Thứ sáu, 29/03/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình

Cố đô Hoa Lư

Thứ ba, 27/07/2021

Cố đô Hoa Lư  - Nơi phát tích sự nghiệp 3 triều đại: Đinh – Tiền Lê và khởi đầu triều Lý. Đến với cố đô, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng hai di tích đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành, hai công trình biểu tượng mang nhiều dấu ấn kiến trúc truyền thống Việt Nam.


 
 
Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng được tọa lạc trên vị trí đắc địa, phía trước có núi Mã Yên làm tiền án, phía sau có dãy núi Phi Vân làm hậu chẩm. Đền được xây dựng mô phỏng theo lối cung điện, kết cấu kiểu “Nội công, ngoại quốc”. Mặt bằng tổng thể kiến trúc được bắt đầu bằng Ngọ môn quan, xây 2 tầng 8 mái. Đây là phong cách kiến trúc truyền thống mà người xưa muốn thông qua nó để thể hiện cách lý giải mang tính triết học về vũ trụ quan và nhân sinh quan.
 
 
Qua Ngọ môn quan đến hai lớp cửa có kiến trúc tương tự nhau là Nghi Môn Ngoại và Nghi Môn Nội. Nghi môn có kết cấu kiểu Ba hàng chân cột, được xây dựng vào thế kỷ XVII. Một Bảo vật quốc gia độc đáo được bài trí ở Sân rồng là Long sàng. Long sàng được tạc bằng đá xanh nguyên khối. Mặt Long sàng được chạm khắc họa tiết Rồng khá lớn với thân mập, phủ vảy đơn, đao mác lá hỏa
 
Có thể nói, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là công trình kiến trúc tưởng niệm vị anh hùng dân tộc tài ba, nhưng đồng thời nó cũng là sự kết tinh những giá trị đặc sắc trong nghệ thuật trạm khắc của người nghệ nhân qua các triều đại kế tiếp nhau.
 
 
 Đền thờ vua Lê Đại Hành được xây dựng thế kỷ XVII. Kiến trúc tương tự như đền thờ vua Đinh. Nghi môn được chạm khắc đặc tả về hình ảnh hai cô tiên đang cưỡi rồng. Trong tư thế giang tay múa rất uyển chuyển, trang phục và nghệ thuật của các tiên nữ gợi ta liên tưởng đến điệu múa của vũ nữ Apsara. Hiên đền là sự phô diễn về kỹ thuật chạm khắc trên gỗ của người nghệ nhân thế kỷ XVII. Hoa Sen, hoa Cúc và Rồng cách điệu đã chiếm vị trí chính trong trang trí trên các mảng Chồng rường
 
Đền thờ vua Lê Đại Hành là di tích mà ở đó điêu khắc gỗ dân gian là điểm sáng trong kiến trúc truyền, nó tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê nói riêng và của nền kiến trúc cổ Việt Nam nói chung.
 
Đền thờ vua Lê thu hút du khách bởi nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian với hoa sen, hoa cúc, rồng cách điệu… trên các mảng Chồng rường. Đây là phong cách chạm khắc tiêu biểu của thời Hậu Lê, khi mà tài năng chạm khắc gỗ của nghệ nhân Việt đạt tới độ điêu luyện.

Huy Đức
 
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4326591

Trực tuyến: 78

Hôm nay: 5696

Hôm qua: 7918