Thứ Năm, 28/03/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình

Du lịch Ninh Bình phát triển bền vững

Thứ ba, 25/08/2020

Trong chiến lược phát triển kinh tế, nhiều quốc gia coi du lịch là ngành công nghiệp không khói đem lại lợi nhuận cao và là động lực mạnh mẽ để tăng trưởng nền kinh tế xã hội, do đó cần được bảo vệ và nuôi dưỡng bằng bất cứ giá nào. Tuy nhiên, trong thực tế, sự phát triển quá nóng của du lịch đã mang lại nhiều tác động tiêu cực đến quá trình phát triển. Trong đó, du lịch góp phần làm tăng tốc quá trình đô thị hoá thiếu bền vững; làm tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí và tiếng ồn; ô nhiễm rác thải và chất thải; làm suy giảm và suy thoái nguồn nước; gây xói mòn các giá trị văn hoá truyền thống do tình trạng thương mại hoá quá mức… Hậu quả đó lại gây ra những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của ngành du lịch. Vì vậy, đặt ra yêu cầu về phát triển du lịch bền vững đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. 

 
 
Ninh Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch với nhiều danh lam, thắng cảnh và di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng, được xác định là một trong 16 khu du lịch trọng điểm của cả nước, là trung tâm du lịch của vùng duyên hải Bắc Bộ. Đặc biệt, năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đây chính là tâm điểm và là lực hút chính để thu hút du khách đến với Ninh Bình và tạo ra sức lan tỏa cho các khu, điểm du lịch khác trong tỉnh. 
 
 
Núi Non Nước (TP. Ninh Bình)
 
Xác định được những lợi thế đó, trong thời gian vừa qua, tỉnh Ninh Bình đã tích cực đầu tư, phát triển du lịch toàn diện, cùng với việc ban hành các cơ chế quản lý, cải cách hành chính, thu hút đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thì các sản phẩm du lịch đang được quan tâm mở rộng theo hướng đa dạng; các tuyến, điểm du lịch được nâng lên về chất lượng. Hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn đang dần đáp ứng nhu cầu; các điểm vui chơi, giải trí đang được quan tâm đầu tư mở rộng, lượng khách đến với Ninh Bình ngày một tăng, thu nhập của người dân từ các hoạt động liên quan đến du lịch cũng được cải thiện đáng kể so với trước… hiện nay, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế của tỉnh. 
 
 
Đầm sen (hang Múa)
 
Tuy nhiên, thực tế phát triển du lịch Ninh Bình trong những năm qua cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế như: hiệu quả kinh doanh du lịch còn thấp, chất lượng các dịch vụ chưa cao, còn thiếu nhiều điểm vui chơi giải trí, chưa có đường đi bộ và trung tâm mua sắm về đêm, các sản phẩm du lịch còn chưa phong phú, chưa phát huy được hết giá trị của các sản phẩm đặc trưng vốn có của địa phương vào làm du lịch, một số chính sách phát triển du lịch còn chưa đồng bộ, nhân lực tham gia làm du lịch chưa chuyên nghiệp, lượng khách lưu trú còn ít… do đó, kết quả đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
 
 
Du lịch Vân Long
 
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 tiếp tục nhấn mạnh, trong những năm tới, phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước; phát huy lợi thế, huy động mọi nguồn lực, ban hành các cơ chế, chính sách và hoàn chỉnh các quy hoạch để du lịch phát triển bền vững. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã thông qua 15 mục tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2015-2020 trong đó có mục tiêu doanh thu du lịch đến cuối nhiệm kỳ đạt 3.000 tỷ đồng. Phát triển du lịch cũng là một trong 7 chương trình trọng tâm đã được Nghị quyết xác định.
 
