu hết du khách qua đây thường thỉnh lên ba tiếng chuông ngân nga như để "giải oan" cho tâm hồn mình ở nơi cửa Phật được thanh thản. 
 
Vào trong động, du khách sẽ được ngắm nhìn cảnh như một bức tranh tuyệt đẹp mà thiên nhiên đã tạo hoá bao đời để tạc nên hình ông tiên, cô tiên, tiểu đồng hay rùa bơi, rồng lượn, voi chầu, hổ phục, chim đại bàng, kho tiền, kho thóc… có một không hai về hình hài và vẻ đẹp. Bên phải cửa động có ba tượng Phật bằng đá uy nghi. Dưới nền động có nhũ đá hình con rùa lớn và đặc biệt có hai khối đá kỳ lạ khi gõ vào phát ra tiếng kêu như mõ. Đây thực sự như một ngôi chùa thiên tạo vậy.
 
Qua động Tối là chùa Thượng, du khách bước lên gần 40 bậc đá theo sườn núi thấy một ngôi chùa nhỏ. Đây là ngôi chùa nằm ở vị trí cao nhất, gần đỉnh núi Bích Động. Chùa có kiến trúc 2 gian theo kiểu nhà dọc quay hướng Đông Nam, trong chùa chỉ có một tượng Phật bà Quan Âm và hai bên là hai miếu thờ Sơn Thần và Thổ Địa. Cạnh chùa có một bể nước gọi là "bể nước Cam Lồ" của Phật Bà Quan Âm. Ngoài ra, du khách đứng từ trên cao phóng tấm mắt lên dãy núi cao vút bao quanh chùa Bích Động sẽ thấy 5 ngọn núi đứng xung quanh gọi là “Ngũ Nhạc Sơn”, trông như 5 cánh hoa sen. “Ngũ Nhạc Sơn” gồm núi Tầm Sặng (có nhiều cây sặng), núi Gia Định, núi Con Lợn, núi Đầu Cầu và núi Hang Dựa. Tại đây, du khách nhìn xuống cánh đồng Ngũ Môn sẽ thấy một quả núi nhỏ đá xếp từng lớp gọi là núi Chồng Sách. Sau núi Chồng Sách có một ngọn núi có hình dáng voi chầu, nhân dân gọi là núi Voi.
 
Tam Cốc - Bích Động sẽ mãi là một kỳ tích tuyệt đẹp được kết hợp giữa thiên nhiên và con người tạo thành một quần thể kiến trúc có một không hai, mang đậm nét văn hoá làng quê Việt Nam.
 
Hạnh Ngân

 
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4318843

Trực tuyến: 99

Hôm nay: 5866

Hôm qua: 8017