Thứ Năm, 28/03/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình

Đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ bảy, 18/07/2020

 Hoa Lư được nhiều người biết đến là nơi hội tụ linh khí của đất trời - nơi phát tích ba triều đại (Đinh, tiền Lê, Lý). Không những vậy, Hoa Lư còn mang trong mình những "kho báu" khi được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều danh thắng có một không hai, cùng với cốt cách văn hóa mang bản sắc riêng có "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Với lợi thế đó, nhiều năm qua, Hoa Lư đã và đang tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước đưa "ngành công nghiệp không khói" trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế cho người dân một cách bền vững.


 
Mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch Homestay tại xã Trường Yên, Hoa Lư. ảnh: Trường Giang

Từng bước khai thác hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên du lịch

Đồng chí Bùi Duy Quang, Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho biết: Thực hiện nghị quyết của trung ương, của tỉnh và Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015-2020, Hoa Lư đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển du lịch. Quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của huyện, đó là: phát triển du lịch bền vững trên cơ sở bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, các giá trị truyền thống tốt đẹp của đất và người Cố đô. Theo đó, huyện đã chú trọng chọn lọc những giá trị văn hóa gắn với lịch sử vùng đất Hoa Lư để huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở những khu du lịch trọng điểm. Đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường cũng như xây dựng văn minh du lịch. Quan tâm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch phục vụ du khách. 

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong 5 năm qua (2015-2020), nhiều dự án trọng điểm về du lịch trên địa bàn Hoa Lư đã được triển khai đầu tư như: Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Thung Nham, Hang Múa; Dự án nạo vét, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê… Các dự án này đã và đang được hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Huyện cũng tập trung đẩy mạnh phát triển làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, nghề thêu ren Ninh Hải, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các ngành nghề truyền thống kết hợp với quảng bá du lịch. Ngoài ra, huyện quan tâm phát triển các mô hình kinh tế gia trại, trang trại tổng hợp, đáp ứng du lịch trải nghiệm (câu cá, làm vườn, nghỉ dưỡng…); hỗ trợ, sản xuất và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp truyền thống của huyện như: gạo Tràng An, dê núi Hoa Lư, cá rô Tổng Trường, cá Trầu tiến vua..., phục vụ nhu cầu ẩm thực của khách du lịch.

Trường Yên là xã nằm trong vùng lõi của Quần thể danh thắng Tràng An, có Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư và Khu du lịch sinh thái Tràng An, do vậy, trong nhiều năm qua địa phương này đã khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Đến nay, toàn xã đã có trên 1.000 người làm nghề chở đò, bán hàng, làm dịch vụ ở các khu, điểm du lịch. Đồng chí Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch UBND xã Trường Yên chia sẻ: Cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành và đặc biệt là sự quan tâm của huyện, Trường Yên cũng xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong tham gia giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và nhất là khắc phục những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch. Nhiều năm trở lại đây, Trường Yên đã tập trung xây dựng văn minh du lịch. Trong đó, khâu đột phá chính là thay đổi nhận thức "ăn sổi, ở thì" vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người dân làm du lịch. Đến nay, hiện tượng "chặt chém", xin tiền bo... đã không còn; an ninh trật tự trong các khu, điểm du lịch được bảo đảm; phong cách phục vụ chuyên nghiệp hơn... đã tạo cảm giác thân thiện, an toàn cho du khách khi đến với Trường Yên.

Với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, diện mạo và sức hút của ngành "công nghiệp không khói" ở Hoa Lư đã có nhiều bước chuyển tích cực. Hiện trên địa bàn có trên 3.600 cơ sở kinh doanh thương mại, trên 500 nhà hàng, khách sạn, 15 khu nghỉ dưỡng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách. Hàng năm có khoảng trên 5 triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan (trong đó khách quốc tế khoảng 1 triệu lượt). Doanh thu từ hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch tăng từ 1.038 tỷ đồng (năm 2015) lên 1.942 tỷ đồng (năm 2019), tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động ở địa phương.

Đưa Hoa Lư trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn

Có thể nói, trong những năm qua, ngành Du lịch huyện đã có những bước phát triển vượt bậc, đưa Hoa Lư trở thành một trong những điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, du lịch, dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và sự kỳ vọng của huyện. Điều này thể hiện ở chỗ, tuy có số khách tham quan du lịch đông nhưng lượng lưu trú qua đêm thấp (mới đạt 10-20%); doanh thu du lịch còn thấp; doanh nghiệp du lịch năng lực còn hạn chế; công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự có lúc, có nơi còn chưa tốt. 

Nhìn nhận về điều này, đồng chí Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả chủ quan và khách quan, đó là do các cấp, các ngành chưa thực sự xác định được vị trí, vai trò, lợi thế của ngành Du lịch. Các chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch hiệu quả chưa cao. Các loại hình sản phẩm cũng như các ngành nghề phụ trợ cho du lịch chưa phát triển. Việc tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức người dân cũng như doanh nghiệp làm du lịch về bảo vệ môi trường chưa thực sự sát sao, dẫn đến việc nâng cao sự hiểu biết về tầm quan trọng của cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của người dân còn có mức độ...

Những thành tựu cũng như hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch đã được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hoa Lư khóa XXII, nhiệm kỳ 2015-2020 nghiêm túc kiểm điểm để rút ra bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, Hoa Lư đặt ra mục tiêu đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, góp phần tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch Ninh Bình cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững. Trong đó phấn đấu đưa Hoa Lư trở thành trung tâm du lịch của tỉnh Ninh Bình với kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch đồng bộ theo hướng hiện đại.

Để đạt được mục tiêu trên, huyện đã đề ra các giải pháp về quy hoạch, quản lý quy hoạch. Trong đó tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai; xây dựng, trọng tâm là vùng lõi Tràng An theo quy định của pháp luật; quy hoạch xây dựng các khu tái định cư để di dời một số hộ hiện đang sống rải rác trong vùng lõi ra vùng đệm theo hướng hình thành làng du lịch nhằm tạo dân sinh, dân kế. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật cho ngành Du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa trong du lịch, nhất là phối hợp thực hiện tốt Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng An, Lễ hội đền Thái Vy, Tuần Du lịch "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An" để thu hút khách du lịch. Tăng cường công tác quảng bá xúc tiến du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

"Để du lịch ngày càng hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao trong khu vực, đưa Hoa Lư trở thành trung tâm du lịch của tỉnh không chỉ là mục tiêu mà còn là định hướng chiến lược quan trọng của huyện trong giai đoạn tới. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp cho đến mỗi người dân Hoa Lư. Việc chú trọng khai thác tốt các tiềm năng du lịch không chỉ tạo sức hấp dẫn cho Hoa Lư để nhận về những cơ hội, mà quan trọng hơn là từ đây Hoa Lư tiếp tục ghi dấu trong lòng du khách về mảnh đất kinh kỳ xưa: thanh lịch, thân thiện và mến khách"- đồng chí Bùi Duy Quang nhấn mạnh.

Đinh Ngọc (baoninhbinh.org.vn)
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4318189

Trực tuyến: 75

Hôm nay: 5212

Hôm qua: 8017