 
Vườn chim thung Nham
 
Để du lịch Ninh Bình phát triển bền vững và đạt được mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra, các cấp các ngành cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo cho du lịch Ninh Bình phát triển theo hướng bền vững. Trước hết, cần khẩn trương xây dựng quy hoạch phát triển du lịch và thực hiện nghiêm túc quy hoạch, cũng như xây dựng và thực hiện quy hoạch chi tiết từng vùng, khu du lịch trong tỉnh. Đảm bảo sự tham gia của cộng đồng vào quá trình xây dựng quy hoạch phát triển du lịch. Chia sẻ lợi ích từ nguồn thu du lịch để hỗ trợ phát triển cộng đồng. Đảm bảo sự tham gia giám sát của cộng đồng trong quá trình thực hiện quy hoạch phát triển du lịch.
 
Tập trung xây dựng, nâng cao thương hiệu du lịch Ninh Bình trên thị trường bằng chính chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức cộng đồng cho nhân dân, đặc biệt là cư dân trực tiếp tham gia các hoạt động liên quan đến du lịch trong các khu du lịch của tỉnh về văn hóa giao tiếp, văn minh du lịch, thái độ phục vụ, sự thân thiện, hiếu khách của người dân địa phương, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách. 
 
 
Nhà thờ đá Phát Diệm
Nâng cao sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch bằng cách loại bỏ ngay những tour thụ động theo một lộ trình, hoạt động ấn định với các điểm di tích, danh thắng có sẵn; cần phải điều chỉnh, làm mới lại các sản phẩm du lịch truyền thống đã trở nên quá quen thuộc với khách du lịch, lấy Quần thể danh thắng Tràng An làm điểm trung tâm; đồng thời, tổ chức các chương trình du lịch trải nghiệm như tổ chức các hoạt động, điểm vui chơi, giải trí hấp dẫn, có quy mô, giá cả phù hợp, phủ kín thời gian rỗi của du khách, vừa tăng sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch, vừa tăng chi tiêu của khách, tránh tình trạng “khách du lịch phải đi ngủ sớm”.
 
 
Tam Cốc mùa vàng
 
Đầu tư phát triển các trung tâm đón tiếp, giới thiệu quảng bá du lịch, cơ sở dịch vụ đặt giữ chỗ, đại lý, hướng dẫn, phương tiện và cơ sở dịch vụ phục vụ vận chuyển khách du lịch; cơ sở dịch vụ phục vụ tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao, hội nghị và các mục đích khác, đặc biệt là hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn tại tất cả các khu, điểm du lịch trong trong tỉnh.
Xây dựng lực lượng lao động ngành du lịch đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo để đảm bảo tính chuyên nghiệp đủ sức cạnh tranh và hội nhập khu vực, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đáp ứng yêu cầu xã hội. 
 
 
Nâng cao hơn nữa vai trò và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động, kết hợp áp dụng các biện pháp hành chính, kinh tế và các biện pháp khác để xây dựng ý thức tự giác, kỷ cương trong hoạt động bảo vệ môi trường. Nâng cao nhận thức về việc bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch cho khách du lịch và cộng đồng dân cư.
 
 
Lễ rước nước tại Lễ hội Hoa Lư
Mục tiêu của du lịch bền vững là phát triển, gia tăng sự đóng góp của du lịch vào kinh tế, cải thiện tính công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư, đáp ứng nhu cầu của du khách và duy trì chất lượng môi trường. Ninh Bình đã và đang tập trung các nguồn lực vào phát triển du lịch, thu hút nhiều dự án đầu tư, khai thác tại các khu bảo tồn, khu vực có nguồn tài nguyên du lịch. Từng bước tạo môi trường du lịch thân thiện và an toàn, thu hút du khách đến với Ninh Bình. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện theo những nguyên tắc về phát triển du lịch bền vững, đòi hỏi phải có nỗ lực, cố gắng và sự đồng tâm nhất trí giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân và du khách trong việc triển khai các giải pháp. 
 
Với những kết quả đạt được trong thời gian qua và đường lối đúng đắn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chắc chắn rằng, trong thời gian tới Ninh Bình sẽ trở thành điểm du lịch nổi tiếng của cả nước, vươn ra tầm khu vực và thế giới./.
 
Cẩm Tú
 

 

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4318267

Trực tuyến: 39

Hôm nay: 5290

Hôm qua: 8017